Thứ Bảy, 31/10/2020, 09:28 [GMT+7]

Kiên quyết điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, lãng phí

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tham nhũng từng bước được kiềm chế và có chiều hướng giảm dần, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.
Công an Nghệ An thực hiện khám xét, bắt giữ cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An để điều tra sai phạm liên quan đến Đề án Ơ Đu
Công an Nghệ An thực hiện khám xét, bắt giữ cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An để điều tra sai phạm liên quan đến Đề án Ơ Đu
Trong thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác PCTN đặc biệt là những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc đã được triển khai đồng bộ. Nhờ vậy, công tác PCTN đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh về công tác PCTN trên địa bàn để báo cáo tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (từ ngày 1/8/2019 đến ngày 31/7/2020), ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 269 cuộc thanh tra hành chính tại 502 đơn vị, bao gồm 118 cuộc theo kế hoạch và 19 cuộc đột xuất. Đã kết thúc 235 cuộc, trong đó ban hành kết luận 218 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện 267 đơn vị được thanh tra có vi phạm với số tiền vi phạm và kiến nghị xử lý là 79.681 triệu đồng, đạt 70,4%; phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý 9.259 m2 đất. Kết quả đã thu hồi về ngân sách Nhà nước 57.106 triệu đồng và 171 m2 đất. Qua thanh tra cũng kiến nghị xử lý hành chính 38 tổ chức và 157 cá nhân sai phạm. Chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc. 
 
Đối với thanh tra trách nhiệm, đã thực hiện 80 cuộc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm tại 124 đơn vị. Qua đó, đã phát hiện 70 đơn vị có vi phạm, kiến nghị, kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 93 tổ chức, 326 cá nhân có vi phạm trong thực thi nhiệm vụ công vụ, trong đó sai phạm chủ yếu là giải quyết các nhiệm vụ được giao chậm thời gian quy định.
Cũng trong thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) được quan tâm thực hiện tốt đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn tham nhũng. 9 tháng đầu năm, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tiếp nhận 11 vụ, 28 bị can liên quan đến tham nhũng. Đến nay, đã điều tra, khởi tố 7 vụ, 21 bị can; Viện kiểm sát 2 cấp đã thụ lý giải quyết 8 vụ, 25 bị can; Tòa án các cấp đã tổ chức xét xử 8 vụ, 29 bị can; qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã phát hiện tổng giá trị sai phạm gây thiệt hại 17,74 tỉ đồng, 291,746 m2 đất, trong đó tiến hành thu hồi 9,85 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 55,5 %).
 
Có thể nói, công tác PCTN của tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá công tác PCTN 10 tháng đầu năm 2020, một số nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa mang lại hiệu quả, cụ thể là: Công tác phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ đã được tăng cường nhưng chưa phát hiện được vụ việc tham nhũng chuyển sang cơ quan điều tra. Tài sản bị thiệt hại do tham nhũng thu hồi trong kỳ đạt tỉ lệ thấp; thiệt hại về đất đai do tham nhũng chưa thu hồi được, việc thực hiện quy định về tặng quà, nhận quà chưa có hiệu quả, việc kê khai minh bạch tài sản thu nhập chưa thực hiện được do Chính phủ chưa ban hành văn bản thực hiện...
 
Trong thời gian tới, để ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi tiêu cực, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu thực hiện công tác thanh tra, PCTN và giải quyết KNTC trong những tháng cuối năm 2020. UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo quy định của Luật PCTN, nhất là Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Kiên quyết xử lý nghiêm, loại ra khỏi bộ máy đối với những cán bộ, công chức khi giải quyết công việc có hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu.
 
Đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung lựa chọn các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực (quản lý, sử dụng đất đai; quản lý vốn, tài sản Nhà nước, mua sắm tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản, chế độ chính sách) đưa vào chương trình, kế hoạch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tăng cường vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, lãng phí. 
.

Cao Loan