(Congannghean.vn)-Hám 20 triệu đồng tiền công, Moong Thị Mùi đã dụ dỗ thiếu nữ 15 tuổi sang Trung Quốc lấy chồng. Hành vi của Mùi bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Cho rằng mức án sơ thẩm quá nặng, Moong Thị Mùi đã làm đơn kháng cáo xin giảm án.
Bán thiếu nữ 15 tuổi
Vừa qua, tại TAND tỉnh Nghệ An, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Moong Thị Mùi (SN 1988) trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn về tội mua bán trẻ em. Nạn nhân của Mùi là em Lữ Thị Ch. (SN 2001) trú cùng bản với Mùi. Thời điểm Ch. bị bán sang Trung Quốc, cô bé mới 15 tuổi.
Bị cáo Moong Thị Mùi |
Moong Thị Mùi sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em ở bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn. Cũng như những đứa trẻ ở cái bản làng nghèo khó này, Mùi không được ăn học đến nơi đến chốn. Đến tuổi trưởng thành, Mùi kết hôn với một người đàn ông ở cùng địa phương. Do cuộc sống khó khăn, không có công ăn việc làm nên khi nghe có người nhờ tìm các cô gái đưa sang Trung Quốc lấy chồng, sẽ trả tiền công hậu hĩnh, Mùi đã đồng ý.
Theo cáo trạng, đầu năm 2016, khi Mùi đang ở nhà thì có một người phụ nữ tên Tân trú tại bản La Ngan, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, từng lấy chồng bên Trung Quốc đến chơi. Tại đây, Tân đã đề cập đến chuyện nhờ Mùi tìm người đưa sang Trung Quốc bán. Nếu thành công, Mùi sẽ nhận được 20 triệu đồng tiền công. Thấy số tiền lớn, Mùi đã đồng ý.
Khoảng tháng 11/2016, Mùi đến nhà em Lữ Thị Ch. đặt vấn đề sang Trung Quốc lấy chồng. Để cô bé này đồng ý, Mùi đã dùng lời lẽ đường mật, vẽ ra viễn cảnh cuộc sống giàu sang, sung túc nơi xứ người. Đến Trung Quốc, Ch. không những lấy được chồng mà gia đình của em sẽ được nhận 100 triệu đồng để trả nợ. Vì cuộc sống khó khăn, lại muốn trả nợ cho mẹ nên em Ch. đã đồng ý.
Vài ngày sau, Mùi đón xe khách đưa Ch. xuống TP Vinh, sau đó ra Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Trên đường đi, Mùi gọi điện cho Tân thông báo đã tìm được người và đang trên đường sang Trung Quốc. Khoảng 10 ngày sau, Tân bán em Ch. cho một người đàn ông bản địa với giá 6 vạn nhân dân tệ (tương đương 140 triệu đồng). Sau đó, Tân đưa cho Mùi 120 triệu đồng để cầm về Việt Nam. Về đến quê hương, Mùi đưa 100 triệu đồng cho bố mẹ em Ch. như đã cam kết ban đầu, số tiền còn lại Mùi bỏ túi.
Tại nơi xứ người, Ch. chấp nhận sống với một người đàn ông Trung Quốc như vợ chồng. Sau đó không lâu, Ch. sinh được 1 đứa con. Mặc dù không bị đánh đập nhưng ở nơi xa xứ, Ch. luôn phải sống trong cảnh khổ cực và nỗi nhớ nhà da diết. Ngày 24/11/2018, Ch. xin chồng cho về Việt Nam thăm gia đình, nhưng mục đích là bỏ trốn. Sau khi về Việt Nam, Ch. đã đến cơ quan Công an tố cáo hành vi của Moong Thị Mùi. Ngày 10/12/2018, Mùi bị bắt giữ. Tại thời điểm bị bán sang Trung Quốc, em Ch. mới 15 tuổi 3 tháng 20 ngày. Moong Thị Mùi bị truy tố, xét xử về tội mua bán trẻ em.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 7/2019, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Moong Thị Mùi 9 năm tù về tội mua bán trẻ em. Không bằng lòng với mức án này, Mùi đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Lữ Văn Th. - bố của Ch. - người đại diện hợp pháp cho bị hại cũng đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Cái giá phải trả
Đứng trước bục khai báo, Moong Thị Mùi trình bày lý do xin giảm án là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo là người dân tộc thiểu số, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. “Bị cáo không biết hành vi của mình là phạm tội. Bởi trước khi đưa Ch. sang Trung Quốc bán, gia đình em đã đồng ý và thỏa thuận với mức giá 100 triệu đồng. Thời điểm đó, bố mẹ Ch. nói cần tiền để trả nợ ngân hàng nên đã đồng ý cho em Ch. đi.”, bị cáo Moong Thị Mùi thanh minh.
