Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//binh-yen-xu-nghe/201506/bao-dong-tinh-trang-chay-rung-tai-nghe-an-tap-trung-nhan-luc-vat-luc-phong-chong-chay-rung-612571/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//binh-yen-xu-nghe/201506/bao-dong-tinh-trang-chay-rung-tai-nghe-an-tap-trung-nhan-luc-vat-luc-phong-chong-chay-rung-612571/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tập trung nhân lực, vật lực phòng chống cháy rừng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 02/06/2015, 08:42 [GMT+7]
Báo động tình trạng cháy rừng tại Nghệ An

Tập trung nhân lực, vật lực phòng chống cháy rừng

(Congannghean.vn)-Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Để đề phòng cháy rừng trong mùa nắng nóng, các cấp, ngành và các chủ rừng đã đề ra nhiều biện pháp như: Tuyên truyền giáo dục, xây dựng các công trình phòng cháy (đường băng cản lửa, biển cấm lửa, hồ đập dự trữ nước…), xác định vùng trọng điểm cháy, dự báo và cảnh báo cháy rừng... Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng và gió Lào thổi mạnh cộng với  biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) còn nhiều bất cập nên tình trạng cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra.
 
Liên tục cháy rừng
 
Mặc dù mới bước vào mùa nắng nóng, nhưng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã liên tiếp xảy ra cháy rừng. Vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 25/5, tại xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương đã xảy ra cháy rừng dữ dội. 
Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng
Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng
 
Ngay sau khi phát hiện vụ cháy, Ban chỉ huy PCCCR huyện Thanh Chương đã huy động các lực lượng Công an, quân đội, lực lượng trung đội mạnh của các xã tập trung chữa cháy rừng. UBND tỉnh Nghệ An, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An huy động các lực lượng PCCCR và các đơn vị bộ đội nhanh chóng vào cuộc. Tuy nhiên, vì nắng nóng trên 400C cộng với gió Lào thổi mạnh và địa hình đồi dốc, xe cứu hỏa không thể tiếp cận hiện trường nên đến khoảng 17 giờ cùng ngày, đám cháy mới cơ bản được cô lập. Cũng do gió Lào thổi mạnh, tàn lửa bay sang rừng thông của các xã Nam Thượng, Nam Thái, huyện Nam Đàn nên đã gây cháy dữ dội và lan rộng. Điểm cháy chỉ cách khu lăng mộ vua Mai Hắc Đế chưa đến 1 km. Các lực lượng chức năng cùng hàng trăm người dân đã thay nhau tiếp cận hiện trường. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, đám cháy mới được khống chế. 
 
Đến khoảng 4 giờ ngày 26/5, một đám cháy nữa lại xuất hiện tại rú Đụn, khu vực giáp ranh giữa 2 xã Nam Thái và Vân Diên, huyện Nam Đàn. Chính quyền tỉnh đã phải huy động thêm lực lượng đến dập lửa. Đến 9 giờ 45 phút ngày 26/5, đám cháy mới cơ bản được dập tắt. Hậu quả, nhiều diện tích rừng đã bị “bà hỏa” thiêu rụi. 
 
Người dân xứ Nghệ chưa hết lo lắng bởi những vụ cháy rừng xảy ra liên tục thì trưa 29/5 lại xảy ra một vụ cháy rừng nữa tại xã Văn Sơn, huyện Đô Lương. Ước tính gần 10 ha rừng đã bị lửa thiêu rụi.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Từ đầu mùa nắng 2015 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 21 ha rừng các loại”. Năm 2014, theo thống kê, chỉ trong vòng nửa tháng (cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2014), trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra 16 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 100 ha rừng các loại, làm 1 người tử vong trong quá trình tham gia dập lửa cứu rừng và 3 người khác bị thương trong những vụ cháy rừng.
 
