Thứ Bảy, 03/08/2019, 09:19 [GMT+7]
XÂY DỰNG PHONG CÁCH NGƯỜI CÔNG AN NHÂN DÂN BẢN LĨNH, NHÂN VĂN, VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ

Lính cứu nạn: Những câu chuyện chưa kể

Cũng như chữa cháy, công việc cứu nạn cứu hộ (CNCH) LUÔN rình rập những hiểm nguy. Đằng sau những vụ việc là những lần sinh tử buộc các anh gần như phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm, cứu sống người bị nạn.
 
Muôn kiểu cứu nạn
 
Gặp chúng tôi sau một đêm thức trắng tìm kiếm thi thể nạn nhân nhảy cầu tự vẫn, sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt Thiếu tá Phan Sỹ Thông, Đội trưởng Đội Công tác CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh. Với Thiếu tá Thông và các đồng đội thì việc thức đêm là quá đỗi bình thường. Tuy nhiên, lần này do công việc tìm kiếm kéo dài hơn 1 ngày trời, từ đêm này sang đêm khác đã lấy đi nhiều sức lực của các anh. Thiếu tá Phan Sỹ Thông cho biết: “Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 24/7, chúng tôi nhận được tin báo có một người phụ nữ nhảy cầu Yên Xuân (Hưng Nguyên) tự vẫn. Đội đã nhanh chóng xuống hiện trường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nỗ lực tìm kiếm nạn nhân ngay trong đêm. Tuy nhiên, do điều kiện trời tối, mực nước sông lên cao nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Đội đã phải bố trí lực lượng thay phiên nhau túc trực tìm kiếm. Phải đến đêm 25/7, chúng tôi mới tìm thấy thi thể nạn nhân để trục vớt bàn giao cho gia đình”. 
Lực lượng cứu hộ thực hiện nhiệm vụ trên sông Lam
Lực lượng cứu hộ thực hiện nhiệm vụ trên sông Lam
Tính chất công việc khiến các anh thường xuyên phải đối mặt với nhiều vụ việc, nhiều tình huống với những địa hình khác nhau. Có lúc thì TNGT, khi thì tai nạn lao động, khi lại đuối nước… Các anh phải làm việc khi thì trong hầm lò, hang tối mịt mùng, khi lại giữa mênh mông biển nước. Và dù ở môi trường nào thì họ vẫn luôn phải chạy đua với thời gian để bằng mọi cách tìm kiếm, cứu sống người bị nạn một cách nhanh nhất. Để hoàn thành được nhiệm vụ ấy, mỗi CBCS đã phải đánh đổi bằng mồ hôi và cả nước mắt trong những năm tháng huấn luyện gắt gao trên thao trường cả ở trên cạn cũng như dưới nước. 
 
Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Phan Sỹ Thông cho biết: Mỗi vụ việc đều có tính chất phức tạp khác nhau. Thông thường với các sự cố về TNGT, tai nạn lao động diễn ra trên cạn thì công tác CNCH ít nhiều sẽ thuận lợi hơn bởi chúng tôi có thể quan sát bằng mắt thường. Từ đó bao quát và dự đoán được diễn biến tại hiện trường, xác định chính xác vị trí nạn nhân bị mắc kẹt để đưa ra các phương án ứng cứu phù hợp, nhanh chóng. Tuy nhiên, với công tác CNCH ở dưới nước thì tầm nhìn bị hạn chế hơn nên sẽ khó để xác định được những diễn biến nguy hiểm có thể xảy ra. Đơn cử như vụ việc vừa rồi, lực lượng CNCH đã mất hơn 1 ngày để tiến hành tìm kiếm. Trong những vụ việc như thế, chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian để tiếp cận vì rất khó xác định vị trí nạn nhân do thay đổi theo dòng nước. 
 
Ngay như vụ tai nạn sập giếng tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương vào cuối tháng 5/2019, lực lượng CNCH cũng mất tới 8 giờ đồng hồ để tiếp cận nạn nhân. Trong quá trình đào giếng, giếng bị sập nên 2 anh Phan Văn Sự và Phan Văn Dương đã bị vùi lấp. Chỉ một người được cứu sống kịp thời, còn anh Dương thì mắc kẹt ở phía dưới. Nạn nhân bị vùi lấp dưới bùn đất với độ sâu khoảng 4 m nên việc triển khai công tác CNCH gặp nhiều khó khăn. Chưa kể vị trí nạn nhân bị vùi lấp không thuận lợi, khu vực đào giếng gồ ghề, xung quanh có cột điện nên việc triển khai phương tiện cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
 
Tuy nhiên, lực lượng CNCH đã khắc phục khó khăn, linh hoạt kết hợp nhiều phương án để tìm kiếm nạn nhân. Sau khi phối hợp với chính quyền địa phương sử dụng máy xúc tạo không gian, mặt bằng thuận lợi cho việc CNCH, Đội chia thành các tổ công tác, 1 tổ xuống giếng nạo vét, múc bùn đất, 1 tổ ở trên mặt đất sử dụng tời kéo từng xô đất lên. Các tổ thay phiên nhau làm việc suốt đêm. Sau gần 7 giờ nỗ lực tìm kiếm, đến 22 giờ cùng ngày, mọi người đã đưa được thi thể nạn nhân lên mặt đất. Trong quá trình tìm kiếm, do ở dưới lòng giếng có nhiều đá và mảnh thủy tinh sắc nhọn nên đã có 2 đồng chí bị thương. Sau khi vụ việc kết thúc, gia đình nạn nhân, chính quyền địa phương đã hết sức cảm ơn và khen ngợi lực lượng CNCH. 
 
