(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, tại Nghệ An tiếp tục xuất hiện thủ đoạn các đối tượng tự xưng là Công an gọi điện thoại đe dọa nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Với chiêu bài nói các nạn nhân có liên quan đến các đường dây phạm tội khiến người dân hoang mang, phần vì hoảng sợ và nhẹ dạ cả tin nên nhiều người đã chuyển hàng trăm triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng. Đây là một thủ đoạn không mới nhưng không ít nạn nhân vẫn “sập bẫy”.
Tin lời đối tượng giả danh Công an,chuyển vào tài khoản hơn 400 triệu đồng
Đầu giờ chiều 11/7, hai vợ chồng chị Lâm Thị Hằng trú tại phường Hưng Phúc, TP Vinh hớt hải đến Phòng Cảnh sát Hình sự trình báo về việc chị Hằng bị một đối tượng tự xưng là Công an điện thoại đe dọa, yêu cầu chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm vào tài khoản ngân hàng.
Theo trình báo của chị Hằng, trưa cùng ngày, chị đang nghỉ trưa thì nhận được một cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia là một giọng nữ hỏi chị có phải là chủ nhân của số điện thoại này không. Tiếp theo đó đối tượng đưa ra hàng loạt các câu hỏi về thông tin cá nhân của chị Hằng và số tài khoản ngân hàng chị Hằng đang sử dụng. Sau khi xác nhận chị Hằng có tài khoản mở tại ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đầu dây bên kia nói hiện nay cơ quan Công an vừa phát hiện, bắt giữ một đường dây chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng. Trong đó phát hiện nhiều tài khoản đứng tên của chị Lâm Thị Hằng với số tiền trong tài khoản là hơn 8 tỉ đồng, rất nhiều lần giao dịch với tài khoản các đối tượng phạm tội mà Công an vừa bắt giữ.
Không những thế, người phụ nữ còn tiết lộ, đối tượng này còn liên quan đến đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Nghe thấy đối tượng xưng là Công an, lại bị nghi ngờ liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, mặc dù chỉ là một người buôn bán nhỏ, trước nay luôn tuân thủ pháp luật nhưng chị Hằng không khỏi chột dạ và vô cùng lo lắng, hoảng sợ. Chị răm rắp nghe theo lời của các đối tượng qua điện thoại mà không hề biết mình bị lừa. Sau đó, người phụ nữ này yêu cầu chị Hằng giữ máy để kết nối với cơ quan Công an. Lúc này, đầu dây bên kia là một người đàn ông tự xưng là Hoàng Anh Tuấn, Công an TP Hà Nội. Người này hỏi chị Hằng đã từng bị mất hay đánh rơi CMND hay không. Sau khi chị Hằng nói đã từng quên CMND tại ngân hàng, đối tượng nói rằng có khả năng các đối tượng lừa đảo đã sử dụng CMND của chị để mở các tài khoản giao dịch. Vì vậy nếu đúng chị không liên quan đến đường dây lừa đảo này thì phải làm theo sự hướng dẫn của cơ quan Công an và không được tiết lộ với ai ngay cả người trong nhà về chuyện này để đảm bảo tính bí mật cho công tác điều tra.
Đơn trình báo và xác nhận gửi tiền qua ngân hàng của các nạn nhân |
Sau khi biết chị Hằng có nhiều sổ tiết kiệm đang gửi ngân hàng, đối tượng xưng tên Hoàng Anh Tuấn yêu cầu nạn nhân chuyển tất cả số tiền mình có vào một tài khoản an toàn mang tên Nguyễn Thị Thúy tại ngân hàng Quân đội chi nhánh ở Hà Nội. Sau khi nói chuyện với đối tượng tự xưng là Công an, chúng tiếp tục kết nối cho chị Hằng nói chuyện với người đàn ông tên Bình, tự xưng là cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội. Người này thông báo cơ quan chức năng đã có giấy triệu tập chị Hằng lên làm việc, trong chiều nay giấy này sẽ được gửi đến nhà chị. Nếu chị không muốn bị bắt thì phải nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà các đối tượng yêu cầu. Tin lời của các đối tượng, chị Hằng đã cầm theo 4 sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 triệu đồng ra ngân hàng rút toàn bộ tiền và gửi vào tài khoản mà chúng yêu cầu.
Sau khi trở về nhà, thấy vợ có biểu hiện khác thường, người chồng đã gặng hỏi, lúc này chị Hằng mới dám nói với gia đình. Nghi ngờ vợ bị các đối tượng lừa đảo, hai vợ chồng chị Hằng đã chạy ra ngân hàng nhờ dừng giao dịch nhưng đã muộn. Hai vợ chồng đã đến Phòng Cảnh sát Hình sự trình báo sự việc. Rất may, lực lượng Công an đã kịp thời làm việc với Ngân hàng yêu cầu phong tỏa tài khoản. Chiều 24/7, Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An cùng đại diện gia đình nạn nhân đã ra Hà Nội nhận lại số tiền trên.
Hình thức lừa đảo không mới
Không may mắn như chị Hằng, anh Võ Văn Lưu (SN 1969) trú tại TP Hà Tĩnh và chị Ngô Thị Quyên trú tại huyện Nghi Lộc đã mất hơn 50 triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo cũng với màn kịch tương tự. Cả 3 nạn nhân trong các vụ việc này đều bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cùng một thủ đoạn. Đó là các đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên bưu điện, Công an nói nạn nhân liên quan đến các đường dây tội phạm nhằm gây hoang mang cho nạn nhân, từ đó buộc nạn nhân phải gửi tiền cho chúng kiểm tra.
