(Congannghean.vn)-Chỉ với một chiếc máy tính, một máy scan, một máy in màu…, Cao Chí Công (SN 1977) trú tại khối phố 3, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức với mức giá khá khiêm tốn từ 50 - 150 nghìn đồng nhưng rất tinh xảo, khó để phát hiện bằng mắt thường…
Làm rõ đối tượng làm giả giấy tờ
Đối tượng Cao Chí Công |
Cao Chí Công được Trường THPT Hương Khê nhận làm nhân viên hợp đồng bảo vệ từ năm 2010. Cùng với công tác bảo vệ, Công được nhà trường cho phép làm ki-ốt photocopy nằm trong khuôn viên trường để phục vụ giáo viên, học sinh và nhân dân vùng lân cận. Nếu là việc photo, in ấn, chụp ảnh thẻ… thông thường thì không có gì đáng bàn. Thế nhưng, trong quá trình hành nghề, Công được nhiều người dân “nhờ” sửa một số thông tin từ bản sao của giấy tờ gốc để làm những giấy tờ mà họ cần. Từ năm 2016 đến nay, Công đã thực hiện nhiều vụ “ảo thuật” như thế.
Chỉ với một máy tính có phần mềm photoshop, một máy scan, một máy in màu, một máy ép dẻo platic, Cao Chí Công đã trở thành “chuyên gia” trong việc “hô biến” các loại giấy tờ, phổ biến là chứng minh nhân dân, giấy đăng ký xe các loại, bằng tốt nghiệp… Vì nhiều lý do khác nhau, người sử dụng cần “sửa” những thông tin như ngày, tháng, năm sinh, họ, tên, tên đệm, hoặc những thông tin cá nhân… mà họ không đủ giấy tờ liên quan để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền chỉnh lý, sửa sai.
Có “cung” ắt sẽ có “cầu”, ngoài photocoppy, Cao Chí Công đã học thêm được ngón nghề photoshop. Sau khi scan giấy tờ gốc vào máy tính, với việc sử dụng phần mềm photoshop, Công đã dễ dàng “chỉnh lý” những thông tin mà người sử dụng cần. Sau đó, bóc tách “phôi” của giấy tờ gốc, dùng mặt sau có chữ ký và dấu của cơ quan chức năng và mặt trước sau khi đã “hô biến” thông tin A thành B, Cao Chí Công ép dẻo giấy tờ đó lại.
Chi phí cho mỗi loại giấy tờ này cũng phải chăng nên nhiều người dân ở huyện Hương Khê đã tìm đến Công mỗi khi có việc. Giá của mỗi lần “phù phép” là 50 nghìn cho các loại giấy tờ CMND, giấy đăng ký môtô, xe máy; 150 nghìn cho các loại bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, bằng mắt thường thì rất khó phân biệt đâu là giấy tờ thật và các loại giấy tờ giả sau khi được Công “phù phép”. Bởi thế, “kinh nghiệm” như hiệu cầm đồ cũng bị “sản phẩm” của Công qua mặt.
Vụ việc chỉ được phát hiện khi cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê đấu tranh, làm rõ đối tượng Lê Tiến Cường (SN 1992) trú tại xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê về hành vi trộm xe máy.
Trước đó, vào ngày 6/2/2017, đối tượng Lê Tiến Cường lấy trộm chiếc xe máy BKS 37B1-254.73 của anh Phạm Công Tuấn trú tại xóm 8, xã Hà Linh, huyện Hương Khê rồi đưa về cất giấu tại nhà mình thì bị Công an huyện Hương Khê bắt giữ.
Tại cơ quan điều tra, Cường khai nhận, ngoài việc lấy trộm xe của anh Tuấn, hắn còn đến nhà xe của Công ty Formosa ở TX Kỳ Anh lấy trộm chiếc xe máy BKS 38B1-225.59 của anh Hoàng Thế Hải (SN 1989) ở Ba Đồn, Quảng Bình. Để “hợp pháp” chiếc xe máy của anh Hải, Cường đã lấy số khung, số máy rồi “nhờ” Cao Chí Công làm một đăng ký xe máy mới và một CMND mới mang tên Trần Bá Hải. Sau 2 tháng sử dụng, do cần tiền để tiêu xài cá nhân, Cường đã đến hiệu cầm đồ ở khối 4, thị trấn Hương Khê cầm cố chiếc xe máy nói trên với giấy tờ mang tên Trần Bá Hải, với giá 20 triệu đồng.
