(Congannghean.vn)-Để “sản xuất” dầu mỡ chuyên cung cấp cho các cửa hàng sửa chữa, thay thế phụ tùng ôtô trên địa bàn, đối tượng đã sử dụng xe riêng của gia đình để đến các cửa hàng ăn, khu công nghiệp ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mục đích là thu gom các loại dầu thải, mỡ động vật, sau đó đem về tái chế thành dầu mỡ thành phẩm.
Ngày 1/11/2015, Thượng tá Thái Khắc Thống, Trưởng Công an huyện Đô Lương cho biết: Đơn vị vừa triệt xóa thành công cơ sở chuyên tái chế dầu mỡ trái phép, gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư của hai vợ chồng Hoàng Văn Sơn (SN 1973) - Hoàng Thị Thúy (SN 1975) trú tại xóm 6, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Tang vật thu giữ trên 3 tấn mỡ công nghiệp thành phẩm và hơn 2 tấn bột chất phụ gia cùng nhiều vật dụng khác phục vụ cho quá trình tái chế, tiêu thụ.
Chủ cơ sở Hoàng Văn Sơn trình diện tại Công an huyện Đô Lương |
Trước đó, đơn vị nhận được tin báo của nhân dân về việc tại khu vực xóm 6, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An có cơ sở chuyên tái chế dầu mỡ trái phép của gia đình Hoàng Văn Sơn đang hoạt động lén lút, xả chất thải ra bên ngoài, sau đó ngấm vào đất gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Thượng tá Thái Khắc Thống đã trực tiếp chỉ đạo Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện trực tiếp có mặt tại địa điểm trên để theo dõi. Quá trình tiếp cận cơ sở này gặp rất nhiều khó khăn do tiếp giáp với khu vực rừng núi. Hàng ngày, ngoài thuê người làm, hai vợ chồng Sơn còn thuê bảo vệ canh giữ rất cẩn mật.
Ngoài ra, mọi hoạt động từ thu gom đến tái chế và tiêu thụ đều diễn ra vào ban đêm, điều này gây ra không ít khó khăn trong quá trình điều tra. Tuy vậy, sau một thời gian ngắn kiên trì theo dõi, các trinh sát đã nắm bắt được quy luật hoạt động của cơ sở này. Ngay sau đó, kế hoạch triệt xóa cơ sở này đã được vạch ra một cách cụ thể, chi tiết.
Khoảng 14 giờ ngày 29/10, tổ công tác Công an huyện Đô Lương do Đại úy Lê Công Long, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp làm Tổ trưởng, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5 - Chi cục QLTT Nghệ An bất ngờ đột kích cơ sở này bằng lối vào cửa sau, từ trên rừng xuống, tiến hành khống chế những đối tượng làm nhiệm vụ bảo vệ và những người bên trong xưởng tái chế, khiến các đối tượng không kịp trở tay.
Qua kiểm tra ban đầu, xác định cơ sở tái chế dầu mỡ của Hoàng Văn Sơn không có bất cứ giấy tờ nào của cơ quan chức năng nên tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Đồng thời, tạm giữ toàn bộ tang vật là nguyên vật liệu không có nguồn gốc xuất xứ, gồm: 158 túi bì mỡ thành phẩm, trọng lượng 10 kg/túi; 31 thùng nhựa mỡ thành phẩm, trọng lượng 18 kg/thùng; 4 thùng sắt mỡ thành phẩm, mỗi thùng nặng hàng chục kg và 39 túi bì mỡ khác, trọng lượng 10 kg/túi; 50 kg bột màu và 31 bì chất phụ gia các loại. Tại thời điểm bắt quả tang, cơ sở này có tổng cộng trên 300 kg dầu mỡ công nghiệp thành phẩm chưa kịp đưa đi tiêu thụ.
Tang vật thu giữ tại cơ sở tái chế dầu mỡ trái phép |
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Hoàng Văn Sơn và Hoàng Thị Thúy đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó được biết, cơ sở này hoạt động từ đầu năm 2015 đến nay.
Để phục vụ quá trình tái chế dầu mỡ, Sơn đã thuê Hoàng Văn Sáu (SN 1962) làm bảo vệ và Đặng Văn Quý (SN 1985) làm công việc pha trộn, cả hai đều trú tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Để phục vụ việc sản xuất, tái chế dầu mỡ trái phép, Sơn đã sử dụng xe ôtô trọng tải 1,5 tấn của gia đình đi thu gom dầu nhớt thải và mỡ lợn tại các khu công nghiệp và nhà hàng ở TP Vinh, Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó đưa về trộn lẫn và tiến hành việc “sản xuất” ngay trong khuôn viên gia đình ở khu vực xóm 6, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Quá trình tái chế, cơ sở này còn sử dụng cả vôi bột để “nâng cao năng suất”.
Trung bình mỗi tháng, Sơn cho xuất xưởng khoảng 1,5 tấn mỡ công nghiệp thành phẩm, chuyên cung cấp cho các xưởng sản xuất và các gara sửa chữa ôtô trên địa bàn TP Vinh và vùng phụ cận.
Tang vật thu giữ |
Được biết, dầu nhờn thải từ các phương tiện giao thông và máy sản xuất công nghiệp là một trong những chất thải công nghiệp độc hại cho môi trường. Trong dầu thải có rất nhiều tạp chất như chì, kẽm và một số hóa chất khác, có thể gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Hiện nay, mỗi lít dầu thải được bán ra với giá khoảng 4.000 đồng, sau khi tái chế được bán với giá 30.000 đồng/lít. Với dụng cụ thô sơ, cứ 1 lít dầu nhờn thải, sau quá trình tái chế còn 0,8 lít dầu thành phẩm. Như vậy, lợi nhuận của việc tái chế dầu mỡ công nghiệp từ dầu nhờn thải là vô cùng lớn. Chính vì điều này, các đối tượng đã ngang nhiên biến nhà riêng của mình thành cơ sở tái chế dầu thải và hoạt động trong suốt thời gian dài.
Liên quan đến vụ việc tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; hiện, cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng Hoàng Văn Sơn và Hoàng Thị Thúy để xử lý theo quy định của pháp luật.