Tại phiên tòa, với tư cách là người đại diện hợp pháp cho bị hại, ông Th. đã đứng lên nhận một phần trách nhiệm thuộc về phía gia đình. Người đàn ông này cho biết, từ khi con gái được gả bán bên Trung Quốc, hai vợ chồng ông ngày đêm “đứng ngồi không yên”. Gia đình ông cứ day dứt, dằn vặt, liệu ở nơi xứ người, con gái sống có được hạnh phúc hay không? Ông tự trách rằng, chỉ vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn mà vợ chồng ông đành “bán” con để trả nợ. Số tiền 100 triệu đồng Mùi đưa, gia đình đã dùng để trả nợ ngân hàng. Tại phiên tòa, người đàn ông này cũng xin HĐXX giảm nhẹ tội cho bị cáo Moong Thị Mùi.
Được biết, hiện đứa con gái của Ch. đang ở với bố bên Trung Quốc. May mắn mỉm cười với Ch. khi trở về quê nhà vẫn tìm cho mình được một mái ấm gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như Ch., bởi vẫn còn rất nhiều bị hại trong những vụ buôn người đang phải sống khổ cực nơi xứ người, đang ngày đêm tìm cách để được trở về với gia đình, quê hương.
HĐXX nhận định cấp sơ thẩm tuyên mức án 9 năm tù dành cho Mùi là phù hợp. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai nhận trước khi đưa Ch. sang Trung Quốc đã có sự thỏa thuận với gia đình. Gia đình Ch. đã nhận 100 triệu đồng để trả ngân hàng. Bố em Ch. cũng thừa nhận có sự việc này. Vì vậy, gia đình bị hại cũng có một phần lỗi. Đây là tình tiết giảm nhẹ mới tại phiên tòa phúc thẩm nên HĐXX quyết định chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Moong Thị Mùi 8 năm tù về tội mua bán trẻ em.
Chỉ vì 20 triệu đồng, Moong Thị Mùi đã phải trả một cái giá quá đắt. Được biết, trong quá trình điều tra, Mùi còn khai nhận, tháng 7/2017 có đưa một nạn nhân khác sang Trung Quốc bán với giá 120 triệu đồng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định chưa có đủ căn cứ về việc mua bán này nên chưa đưa ra xét xử, khi nào có đủ chứng cứ sẽ xử lý sau.
Giải pháp phòng, chống mua bán người
Ch. chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của những vụ mua bán người. Thời gian qua, tình trạng mua bán người có xu hướng ngày càng tăng. Dù là tự nguyện hay bị bắt cóc, lừa bán, thì phần lớn những nạn nhân của tội phạm mua bán trẻ em là con em trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Có những người từng là nạn nhân, sau đó đã biến mình thành các đối tượng môi giới hoặc tiếp tay cho hoạt động này. Lợi dụng điều này, đối tượng phạm tội thường sử dụng chiêu bài dụ dỗ đi làm việc nhẹ, lương cao, lấy chồng nước ngoài… để lừa phỉnh, lôi kéo các nạn nhân.
Trước tình hình đó cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân, nhất là người dân tộc thiểu số trong công tác phòng, chống mua bán người. Việc tuyên truyền không chỉ ngày một ngày hai mà phải thường xuyên, lâu dài bằng nhiều hình thức phong phú như qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, lồng ghép tại các cuộc họp thôn bản, vận động các hộ dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về mua bán người, mua bán trẻ em…
Một thực tế, có nhiều nạn nhân sau khi trở về quê hương, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có công ăn việc làm lại quay trở lại cuộc sống nơi xứ người. Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp chính quyền địa phương cần có giải pháp, chính sách lâu dài như việc thực hiện hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách về hỗ trợ công ăn việc làm, các chương trình xóa đói giảm nghèo để bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.