Trường hợp của anh Võ Văn Lưu, đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện gọi điện thoại thông báo anh có bưu phẩm của phía Tòa án gửi đến. Đối tượng thông báo bưu phẩm được gửi từ TAND Hà Nội và đã gửi đi 2 lần nhưng không có người nhận. Thời điểm anh Lưu nhận điện thoại, anh đang chạy xe từ TP Vinh đi Hà Tĩnh, nghe thấy bưu phẩm của Tòa án nên anh nhờ nhân viên bưu điện mở ra kiểm tra luôn. Theo đó, đầu dây bên kia yêu cầu anh Lưu cung cấp số CMND, thông tin cá nhân để họ xác nhận và mở bưu phẩm. Theo lời đối tượng, trong bưu phẩm là giấy triệu tập của Tòa án yêu cầu anh đến làm việc. Nhận thấy sự việc nghiêm trọng, anh Lưu thanh minh mình không làm việc gì phi pháp thì được người này giới thiệu sẽ kết nối với cơ quan Công an để anh Lưu làm việc. Qua điện thoại, anh Lưu được nói chuyện với 2 đối tượng khác, trong đó một đối tượng cũng tự xưng là Công an tên là Hoàng Anh Tuấn, số hiệu CAND là 176-768, Công an TP Hà Nội. Cũng với chiêu bài tương tự như chị Hằng, các đối tượng đã buộc anh Lưu phải chuyển số tiền 50 triệu đồng vào tài khoản cho chúng.
Đây là một hình thức lừa đảo không mới của một nhóm đối tượng, thời gian qua đã xảy ra tại các địa bàn trong cả nước. Các đối tượng sẽ đi theo đúng quy trình được lập trình sẵn, từ việc thông báo có bưu phẩm cần nhận gấp, yêu cầu cung cấp CMND để mở niêm phong và sau đó là đọc lệnh triệu tập vì liên quan đến một vụ án nào đó. Các đối tượng sẽ lần lượt cho nạn nhân nối máy đến các "bộ phận" gồm cơ quan Công an, Tòa án và yêu cầu người dùng không được tắt máy. Nhiều người lo sợ vì một lệnh triệu tập từ trên trời rơi xuống và phải làm theo hướng dẫn của các đối tượng để cố giải thích về sự nhầm lẫn. Khi nạn nhân rơi vào “bẫy”, các đối tượng đề nghị hợp tác để xử lý vụ việc. Chúng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin, tài khoản và cho biết số tiền mà người dùng đang có cần được kiểm tra có vi phạm hay không? Từ đó đề nghị chuyển tiền đến các tài khoản mà chúng muốn để kiểm tra nhằm trục lợi.
Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Khoảng một tháng trở lại đây, tại Nghệ An ghi nhận một số nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Các đối tượng gọi điện thoại bằng hình thức VOIP (hình thức gọi trên đường truyền internet), số điện thoại đến các nạn nhân thường có số đuôi 113. 3 nạn nhân bị lừa tại Nghệ An nhận được cuộc gọi từ số máy + 848402360113, được kết nối với 3 đối tượng khác nhau ban đầu là nhân viên bưu điện, Công an và Tòa án. Đối tượng đầu tiên sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận mở các bưu kiện, bưu phẩm; đối tượng tiếp theo tự xưng là Công an sẽ xác nhận thông tin về nạn nhân dựa trên những thông tin mà họ vừa cung cấp. Phần vì nạn nhân lúc này đều có tâm lý hoảng loạn, lo sợ, phần vì tin rằng điện thoại kết nối với nhau mà không hề biết rằng mình bị lừa. Trong quá trình liên lạc với nạn nhân, các đối tượng yêu cầu nạn nhân tuyệt đối không được tiết lộ cho ai khác để đảm bảo tính bí mật phục vụ công tác điều tra. Đồng thời chúng luôn yêu cầu nạn nhân giữ máy, giữ liên lạc liên tục với đối tượng nhằm ngăn chặn nạn nhân thông báo cho người khác.
Cảnh giác với hình thức lừa đảo qua điện thoại
Theo Thiếu tá Hà Huy Đức, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao (thông qua điện thoại mạo danh một số cán bộ, cơ quan Nhà nước) sau một thời gian tạm lắng xuống gần đây có dấu hiệu phức tạp trở lại. Trước đó, vào cuối năm 2017, Phòng Cảnh sát Hình sự đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự.
Cụ thể, đã có 9 người dân bị đối tượng giả mạo là Công an hoặc nhân viên thu cước viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt lên tới hơn 3 tỉ đồng. Phòng Cảnh sát Hình sự đã bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Luận (SN 1993), đều trú tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ thực tế trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần phải tự trang bị cho mình một số kiến thức nhất định về luật pháp cũng như hiểu rõ các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường hay sử dụng để có sự phòng ngừa, tránh bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình. Người dân cần cảnh giác trước những cuộc gọi tự xưng là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án. Tuyệt đối không nghe theo các yêu cầu từ các số điện thoại lạ.
Cơ quan Công an làm việc với công dân trên cơ sở có giấy triệu tập, thông qua chính quyền, Công an địa phương nơi cư trú chứ không làm việc qua điện thoại. Khi nghi ngờ có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
.