Thứ Bảy, 29/08/2020, 10:38 [GMT+7]

Nâng cao công tác xây dựng Công an cấp huyện trong tình hình hiện nay

(Congannghean.vn)-Nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của Công an cấp huyện là lực lượng trực tiếp chiến đấu bảo vệ ANTT ở cấp cơ sở, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã luôn quan tâm, đặt ra mục tiêu xây dựng Công an cấp huyện toàn diện, đảm bảo đủ sức mạnh đấu tranh với sự chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ANQG, TTATXH. 

Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm,                      bảo vệ các sự kiện lớn của đất nước năm 2020
Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ các sự kiện lớn của đất nước năm 2020
1. Công tác xây dựng Công an cấp huyện là một bộ phận của công tác xây dựng bộ máy CAND, là tổng thể hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhằm bảo đảm cho Công an cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức phù hợp với đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy và CBCS Công an có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Góp phần xây dựng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
 
Xây dựng Công an cấp huyện toàn diện đòi hỏi tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện trên các mặt: Lãnh đạo, chỉ đạo; kiện toàn tổ chức bộ máy; phân công, phân cấp nghiệp vụ; đảm bảo cán bộ đủ về số lượng, nâng cao chất lượng; đầu tư, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với thực tế chiến đấu ở địa bàn cơ sở. Công tác xây dựng Công an cấp huyện toàn diện hướng đến việc thực hiện một số tiêu chí như phải có đủ các đơn vị chức năng chủ chốt (gồm: An ninh, Cảnh sát, Xây dựng lực lượng, Hậu cần - Kỹ thuật) để có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng ủy Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an đã điều chỉnh phân công, phân cấp. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ, không phải Công an cấp tỉnh có những đơn vị nào thì Công an cấp huyện cũng phải có đủ những đơn vị đó. Nghĩa là tổ chức bộ máy Công an cấp huyện phải được xây dựng dựa trên thực tế tình hình ANTT của địa phương. Đảm bảo vừa tinh gọn, vừa đủ sức mạnh đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. 
 
2. Điều 3, Thông tư số 42/2018/TT-BCA, ngày 25/12/2018 của Bộ Công an “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”, chỉ rõ: Tổ chức bộ máy Công an cấp huyện gồm 11 đầu mối nghiệp vụ và tùy vào thực tế tình hình ANTT, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quyết định triển khai số đội cụ thể cho từng Công an cấp huyện  phù hợp. Thủ trưởng, lãnh đạo Công an cấp huyện cần phải nắm rõ tình hình ANTT trên địa bàn huyện, nhận thức được những mặt công tác, chiến đấu nào cần được tăng cường. Từ đó, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Công an cấp trên ra quyết định về việc kiện toàn tổ chức bộ máy Công an cấp huyện. Do đó, Công an cấp huyện cũng là một cấp trong bộ máy tổ chức CAND, đảm nhiệm đầy đủ các chức năng cơ bản của lực lượng CAND. Đồng thời, có chức năng tham mưu, quản lý Nhà nước về ANTT, trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT tại địa phương; xây dựng lực lượng Công an cấp cơ sở cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết những vấn đề có liên quan đến ANTT trên địa bàn cấp huyện. 
 
Huyện là địa bàn cấp cơ sở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tới ANTT, đặc biệt là vấn đề tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật buộc lực lượng Công an cấp huyện phải thường xuyên thực hiện nhiều mặt công tác liên quan tới nhiều lĩnh vực. Chính vì thế, việc xây dựng lực lượng Công an cấp huyện toàn diện, đầy đủ sẽ góp phần nâng cao sức chiến đấu của Công an huyện, đảm bảo tính chủ động trong các mặt công tác. Ngoài ra, xây dựng Công an cấp huyện cũng cần chú trọng đến một số yếu tố khác như toàn diện về thực hiện các biện pháp công tác; toàn diện về thẩm quyền cũng như toàn diện về cơ chế hoạt động và về công tác cán bộ theo phân cấp. Quá trình hoạt động, bên cạnh phải bí mật trong một số mặt công tác, hoạt động khác của lực lượng Công an cấp huyện cũng phải đảm bảo yếu tố công khai nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất. 
 
Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng Công an cấp huyện trong tình hình hiện nay là phải toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện toàn diện đảm bảo phục vụ tốt cho công tác, chiến đấu. Việc trang bị các công cụ, phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác, chiến đấu là một yêu cầu cấp thiết để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Công an cấp huyện phải được trang bị hệ thống thiết bị, phương tiện thông tin liên lạc đầy đủ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu công tác như: điện thoại, bộ đàm, máy tính kết nối mạng nội bộ, mạng internet, hệ thống máy mã cơ yếu… Bên cạnh đó, lực lượng Công an cấp huyện còn phải được đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất về trụ sở làm việc, kho vật chứng, nhà tạm giữ, tạm giam. Trụ sở làm việc phải đáp ứng đủ các yêu cầu cơ bản của lực lượng Công an cấp huyện, đảm bảo cho việc tổ chức các buổi hội họp, học tập, sinh hoạt của đơn vị, tạo môi trường thuận lợi cho CBCS tiến hành các mặt công tác nghiệp vụ. 
 
3. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng Công an huyện toàn diện trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, thủ trưởng Công an các địa phương. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể quần chúng, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và quan hệ của các tổ chức này đối với lực lượng Công an cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Công an cấp huyện với cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và Bộ đội Biên phòng trong bảo đảm ANTT vùng biên giới.
 
Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ Công an cấp huyện, đảm bảo nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như năng lực công tác của đội ngũ cán bộ đáp ứng theo khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ Công an cấp huyện theo Quy định số 02-QĐ/ĐUCA, ngày 22/8/2019 của Đảng ủy Công an Trung ương về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở bốn cấp Công an. Qua đó, đáp ứng yêu cầu đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà còn phải có phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng vận động quần chúng. Ngoài ra, cần phải tiếp tục cụ thể hóa nội dung, biện pháp xây dựng lực lượng Công an cấp huyện và khâu kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá nâng cao chất lượng công tác.
 
Bố trí lực lượng phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh, xuất phát từ đặc điểm, tình hình ANTT của địa phương. Điều động lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã ở các xã có tình hình ANTT phức tạp, địa bàn trọng điểm, được giao thêm nhiệm vụ đảm bảo trên cơ sở Thông tư số 09/2019/TT-BCA, ngày 11/4/2019 của Bộ Công an quy định việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan CAND đảm nhiệm các chức danh Công an xã, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu.
 
Bố trí đủ biên chế cho các lĩnh vực công tác, chiến đấu của lực lượng An ninh, Cảnh sát theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo đối tượng và địa bàn; liên hoàn hỗ trợ lẫn nhau theo thế trận phòng ngừa và đấu tranh tích cực, chống phân tán, chia cắt. Bố trí hợp lý chất lượng cán bộ giữa các lực lượng nhằm đảm bảo chất lượng công tác toàn diện, phát huy tối đa hiệu quả công tác. Bên cạnh đó, cần tăng cường khâu giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá chất lượng công tác xây dựng Công an cấp huyện với hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp trên tinh thần dân chủ, tăng cường đối thoại, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự phê bình và phê bình. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với CBCS Công an cấp huyện. Thường xuyên kiểm tra, sàng lọc, nghiêm túc xử lý những trường hợp có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
 
Xây dựng Công an cấp huyện vững mạnh toàn diện cũng cần chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, lòng yêu nghề, ý thức tổ chức kỷ luật cho đội ngũ CBCS, đáp ứng yêu cầu công tác. Các cấp ủy Đảng cần đặc biệt chú trọng, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy, lấy đó làm nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đảng. Đồng thời, tăng cường toàn diện công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Nghiên cứu, kiện toàn đội ngũ cán bộ phụ trách công tác bảo vệ chính trị nội bộ đảm bảo thống nhất, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; bố trí cán bộ đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu,  nhiệm vụ được giao. 
 
Một trong những nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng là tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ để đảm bảo phù hợp, tránh dàn trải, lãng phí, theo đặc điểm từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Công an cấp huyện trong tình hình mới. Công an tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm sửa chữa, nâng cấp các hội trường, phòng sinh hoạt chính trị, nhà truyền thống, thư viện, đầu tư hệ thống giáo trình, tài liệu, sách tham khảo và các thiết bị phục vụ cho việc tự học nâng cao trình độ của cán bộ, chiến sĩ Công an cấp huyện. Tham mưu với cấp trên hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với CBCS Công an cấp huyện, nhất là đối với CBCS có quá trình công tác lâu dài tại địa bàn cơ sở, địa bàn đặc biệt khó khăn, các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
.

Cao Hoàng Việt (Học viện Chính trị CAND)