(Congannghean.vn)-Năm 2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đã tập trung xác minh, điều tra 4 đầu mối chủ chốt liên quan đến hoạt động phường hụi; làm việc với 50 người liên quan, xác định số tiền vỡ phường hụi ban đầu hơn 43 tỉ đồng.
Mất hàng chục tỉ đồng vì phường hụi
Từ nhiều tháng nay, nhiều người dân xã Công Thành, huyện Yên Thành lao đao, mất ăn mất ngủ vì trót gom tiền để đưa cho Phạm Thị Thương (SN 1976) trú tại xóm 6, xã Liên Thành, huyện Yên Thành vay để hưởng chênh lệch lãi suất. Khi số tiền của các nạn nhân ước tính hàng chục tỉ đồng, Thương tuyên bố “vỡ nợ” khiến không ít gia đình lâm vào cảnh túng bấn, nợ nần.
Ngôi nhà của Phạm Thị Thương ở xã Liên Thành, người bị “tố” gom hơn 40 tỉ đồng của người dân rồi tuyên bố vỡ nợ |
Theo trình bày của ông Nguyễn Vĩnh Tám, chủ cơ sở tiệm vàng Tám Nhâm tại xã Công Thành, vợ ông là bà Đậu Thị Nhâm có tham gia phường hụi với Thương. Tháng 10/2016, bà Nhâm nhận thế chấp 1 bìa đất của người này để cho vay số tiền hơn 5,5 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Nhâm còn cho nhiều người khác trên địa bàn vay số tiền hàng chục tỉ đồng, sau khi sự việc vỡ lở mới biết rằng, tất những người này đều mang tiền đến cho Thương vay.
Khi Thương tuyên bố “vỡ nợ”, mọi người nháo nhào tìm đến nhà để vớt vát tài sản thì mới hay, căn nhà Thương sống lâu nay đã được sang tên cho anh em, chiếc ôtô 7 chỗ cũng đã bán. Vợ chồng Thương xây 2 gian nhà nhỏ trong thửa đất bố mẹ chồng. Riêng bà Nhâm, chủ nợ lớn nhất, khi đưa bìa đất mà Thương thế chấp ra định giá, thì thửa đất ấy chỉ có giá trị vài chục triệu đồng. “Nhiều tháng nay, rất nhiều người tìm đến tiệm vàng của vợ chồng tôi để đòi nợ, vì cho rằng vợ tôi đã dắt mối để gom tiền cho Thương. Chúng tôi vừa là chủ nợ, nhưng cũng vừa là nạn nhân, thời gian qua đã phải bán đất đai, xe ôtô, cầm cố sổ đỏ để trả được hơn 21 tỉ đồng cho người dân. Số còn lại cũng phải nhờ đến pháp luật”, ông Tám cho biết.
Cùng hoàn cảnh, vợ chồng ông Nguyễn Đình Hinh (SN 1967) và bà Vũ Thị Tuyết (SN 1972), trú tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động ở trời Âu, tích cóp được một số tiền. Nghe theo lời ngon ngọt của Thương, 2 vợ chồng đã đưa toàn bộ số tiền 3,4 tỉ đồng, bao gồm tiền tiết kiệm và vay mượn thêm anh em, bạn bè. Khi biết tin Thương vỡ nợ, bà Tuyết vì quá xót của nên bị tai biến, phải nằm điều trị trong bệnh viện 8 tháng trời. Đến nay, gia đình ông Hinh chỉ mới trả được số tiền hơn 500 triệu đồng, còn hơn 2 tỉ đồng vẫn chưa biết lấy đâu ra vì xe ôtô, đất đai đã bán hết.
Ngoài 2 trường hợp nói trên, còn có rất nhiều gia đình đã làm đơn tố cáo Thương đến cơ quan Công an. Theo đơn tố cáo, tổng số tiền mà Thương vay nợ lên đến hơn 40 tỉ đồng. Trong số này, có bà Đặng Thị Quyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Công Thành vay của tiệm vàng Tám Nhâm 2 tỉ đồng, nhưng đến nay cũng chỉ mới trả được 200 triệu đồng. Hiện, gia đình ông Tám và nhiều hộ dân khác đã làm đơn gửi nhiều nơi, với mong muốn sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, vào ngày 15/4/2017, trong thông báo kết quả giải quyết đơn thư, Công an huyện Yên Thành cho biết, tranh chấp phường hụi giữa bà Đậu Thị Nhâm và bà Phạm Thị Thương là tranh chấp dân sự, thẩm quyền giải quyết thuộc TAND huyện Yên Thành theo quy định của Luật Tố tụng dân sự.
