Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo gây thiệt hại lớn về tài sản đối với người bị hại, có vụ lên tới gần 3 tỷ đồng. Trong các vụ án này, ngoài thủ đoạn tinh vi của đối tượng gây án còn phải kể đến sự chủ quan của một số công chứng viên tại các văn phòng công chứng.
Một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị làm giả. Ảnh minh họa. |
Nguyễn Văn Mười là một kẻ lười lao động và ham chơi. Với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tháng 1-2017, đối tượng làm thủ tục vay tiền tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, mua xe ôtô nhãn hiệu Kia Morning, BKS 19A-146.54.
Đến tháng 2-2017, Mười tiếp tục vay tiền tại ngân hàng trên, mua chiếc xe ôtô nhãn hiệu Kia-Optima, BKS 19A-149.25. Do Mười làm hợp đồng vay thế chấp ngân hàng để mua 2 xe ôtô trên nên sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký xe, ngân hàng đã giữ lại 2 giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô này. Mười đã sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô giả, bán xe ôtô BKS 19A-146.54 cho ông Hồ Văn Đ (trú tại phường Gia Cẩm, TP Việt Trì) với giá 235 triệu đồng...
Hợp đồng mua bán này do ông Phùng Ngọc Cường, ở phường Thanh Miếu, TP Việt Trì, công chứng viên Văn phòng công chứng Âu Cơ công chứng. Tiếp đó, vào ngày 8-2-2017, Mười sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô giả, bán xe ôtô BKS 19A-146.54 cho anh Nguyễn Xuân H. (ở tại phường Nông Trang, TP Việt Trì) với số tiền 200 triệu đồng. Anh H. và Mười đã đến Văn phòng công chứng Việt Trì để công chứng hợp đồng mua bán xe ôtô trên. Hợp đồng này do bà Lê Thị Thu Thủy (trú tại Việt Trì), công chứng viên Văn phòng công chứng Việt Trì thực hiện.
Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 21-2-2017, đối tượng tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô giả, bán xe BKS 19A-149.25 cho anh Vũ Văn Tr. ở Việt Trì với số tiền 500 triệu đồng. Cũng như những người bị hại khác, anh Tr. đã làm hợp đồng mua bán xe ôtô trên. Hợp đồng do Đào Ngọc Kim, công chứng viên Văn phòng công chứng Hà Thúy Ngữ công chứng.
Trong vụ án này, để tránh bị phát hiện, Mười thường xuyên thay đổi các địa điểm làm công chứng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Quá trình đấu tranh, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định, từ tháng 1-2017 đến tháng 6-2017, Mười chiếm đoạt của anh Nguyễn Xuân H. 600 triệu đồng; ông Hồ Văn Đ là là 935 triệu đồng, anh Vũ Văn Tr 500 triệu đồng..., và tổng số tiền chiếm đoạt của các bị hại gần 3 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành trưng cầu giám định 9 giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô Mười sử dụng để bán cho 5 người bị hại. Kết luận của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Thọ xác định 9 giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô là giả, được sao chụp bằng phương pháp in, phun màu.
Quá trình đấu tranh, Mười khai mua các giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô giả trên qua mạng Internet của Võ Nguyên Sang (trú tại Bến Cầu, Tây Ninh). Các lần chuyển giấy tờ giả cho Mười, Sang đều nhờ Nguyễn Tống Phúc Ân (ở TP Hồ Chí Minh), là nhân viên chuyển phát nhanh chuyển hộ. Sang mua giấy tờ của một đối tượng tên Giang, sau đó bán cho Mười với số tiền từ 6 đến 7 triệu đồng/ giấy chứng nhận đăng ký giả.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng được triển khai từ năm 2016. Theo quy định, các phòng công chứng, văn phòng công chứng phải khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng và thường xuyên cập nhật các tài sản liên quan đến hợp đồng, giao địch đã công chứng lên hệ thống. Thế nhưng, các công chứng viên đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của họ.
Một số trường hợp không thực hiện đúng quy trình công chứng, thiếu trách nhiệm trong việc công chứng, không cập nhật thông tin về hợp đồng, các tài sản liên quan đến hợp đồng lên hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng dẫn đến thiệt hại về tài sản cho người bị hại. Cá biệt có một số trường hợp không lên mạng tra cứu thông tin giao dịch tài sản trên cơ sở dữ liệu công chứng về việc công chứng hợp đồng. Một số trường hợp chưa tra cứu, xác minh triệt để giao dịch của tài sản trên hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng...
Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do vợ chồng Hà Trường Giang (45 tuổi) và Vũ Tạ Minh Thùy (trú tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) thực hiện cũng vậy. Chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của các công chứng viên mà nhiều người bị hại rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, Giang là giáo viên của một trường tiểu học nhưng do ham mê chơi lô đề, cờ bạc dẫn đến nợ nần, mất khả năng thanh toán, đối tượng đã làm giấy tờ giả để bán tài sản.
Vũ Tạ Minh Thùy, vợ Giang biết được những tài sản đang thuộc quyền định đoạt của ngân hàng và của Nhà nước và giúp sức tích cực cho chồng. Tính từ tháng 4 đến tháng 9-2016, Giang và Thùy đã sử dụng 2 giấy đăng ký ôtô giả, 1 giấy đăng ký xe môtô giả, 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, thu hồi mang đi bán nhằm chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền lên đến nhiều tỷ đồng...
Đối với các công chứng đã công chứng hợp đồng mua bán xe ôtô giữa vợ chồng Giang với các bị hại, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định là do sự chủ quan của các công chứng viên...
Do chưa có quy chế quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn nên hiện nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ không có căn cứ pháp lý để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các công chứng viên. Vì thế, việc xử lý mới chỉ dừng lại ở việc ra quyết định xử phạt hành chính.
Quá trình đấu tranh, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Văn phòng công chứng Phú Thọ; các Văn phòng công chứng Việt Trì, Hùng Minh, Lâm Thao và Văn phòng công chứng Hà Thúy Ngữ về hành vi “không cung cấp thông tin nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch do công chứng viên của tổ chức mình thực hiện công chức để đưa vào cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định của Luật Công chứng” với mức phạt 5 triệu đồng.
Tìm hiểu về thực trạng trên, chúng tôi được biết, tại khoản 2, Điều 62 Luật Công chứng năm 2014 quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng. Trên cơ sở quy định trên, ngày 12-11-2014, UBND tỉnh Phú Thọ có Kế hoạch số 4920/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
UBND tỉnh Phú Thọ đã giao cho Sở Tư pháp chủ trì, xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng đi vào hoạt động năm 2016. Tuy nhiên, vào thời điểm xảy ra vụ án, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ mới đang xây dựng dự thảo Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh. Do đó, chưa có quy chế quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng.
Để hạn chế các vụ việc trên, Cơ quan CSĐT đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ có hình thức xử lý các công chứng viên vi phạm quy trình và các văn phòng công chứng theo quy định của pháp luật; đồng thời nhanh chóng xây dựng Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng, nhằm hoàn thiện về văn bản quy phạm pháp luật, tránh sơ hở, thiếu sót trong hoạt động công chứng.