Biện pháp PCCCR còn nhiều bất cập
 
Hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra là diện tích rừng thông ở các địa phương đều được phát hiện sớm và kịp thời huy động nhân lực cho công tác dập lửa, cứu rừng. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, các vụ cháy rừng đều xảy ra ở vùng giáp ranh giữa 2 địa phương, nên trong công tác chỉ đạo của lãnh đạo địa phương về công tác PCCCR vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Điều đó đã khiến cho công tác này gặp khó khăn hơn. 
Đốt nương làm rẫy là một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy rừng
Đốt nương làm rẫy là một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy rừng
 
Theo điều tra, các vụ cháy rừng lớn ở Nghệ An thời gian qua thường xảy ra ở những khu rừng có lớp thực bì dày. Điều đó cho thấy, chính quyền địa phương và các chủ rừng đã không thường xuyên phát dọn, xử lý thực bì trước mùa nắng nóng. Vì vậy, có thể nhận định, công tác PCCCR còn rất chủ quan, lơ là, nếu chưa nói là chưa làm hết trách nhiệm.
Ông Võ Trọng Cường, cán bộ Hạt Kiểm lâm Nam Đàn cũng thừa nhận: Trên đỉnh núi Đụn (Nam Đàn) đã có đường băng cũ rộng khoảng 15 m, nhưng do chưa được phát dọn thực bì nên khi cháy, lửa dễ dàng lan sang. Trách nhiệm này thuộc về Ban quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn”.
 
Một thực tế nữa cho thấy, lực lượng chữa cháy tại chỗ của các địa phương ít được huấn luyện về công tác PCCCR, nhất là đối với người dân. Nhiều vụ cháy rừng, chính quyền địa phương đã huy động hàng nghìn người tham gia nhưng việc dập tắt đám cháy vẫn còn rất lúng túng, vì họ không được trang bị về kỹ năng, kỹ thuật chữa cháy rừng và cũng không biết cách xử lý đối với từng tình huống cụ thể. Do đó, nhiều vụ cháy đáng lẽ ra có thể được khống chế, cứu chữa kịp thời từ lúc quy mô đám cháy còn nhỏ nhưng vì công tác chữa cháy không hiệu quả nên dẫn tới để lửa rừng lây lan, gây ra cháy lớn. Lực lượng chuyên trách chữa cháy rừng lại quá mỏng, khả năng tiếp cận đám cháy còn nhiều hạn chế.  
 
Cháy rừng luôn tiềm ẩn
 
Được biết, Nghệ An có trên 888.690 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 733.268 ha. Đây là địa bàn được cảnh báo có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao nhất cả nước.  Các điểm có nguy cơ cao nhất là rừng thông của các huyện như: Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành và các huyện miền núi rẻo cao như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu... Thế nhưng, công tác phòng chống cháy rừng ở các địa phương này vẫn chưa thật sự hiệu quả. Tại nhiều khu rừng ở các địa bàn trên, phần thực bì còn rất dày, cộng với cây leo, bụi rậm nhiều nên rất dễ bắt lửa. Đi ngược lên các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu..., thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy cảnh người dân đốt nương làm rẫy trong cái nóng thiêu đốt. Nếu một tàn lửa theo gió bay đi thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
 
Ông Nguyễn V. trú tại xã Vân Diên, huyện Nam Đàn cho biết: “Mùa nắng nóng năm nay còn kéo dài, nếu như không có biện pháp PCCCR hiệu quả của các cấp chính quyền ở các địa phương thì rừng sẽ còn tiếp tục cháy. Theo tôi, những địa phương nào để xảy ra cháy rừng thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Làm như vậy mới mong ngăn chặn được nạn cháy rừng. Trong thời gian qua, nhiều vụ cháy rừng xảy ra nhưng chưa thấy cơ quan chức năng xử lý nghiêm cán bộ xã, huyện hay chủ rừng”.
 
Theo các nhà chức trách địa phương, cháy rừng vẫn diễn ra do các hành vi cố ý hay sử dụng lửa bất cẩn dẫn đến cháy như: Phát, đốt nương rẫy, xử lý thực bì trồng rừng, khai hoang, đốt đồi cỏ để lấy cỏ non, đốt củi lấy than... gây cháy lan vào rừng. Tuy nhiên, đến nay, đa số các vụ cháy trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm ra kẻ gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân để xảy ra cháy rừng và có những biện pháp tích cực để ngăn chặn, giảm thiểu nạn cháy rừng.
.

Tiến Dũng

.