Vẫn còn diễn biến phức tạp
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ riêng trên địa bàn huyện Yên Thành, từ tháng 10/2016 đến nay, cơ quan chức năng đã nhận được 48 đơn thư tố giác liên quan đến phường hụi. Năm 2018, trên địa bàn huyện này cũng như tại nhiều địa phương khác của tỉnh, tình hình phường hụi và tín dụng đen có nhiều diễn biến phức tạp, với số tiền thất thoát hàng chục tỉ đồng, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến ANTT trên địa bàn.
Tại xã Khánh Thành, đối tượng Nguyễn Công Đồng (SN 1978) trú tại xóm Đồng Phú đã chạy phường hụi của 35 người, số tiền hàng trăm triệu đồng nhưng nay không có mặt tại địa phương. Một số địa phương khác như Công Thành, Liên Thành… một số đối tượng đòi nợ thuê và người dân liên quan thường xuyên đến nhà con nợ để đòi nợ gây mất ANTT.
Năm 2018, tình hình phường hụi và "tín dụng đen" có nhiều diễn biến phức tạp - Tranh minh họa |
Từ đầu năm 2018 đến nay, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đã làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan đến việc huy động vốn tham gia vào hơn 20 đường dây phường hụi. Trong đó, đã tập trung xác minh, điều tra 4 đầu mối chủ chốt liên quan đến hoạt động phường hụi; làm việc với 50 người liên quan, xác định số tiền vỡ phường hụi ban đầu hơn 43 tỉ đồng. Qua xác minh cho thấy, số lượng người dân tham gia phường hụi khá nhiều, trong đó chủ yếu là các tiểu thương buôn bán hoặc những người có người thân đi nước ngoài; tập trung ở các khu vực chợ, dọc Quốc lộ 7A và 7B. Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành cũng đã kết luận, tranh chấp phường hụi của những người có đơn tố giác là tranh chấp dân sự và thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Thành chuyển đơn tố giác sang TAND huyện để giải quyết dân sự.
Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII vừa diễn ra, đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh cũng cho rằng, cùng với tệ nạn mua bán người, thì tình trạng “tín dụng đen” đang có những diễn biến phức tạp, gây mất ANTT ở nhiều địa phương. Theo Giám đốc Công an tỉnh, khó khăn hiện nay là trên địa bàn tỉnh còn 559 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và hàng trăm cơ sở kinh doanh hỗ trợ tài chính. Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ hỗ trợ tài chính rất dễ, không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đây là một dạng dịch vụ tín dụng đen. Cho vay nợ thông thoáng, thủ đoạn tinh vi, trong quá trình vay nợ không ghi bao nhiêu % nên rất khó xử lý. Trong năm 2018, Công an tỉnh đã điều tra, làm rõ 7 vụ tội phạm có liên quan đến “tín dụng đen” và đang mở rộng điều tra vụ án này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phường hụi diễn ra nhiều, theo đánh giá kết luận là xuất phát từ yếu tố lãi suất cao. Nguồn vốn chủ yếu huy động trong dân, qua tay nhiều người vì thế mức lãi suất qua từng khâu trung gian cũng tăng lên. Chính vì lòng tham về lãi suất đã khiến không ít người dốc toàn bộ vốn liếng, tài sản cho vay, thậm chí còn huy động của người khác để cho vay lại nhằm kiếm tiền lời chênh lệch, dẫn đến những hậu quả dây chuyền. Chủ phường hụi cũng là những người có kinh tế, quan hệ quen biết và đồng thời là những người kinh doanh, buôn bán nhỏ nên được người dân tin tưởng. Dưới vỏ bọc là những người làm ăn thành đạt, đầu tư trên nhiều lĩnh vực nên được ủng hộ, tin tưởng và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến phong trào phường hụi nở rộ.
Ngoài ra, để xảy ra tình trạng này còn cho thấy, công tác quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng đối với hoạt động này còn yếu kém, chỉ đến khi các vụ vỡ nợ “tín dụng đen” xảy ra, lúc đó chính quyền địa phương ở các xã, thị trấn và các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Bên cạnh đó, những quy định, rào cản về pháp lý đối với hoạt động “tín dụng đen” còn bất cập, đã gây khó khăn trong công tác đấu tranh đối với tội phạm liên quan đến lĩnh vực này.