Công an huyện Hương Khê đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Lê Tiến Cường; đồng thời, phối hợp với lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Tĩnh trưng cầu giám định các giấy tờ liên quan mà Cao Chí Công “phù phép” để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Công.
Công an huyện Hương Khê kiểm tra cơ sở photocopy của Cao Chí Công |
Thận trọng trong mỗi giao dịch cần đến các loại giấy tờ
Làm giả giấy tờ, sử dụng giấy tờ giả không phải là hành vi phạm tội mới, tuy nhiên, qua vụ việc của Lê Tiến Cường, Cao Chí Công ở huyện Hương Khê một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức và hành vi sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại úy Phan Quốc Hội, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Hương Khê cho biết: Thủ đoạn của đối tượng làm giấy tờ giả ngày càng tinh vi. Nếu như trước kia, nhiều loại giấy tờ giả hoàn thành nhờ in lưới, thì nay đa phần được chế trên máy tính với các phần mềm hiện đại. Có giấy tờ giả được “chế” từ phôi thật, sau đó tẩy xóa, chỉnh sửa nội dung.
Một số thủ đoạn như dùng giấy tờ tùy thân (giấy CMND, bằng lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, hộ chiếu… của người khác) dán ảnh của mình nhằm tạo lòng tin với chủ sở hữu tài sản để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: Xin việc làm hoặc xin làm thuê, mua hàng trả góp, hợp đồng thuê xe ôtô… Dùng thủ đoạn làm giả các loại giấy tờ như: CMND, giấy đăng ký xe, hộ khẩu, chủ quyền nhà - đất… nhằm các mục đích bán xe không rõ nguồn gốc (xe vô chủ hoặc xe do các hành vi phạm tội mà có), cầm cố thế chấp vay tín dụng, vay tiền hoặc làm giấy tờ lừa đảo sang tên chuyển quyền sử dụng để đi bán lại cho người khác… Độ tinh vi của giấy tờ giả đến mức ngay cả những người vốn giao dịch thường xuyên với các loại giấy tờ đó cũng bị mắc lừa.
Rõ ràng, vấn nạn giấy tờ giả đang gây ra những hệ lụy khôn lường. Do vậy, cùng với sự nâng cao ý thức của người dân, yêu cầu cần đặt ra đối với cơ quan chức năng trong việc phanh phui, xử lý nghiêm khắc những đối tượng, đường dây làm giấy tờ giả; đồng thời, cần nhìn nhận đây là loại tội phạm đã và đang gây ảnh hưởng nhức nhối đến tình hình ANTT.
Trước tình hình trên, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác trong nhân dân, tránh tạo sơ hở để các đối tượng có điều kiện hoạt động lừa đảo, người dân phải luôn đề cao cảnh giác, thận trọng trong mỗi giao dịch cần đến các loại giấy tờ. Trước khi đưa ra quyết định mua bán, giao dịch, hãy xác định cụ thể nhân thân, địa chỉ của “đối tác” làm ăn với mình. Sự cẩn thận càng cần đặt ra trong những giao dịch tài sản có giá trị lớn như ôtô hay tham gia đầu tư, mua bán dự án bất động sản. Khi thực hiện các hợp đồng mua bán, người dân không nên chỉ dùng các hợp đồng, giấy tờ mua bán sang tay mà phải đến cơ quan, văn phòng công chứng để làm thủ tục mua bán theo đúng quy định của pháp luật.
Đa số các trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đều đánh vào tâm lý, lòng tham của người bị hại. Vì vậy, người dân khi tiếp xúc với các thương vụ làm ăn với đối tác không rõ nguồn gốc và nguồn lợi luôn được hưởng nhiều hơn so với thực tế thì phải đề cao cảnh giác với các trường hợp này. Nếu nghi vấn đối tác của mình sử dụng giấy tờ giả nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì nên báo ngay về Công an địa phương gần nhất để phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết.
Người dân nên tự bảo quản giấy tờ tùy thân cá nhân (CMND, sổ đỏ, giấy đăng ký xe, hộ khẩu…) cẩn thận. Không nên cho người khác mượn hoặc bảo quản giúp. Trường hợp người dân bị mất, hoặc làm thất lạc các giấy tờ tùy thân thì phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn làm lại nhằm phòng tránh các đối tượng xấu sử dụng giấy tờ tùy thân bị mất để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện các hành vi lừa đảo hoặc nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo người dân nên đến ngay cơ quan Công an gần nhất để trình báo vụ việc để được ghi nhận, xử lý kịp thời.