Thứ Tư, 04/11/2020, 10:25 [GMT+7]

Cảnh báo thủ đoạn giả danh cán bộ lừa đảo tiền tỉ qua điện thoại

(Congannghean.vn)-Rất nhiều người dân đã mất tiền sau khi nghe những cuộc điện thoại của người tự xưng là cán bộ của cơ quan Công an, thi hành án, tòa án, viện kiểm sát… chỉ vì nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, nhiều người đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
 
Giả danh công an ép người dân chuyển tiền
 
Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi. Trong đó có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Cán bộ Công an tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của người dân
Cán bộ Công an tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của người dân
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Nguyễn Văn Phi (30 tuổi) trú tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phi được xác định là đối tượng cầm đầu đường dây mạo danh công an, lừa đảo tiền qua điện thoại. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, đầu năm 2017, Phi liên hệ với Phạm Đình Luận (27 tuổi) quê tỉnh Bắc Ninh đặt vấn đề tìm người mở các tài khoản ngân hàng và trả 3 triệu đồng mỗi thẻ. Luận đồng ý nên đã liên lạc và cùng Nguyễn Hữu Thu (29 tuổi), Phạm Đình Phi (21 tuổi), Phạm Công Phượng (21 tuổi) trú cùng quê với Luận, mở 15 thẻ ATM của các ngân hàng. Sau đó, Luận gửi thẻ sang Đài Loan cho Nguyễn Văn Phi và nhận lại tiền.
 
Từ Đài Loan, Nguyễn Văn Phi gọi điện thống nhất với Luận, Thu, Đình Phi khi có tiền của người bị hại chuyển vào các tài khoản thì đi rút tiền mặt. Nguyễn Văn Phi đã trích ra 15 - 20% số tiền chiếm đoạt được chia cho Luận, Thu và Đình Phi. Trong vòng 8 ngày (từ 21 - 29/8/2017), đường dây của Nguyễn Văn Phi đã lừa đảo của 5 nạn nhân số tiền hơn 3,3 tỉ đồng. 
 
Thủ đoạn các đối tượng thực hiện là giả danh nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ tiền cước nên sẽ chuyển vụ việc sang công an để điều tra. Khi các nạn nhân khẳng định không nợ tiền hoặc không biết đến khoản tiền ấy thì nhận được cuộc gọi có số đuôi 113, đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ công an đang điều tra về những vụ việc rửa tiền, buôn ma túy mà tiền trong các tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị nghi ngờ liên quan. Bị các đối tượng đe dọa, yêu cầu phải chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra nên 5 nạn nhân đã chuyển tổng cộng hơn 3,3 tỉ đồng. 
Bị cáo Nguyễn Văn Phi lĩnh 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bị cáo Nguyễn Văn Phi lĩnh 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị cáo Phạm Đình Luận, Phạm Đình Phi, Nguyễn Hữu Thu đã chịu các mức án khác nhau. Riêng Nguyễn Văn Phi ở nước ngoài nên đến tháng 3/2020 mới bị bắt giữ. Tại tòa, dù bị cáo Phi không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng trước những chứng cứ, lời khai, bản tường trình của các đồng phạm có đủ chứng cứ kết luận hành vi phạm tội của Phi, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Văn Phi 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng các vụ lừa đảo được người dân trình báo, tố giác, trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Đặc biệt, nổi lên là phương thức thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Bưu điện... để chiếm đoạt tài sản gia tăng mạnh, chiếm tỉ lệ trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
 
Cần nâng cao cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ
 
Theo nhận định của cơ quan Công an, thời gian gần đây, loại tội phạm này đang gia tăng ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Các đối tượng lừa đảo hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, có tính chất quốc tế, thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động. Chúng thường chia làm ba nhóm hoạt động. Nhóm 1: Thiết lập hệ thống tổng đài để điện thoại lừa đảo; Nhóm 2: Thu mua thẻ ATM; Nhóm 3: Rút tiền. Khi các đối tượng hoạt động lừa đảo ở Việt Nam thì đặt hệ thống tổng đài ở nước ngoài. 
 
Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên bưu điện thông báo nợ cước điện thoại, nếu khách hàng thắc mắc thì chuyển máy đến “cơ quan công an”, rồi giả danh công an đe dọa người bị hại liên quan đến một vụ án nghiêm trọng. Sau đó, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra”. 
 
Loại tội phạm này sử dụng công nghệ cao giả lập số điện thoại của một số đơn vị công an các tỉnh, thành phố để người bị hại dễ dàng tin. Những cuộc gọi trên đều có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam qua kết nối VoIP (một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông internet và các kết nối IP). Sử dụng phương thức, thủ đoạn này, nhóm tội phạm không chỉ dễ dàng chiếm đoạt tiền, tài sản của người bị hại mà còn tạo dư luận xấu, gây nghi ngờ trong nhân dân, ảnh hưởng uy tín của cơ quan Công an.
 
Cũng cần nói thêm, nguyên nhân của những vụ án này một phần đến từ người dân khi đã chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu hiểu biết pháp luật. Bên cạnh đó là sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan chức năng, từ việc quản lý giới “tin tặc” đến việc mua bán, sử dụng “sim rác” điện thoại đều bị buông lỏng, không kiểm soát được. Rồi việc mở tài khoản, thẻ ATM và chuyển giao cho người khác sử dụng mà không có những ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ thẻ. Ðó là những cơ hội để loại tội phạm công nghệ cao gia tăng.
 
Theo khuyến cáo của cơ quan Công an, để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng... Trường hợp có người tự xưng là Công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó.
 
Không nên cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Không mua, bán, chuyển giao tài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy chứng minh nhân dân. Người dân cũng cần cẩn trọng khi chia sẻ những thông tin cá nhân trên mạng xã hội, tránh bị khai thác thông tin cá nhân để lừa đảo. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng thì cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất. 
.

Cao Loan

.