Cứu người như cứu hỏa
 
Quân số của Đội công tác CNCH gồm 22 CBCS, đa phần là lính trẻ, có những đồng chí mới rời khỏi ghế nhà trường, qua thời gian đào tạo đã bước vào môi trường làm việc đầy rẫy những hiểm nguy nên Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đó cũng là yếu tố “tiên quyết” để đào tạo ra những người lính đầy bản lĩnh, mưu trí, dũng cảm, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đương đầu với mọi nguy hiểm. Do tính chất công việc nên các CBCS trong Đội Công tác CNCH nói riêng và Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nói chung đều phải trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt nghiêm ngặt và gắt gao. Công tác huấn luyện cho lực lượng CHCN hằng năm được triển khai theo chương trình của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH và chia làm 2 mùa huấn luyện. Ngoài những điều kiện cơ bản về yêu cầu thể lực, sự nhanh nhạy, linh hoạt, sử dụng thành thạo các phương tiện được trang cấp, khả năng bơi lội tốt thì mỗi CBCS phải dự báo được các khả năng có thể xảy ra trong quá trình làm việc để có phương án xử lý kịp thời và hiệu quả. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng khác đó là phải đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, có như thế công tác CNCH mới được đảm bảo. 
Vụ tai nạn sập giếng tại Thanh Chương, lực lượng CNCH            mất gần 8 giờ để tìm kiếm thi thể nạn nhân
Vụ tai nạn sập giếng tại Thanh Chương, lực lượng CNCH mất gần 8 giờ để tìm kiếm thi thể nạn nhân
Trò chuyện với chúng tôi, những người lính trẻ chia sẻ, họ nằm lòng phương châm “Cứu người như cứu hỏa”. Vì vậy, trong mọi tình huống, họ không được chậm trễ một giây phút nào, bởi có những vụ việc, chỉ chậm đi vài ba phút thì tính mạng của nạn nhân sẽ bị đe dọa. Trong những sự cố tai nạn, nạn nhân phần vì đau đớn, phần vì hoảng sợ nên tâm lý sẽ bị ảnh hưởng. Trong những tình huống đó, người lính CNCH vừa kiêm luôn nhiệm vụ của một chuyên gia tâm lý, tìm cách động viên, trấn an nạn nhân bình tĩnh làm theo hướng dẫn của lực lượng chức năng. 
 
Nhớ lại những vụ CNCH đã tham gia, Đại úy Đinh Văn Tài, Đội trưởng Đội Cảnh sát chữa cháy và CNCH số 4, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Nghệ An kể cho chúng tôi nghe vụ TNGT liên hoàn xảy ra vào cuối năm 2018. Khi đó trời vừa sáng, đơn vị nhận được tin báo yêu cầu CNCH nạn nhân bị mắc kẹt trong vụ TNGT liên hoàn giữa 4 xe ôtô trên Quốc lộ 1A, đoạn qua cầu vượt Yên Lý thuộc xóm 16, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Nạn nhân là tài xế xe tải Cao Xuân Lộc (SN 1982) quê ở Bình Tường, Tây Sơn, Bình Định, bị mắc kẹt trong cabin. Thời điểm có mặt tại hiện trường, chiếc xe tải bị đâm bẹp dúm, gần như biến dạng do cú va chạm mạnh, nạn nhân bị mắc kẹt với tình trạng nguy kịch và vô cùng hoảng loạn, sợ hãi.
 
Đồng chí chỉ huy đã vừa động viên tinh thần, vừa trò chuyện để nạn nhân không để ý đến vết thương; mặt khác, ổn định tình hình hiện trường, không để ảnh hưởng đến quá trình làm nhiệm vụ. Trong vụ tai nạn đó, lực lượng CNCH đã cố định xe (chèn các bánh xe, cố định các vị trí trên xe có thể di chuyển gây ảnh hưởng tới sự an toàn của người bị nạn, tháo điện ắc quy xe tránh trường hợp xảy ra sự cố chập cháy) và dùng thiết bị banh, cắt thủy lực cắt, tháo dỡ, tách rời các cấu kiện, chi tiết trên cabin xe, cứu nạn nhân ra ngoài an toàn. Sau vụ tai nạn, gia đình anh Lộc đã viết thư cảm ơn gửi đến những “ân nhân” cứu mạng của con trai mình.
.

Huyền Thương

.