(Congannghean.vn)-Tỉnh Nghệ An có 11 huyện miền núi với hơn 45 vạn người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 15% dân số toàn tỉnh, với 27 xã thuộc 6 huyện biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào có chiều dài 468 km đường biên giới. Các dân tộc sinh sống chủ yếu ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức vai trò quan trọng của công tác đảm bảo an ninh vùng dân tộc thiểu số, thời gian qua, Công an Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị cơ sở, tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện biên giới, miền núi Nghệ An tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp công tác trong phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhằm đảm bảo an ninh biên giới.
Công an xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn bám bản, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về ANTT |
Hơn 1 năm gắn bó với xã Mường Lống, lực lượng Công an xã đã giải quyết 15 vụ việc mâu thuẫn tranh chấp nương rẫy; vận động 7 đối tượng đi cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Ngoài ra, Công an xã còn tham gia giúp đỡ bà con dân bản thu hoạch mùa màng, dựng lại nhà cửa sau mỗi trận giông lốc…Thời gian chưa dài, nhưng cũng đủ để mỗi người dân nơi đây cảm nhận được sự nhiệt tình, chu đáo của lực lượng Công an. Vì vậy, mỗi khi có dịp vui trong cuộc sống, như “Cúng họ”, “Ăn lúa mới” thì bà con dân bản đều mời Công an xã tham gia chung vui. Ông Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lồng chia sẻ: Việc điều động, bố trí Công an chính quy về xã là một chủ trương đúng đắn của Bộ Công an. Cấp ủy, chính quyền nơi đây rất đồng tình và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để CBCS yên tâm công tác, làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Công an chính quy về đây đã tham mưu bài bản, có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền về công tác ANTT.
Tháng 2/2020, xã Hữu Lập được bố trí Công an chính quy với 3 đồng chí. Mặc dù mới được bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Hữu Lập nhưng Thượng úy Vy Đức Cường đã cùng với Ban Công an xã nhanh chóng ổn định tổ chức, công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vai trò của mình. Xã Hữu Lập phần lớn là đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú sinh sống, tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 40%; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội ở đây vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được Ban Công an xã Hữu Lập xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Thượng úy Cường, chia sẻ: Trong thời gian đầu triển khai xuống cơ sở, cuộc sống của CBCS Công an chính quy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với thuận lợi là người dân tộc Thái nên anh đã nhanh chóng làm quen địa bàn, phong tục tập quán nơi đây. Hữu Lập là xã vùng thấp so với các địa phương khác, giao thông đi lại tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, như nhiều xã biên giới ở Nghệ An, tình hình tội phạm ma túy và mua, bán người, truyền đạo trái phép vào vùng miền núi, dân tộc vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trước tình hình đó, Ban Công an xã Hữu Lập đã tổ chức nhiều đợt xuống các bản để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, bằng những cách vận động cụ thể, thiết thực. Bên cạnh đó, Công an xã còn phát tờ rơi tố giác tội phạm đến tận người dân, có số điện thoại của Trưởng Công an xã để người dân thuận lợi trong cung cấp thông tin. Nhờ vậy, Công an xã Hữu Lập đã phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn khám phá thành công nhiều vụ án ma túy. Điển hình như: Vào khoảng 16 giờ ngày 3/4/2020, Công an xã Hữu Lập và Công an huyện Kỳ Sơn phá chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng Kha Bún Thăn (SN 1966) và Kha Văn Thi (SN 1976), đều trú tại bản Noọng Ó, xã Hữu Lập về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 8 gói chứa 1.600 viên ma túy tổng hợp, 3 gói cùng 42 tép hêrôin có tổng trọng lượng 7 gam, 2 quả kíp nổ, 6 viên đạn thể thao, 1 dao nhọn và 2 điện thoại di động. Quá trình truy bắt, 2 đối tượng trên đã chống trả quyết liệt, làm bị thương 2 đồng chí Công an huyện Kỳ Sơn và Công an xã Hữu Lập.
Về với bản, về với người dân phải thực sự như trở về ngôi nhà của mình, đó là tâm sự chân thật của Thượng úy Cường khi gặp gỡ, tiếp xúc với chúng tôi. Quả vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Công an xã Hữu Lập đã thể hiện tốt vai trò của mình trong giải quyết các vụ việc tại cơ sở. Các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai trong nhân dân đều được các anh xuống tận cơ sở để giải quyết, tổ chức cho người dân đối thoại thẳng thắn để hóa giải các mâu thuẫn.
Về xã Xiêng My, huyện Tương Dương trong những ngày cao điểm thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy, đã cho chúng tôi thấu hiểu sự vất vả trong cuộc chiến với loại tội phạm này ở cơ sở. Mới được bổ nhiệm chức danh Trưởng Công an xã Xiêng My, nhưng Đại úy Lô Văn Anh đã khắc phục nhiều khó khăn để làm quen với môi trường công tác mới. Đại úy Lô Văn Anh trước đây là cán bộ Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Nghệ An, nay lên công tác ở một địa bàn miền núi như huyện Tương Dương cũng tạo ra nhiều bỡ ngỡ cho anh. Tuy vậy, với sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền đến bà con nhân dân đã tạo cho anh thêm niềm tin để hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Nhờ vậy, chỉ trong 1 tháng nhận nhiệm vụ, Đại úy Anh đã nhanh chóng ổn định, tạo mối quan hệ gần gũi với quần chúng nhân dân. Qua đó, đã giúp Công an xã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Ngay đầu tháng 6/2020, anh đã cùng với đội ngũ Công an viên bắt, vận động thành công 6 trường hợp đi cai nghiện ma túy bắt buộc. Điều đáng nói, trong số này có nhiều đối tượng thường xuyên trộm cắp tài sản trong nhân dân. Trước đây các đối tượng thường xuyên tụ tập mua, bán trái phép chất ma túy, tuy vậy từ khi có lực lượng Công an chính quy về, tình hình này đã giảm rõ rệt. Để vận động được một đối tượng đi cai nghiện là cả một câu chuyện đầy khó khăn, bởi hầu hết các đối tượng nghiện ma túy đều không hợp tác với cán bộ Công an. Khi có đoàn tuyên truyền đến gia đình người nghiện ma túy vận động, thì các trường hợp nghiện thường bỏ trốn vào rừng, ở trong rẫy. Mặt khác, nhiều thân nhân có người nghiện cũng không hợp tác trong công tác vận động người thân đi cai nghiện tự nguyện.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Công an Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các Đồn Biên phòng và cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyến biên giới tổ chức được 1.421 buổi họp dân, kẻ vẽ 1.283 băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, đưa tin tuyên truyền 2.456 lượt với hàng nghìn lượt người dân tham gia, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự đồng thuận của nhân dân để tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an ninh biên giới. Đến nay, trên địa bàn khu vực biên giới đã thành lập và duy trì hoạt động 73 tổ đăng ký tự quản 402.5 km đường biên; 103 mốc quốc giới; 516 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản.
Để duy trì môi trường bình yên trên biên giới, lực lượng Công an Nghệ An sẽ tiếp tục phối hợp hiệu quả với lực lượng Biên phòng tỉnh cử hàng nghìn lượt CBCS trực tiếp xuống các địa bàn miền núi, dân tộc với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” nhằm tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nhằm giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất, tăng cường đoàn kết toàn dân, tạo điểm nhấn, sức lan tỏa rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.
.