(Congannghean.vn)-Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng, ngày càng có nhiều người sử dụng ma túy đá dẫn đến không kiểm soát được hành vi, có những hành động gây nguy hại cho bản thân và cộng đồng xã hội. Với người bình thường, gặp phải những trường hợp “ngáo đá”, cần ứng xử linh hoạt kẻo tai bay vạ gió.
“Ngáo đá” là một thuật ngữ, ám chỉ việc người sử dụng ma túy dạng đá khiến chất Methamphetamin đi thẳng vào não, lâu dần làm phát sinh bệnh tâm thần phân liệt, làm biến đổi suy nghĩ của con người, không làm chủ được hành vi, năng lực bản thân.
Đầu tiên chỉ là những triệu chứng như mất ngủ, rối loạn hệ thống thần kinh, loạn thị, suy nhược cơ thể, giảm sức đề kháng... Song, quá trình sử dụng liên tục ma túy đá trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng mất ngủ, chán ăn. Giai đoạn nghiêm trọng sẽ dẫn tới hoang tưởng ảo giác, lo sợ, bị kích động, lên cơn loạn thần. Những phản ứng này rất dễ dẫn tới các hành vi nguy hiểm cho bản thân và xã hội, rất dễ có nguy cơ đột quỵ do hiện tượng thiếu máu não, tăng nhịp cơ tim.
Hình ảnh Chu Văn Sơn lên cơn “ngáo đá”, dùng dao khống chế nhiều con tin trong suốt 5 giờ đồng hồ ở Diễn Châu |
Thời gian vừa qua, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến các đối tượng sử dụng ma túy đá quá liều dẫn đến không làm chủ được hành vi (ngáo đá).
Điển hình, sáng 27/9, đối tượng Hoàng Đình Sơn (SN 1974) trú tại khối Tân Lộc, phường Hưng Dũng, TP Vinh, đã có 7 tiền án, sau khi sử dụng ma túy đá bị “ngáo đá” đã dùng con dao gọt hoa quả tự đâm vào bụng mình, sau đó cầm dao chạy ra đường.
Thấy chị Đinh Thị Hải H. (SN 1974) trú cùng khối đang điều khiển xe máy, Sơn xông đến đạp ngã, sau đó cướp xe máy BKS 37P2-3367, chạy thẳng đến trụ sở Công an phường Hưng Dũng đòi chém, giết cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tại đây. Trong cơn phê ma túy đá, Sơn đã trèo lên lan can tầng 2 của trụ sở Công an phường rồi trèo sang trụ sở UBND phường Hưng Dũng đuổi đánh nhiều người trước khi bị khống chế.
Ngày 2/10, Cảnh sát 113 cũng đã kịp thời khống chế thành công đối tượng Đoàn Thành Vinh (SN 1984) trú tại khối 7, phường Trường Thi khi y đang đập phá, hủy hoại tài sản trước số nhà 42, đường Hoàng Văn Tâm, phường Trường Thi, TP Vinh. Có mặt tại hiện trường, lực lượng Công an đã khống chế thành công đối tượng, tịch thu 1 con dao, 1 kiếm tự chế và thu trên người 2 con dao mẹo. Sự việc sau đó được xác định, do bị “ngáo đá” nên Vinh đã hủy hoại tài sản trước số nhà 42, đường Hoàng Văn Tâm mà không làm chủ được hành vi.
Sự việc gây xôn xao dư luận mới đây nhất là trường hợp Chu Văn Sơn (SN 1981) trú tại xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV. Ngày 17/4, trong lúc lên cơn “ngáo đá”, Sơn đã bắt cóc, dùng chiếc kéo sắt mang theo trong người, dí vào cổ để khống chế 5 người, bắt chở lòng vòng qua 8 xã của huyện Diễn Châu.
Khi lực lượng chức năng có mặt để vận động Sơn thả con tin nhưng đối tượng này không đồng ý, thậm chí còn đưa ra yêu sách phải cấp cho hắn 1 chiếc xe máy để nạn nhân chở hắn đi. Sau gần 5 giờ, với sự kiên trì, mưu trí và dũng cảm của lực lượng tham gia giải cứu, đối tượng buộc phải thúc thủ, các con tin được giải cứu an toàn.
Nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng có nhiều trường hợp “ngáo đá” có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội, theo ông Đào Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội 2 Nghệ An là từ khi thực hiện Nghị định 221 của Chính phủ về việc đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm, do vướng thủ tục pháp lý nên số đối tượng nghiện được đưa vào rất ít, dẫn đến người nghiện ma túy không quản lý được ở ngoài xã hội nhiều hơn trước, khó quản lý.
Trong khi đó, trên góc độ chuyên môn, bác sĩ Chuyên khoa II Phan Kim Thìn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết: Khi lên cơn “ngáo đá”, người nghiện sẽ gặp chứng hoang tưởng, loạn thị giác, không kiểm soát được hành vi. Đặc biệt, chứng loạn thị, loạn thần sẽ khiến người “ngáo đá” khi gặp bất kỳ ai cũng sẽ liên tưởng đến những thế lực siêu nhiên, vô hình, thậm chí là ác quỷ xui khiến khiến họ hành động một cách không làm chủ được năng lực, hành vi.
Chuyên gia khuyến cáo, nếu cộng đồng dân cư có người có tiền sử nghiện ma túy dạng đá, trước hết gia đình người nghiện phải khuyến cáo, đồng thời phối hợp đưa đi cai nghiện. Ngoài ra, anh em họ hàng nếu có người nghiện, khi lưu trú qua đêm cũng hết sức cảnh giác, thậm chí là khéo léo từ chối bởi những người “ngáo đá” thường rất hay đem lòng thù hận, dù chỉ là những mâu thuẫn lãng xẹt.
Vụ thảm sát tại Quảng Ninh vào tối 23/9 khiến 4 bà cháu trong 1 gia đình bị thiệt mạng trong đêm khi cho cháu họ là đối tượng Doãn Trung Dũng (SN 1971) trú tại tổ 7, khu 1, phường Trưng Vương, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh ngủ lại qua đêm vừa qua là một bài học đắt giá.
Đối với người dân, khi ra đường chẳng may gặp người nghiện ma túy đá đang trong cơn “phê” thuốc, việc đầu tiên là nên báo cho cơ quan Công an, tuyệt đối không được tự mình xử lý như khống chế, bắt giữ vì những lúc như vậy, đối tượng luôn mang theo vũ khí và rất hung hãn.
Để hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi gây hại cho xã hội của những người “ngáo đá”, vai trò của gia đình rất quan trọng. Các bậc cha mẹ phải biết được biểu hiện của con em mình, qua đó kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, điều trị khi phát hiện những bất thường xảy ra. Đối với những trường hợp xác định đã nghiện ma túy đá, gia đình nên đưa ngay đến cơ sở y tế điều trị theo phác đồ thay vì giấu thông tin. Có như thế, mới hạn chế được hiểm họa do “ngáo đá” gây ra, cơ quan chức năng liên quan cũng “bớt” được phần việc phức tạp khi người nghiện lên cơn “ngáo đá”, gây mất ANTT tại cộng đồng dân cư.