(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với tính chất nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi, đã ảnh hưởng đến tình hình ANTT, đặc biệt trực tiếp xâm hại đến sức khỏe, danh dự của con người, trong đó đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
2 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc được Công an Nghệ An giải cứu |
Theo số liệu thống kê của Đội Phòng chống mại dâm và mua bán người, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng: Giai đoạn 2011 - 2015, cơ quan chức năng phát hiện 51 vụ, khởi tố 46 vụ, 108 bị can và có trên 70 nạn nhân; năm 2016 khởi tố 14 vụ, 28 bị can, 17 nạn nhân; năm 2017 khởi tố 17 vụ, 25 bị can, 27 nạn nhân… Đối tượng mà bọn tội phạm mua bán người thường hướng đến là trẻ em và phụ nữ ở độ tuổi 14 - 30 và những người có hoàn cảnh khó khăn, Mặc dù nhiều người biết rơi vào “cái bẫy” của bọn buôn người nhưng vì miếng cơm manh áo nên vẫn buông xuôi, phó mặc cho số phận.
Tội phạm mua bán người gây ra rất nhiều hệ lụy nhưng công tác đấu tranh gặp phải rất nhiều khó khăn. Theo các cơ quan chức năng cho biết, phần lớn các nạn nhân sau khi đối tượng đưa người ra khỏi địa phương một thời gian khá lâu gia đình mới đến trình báo với cơ quan điều tra. Thông tin ít ỏi, thường các nạn nhân chỉ cung cấp địa chỉ chỗ ở cho gia đình thông qua điện thoại nên công tác điều tra, phát hiện gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng bộ các biện pháp như: Thực hiện thường xuyên, liên tục đề án của Thủ tướng Chính phủ số 130/2004/QĐ-TTG về đấu tranh chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em: Tập trung vào các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em và các loại tội phạm khác có liên quan, nhất là đối với tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài, tội phạm hoạt động có tổ chức và có tính quốc tế. Kiên quyết truy bắt các đối tượng phạm tội còn lẩn trốn, không để những đối tượng này tiếp tục phạm tội hoặc phát triển thành các băng nhóm tội phạm mới. Ngoài ra, tổ chức nhiều biện pháp phối, kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền bằng khẩu hiệu, áp phích, sân khấu hóa, nghe đối thoại, thành lập các CLB để giúp bà con nhận thức về hoạt động mua bán người.
Những năm trước, bản Hồng Điện, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông nhức nhối về tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em. Trước thực trạng đó, năm 2013, Chi hội Phụ nữ của bản đã thành lập CLB “Lá chắn” để tuyên truyền, vận động bà con, nhất là chị em và các cháu gái mới lớn trong bản tránh xa sự dụ dỗ, lôi kéo của kẻ xấu. CLB hoạt động với hơn 30 thành viên, sinh hoạt mỗi tuần một lần để phổ biến kiến thức pháp luật cho các chị em. CLB hoạt động thường xuyên, liên tục nên từ khi thành lập đến nay, nhiều chị em bắt đầu thay đổi nhận thức, tình trạng mua bán người, dụ dỗ, lôi kéo chị em, phụ nữ trong bản giảm hẳn. Hay như CLB “Phòng chống buôn bán người” do Hội Phụ nữ và Ban Công an xã Tam Quang, huyện Tương Dương phối hợp với Hội Phụ nữ Công an tỉnh Nghệ An thành lập từ cuối năm 2014 là địa chỉ tin cậy, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa tội phạm mua bán người.
Ngoài ra, Hội LHPN các huyện Quỳ Hợp, Thanh Chương, Nghĩa Đàn hàng năm phối hợp với các xã trên địa bàn tổ chức các buổi đối thoại về di cư an toàn và chống mua bán người đang có ý định đi lao động ở nước ngoài, đã từng đi lao động ở nước ngoài… Thông qua những buổi đối thoại đó để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có những trao đổi thông tin, giải quyết những vướng mắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em…