(Congannghean.vn)-Xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương là một xã được thành lập cho đồng bào dân tộc vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) về tái định cư, tổng diện tích tự nhiên 7.387 ha, có 7 km đường biên giới Việt - Lào, 16 bản với 3 dân tộc anh em cùng sinh sống (Thái, Khơ Mú, Kinh). Trình độ dân trí thấp, không đồng đều, đây là địa bàn phức tạp về ma túy và các tệ nạn xã hội.
Với vai trò nòng cốt, Ban Công an xã Thanh Sơn đã tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác đảm bảo ANTT, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận người dân, làm tốt công tác phòng, chống tội phạm, không để xảy ra điểm “nóng” phức tạp về ANTT. Để giải quyết tốt các vụ việc, đơn thư, mâu thuẫn còn tồn đọng trong nội bộ nhân dân, Ban Công an xã đã thành lập 16 tổ hòa giải tại 16 thôn bản, 20 tổ tự quản và kịp thời báo cáo cấp trên những việc vượt quá thẩm quyền và có tính chất phức tạp.
Công an xã Thanh Sơn giải quyết các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở |
Với 45 nguồn tin do nhân dân cung cấp, nắm tình hình, trong năm 2014, Công an xã Thanh Sơn đã làm rõ 14 vụ, 24 đối tượng, trong đó chuyển Công an huyện giải quyết 11 vụ, 18 đối tượng.
Thanh Sơn là một địa bàn phức tạp về ma túy bởi số lượng người nghiện từ quê cũ Tương Dương về đây quá nhiều. Các đối tượng thường xuyên móc nối lấy “hàng” từ trên quê về bán cho các con nghiện trong và ngoài địa bàn, hầu hết mua bán nhỏ lẻ các chất ma túy, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân... Hiện nay, theo số liệu thống kê, trên địa bàn xã Thanh Sơn có 3 tụ điểm ma túy, trong đó, Ban Công an xã đã xóa 2 tụ điểm, 15 đối tượng nghiện ma túy. Trong năm, Ban Công an xã đã phối hợp với Công an huyện lập 7 hồ sơ cai nghiện tập trung, bắt 3 vụ, 4 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, Công an xã cũng tổ chức 2 đợt, 16 buổi tuyên truyền nhân dân tham gia tố giác tội phạm ma túy, với 9.864 lượt người tham gia, tại 16 thôn bản.
Về tái định cư đến nay đã tròn 8 năm, cuộc sống bà con đã ổn định. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn còn giữ thói quen cũ là chế tạo súng kíp dùng cho việc săn bắn, phòng thân. Thời gian gần đây, xuất hiện hiện tượng chế tạo súng để bán cho người dân xung quanh, chính điều này vô hình chung tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Vì vậy, Ban công an xã đã tích cực tuyên truyền, phát động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Đồng chí Lô Văn Mão, Trưởng Công an xã Thanh Sơn cho biết, năm 2014, Ban Công an xã đã vận động, thu hồi được 30 khẩu súng tự chế các loại. Điển hình như ngày 28/11/2014, phối hợp với Công an huyện đến tận mỗi hộ gia đình, vận động nhân dân giao nộp được 25 khẩu súng tự chế, 3 bộ kích điện... Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn rất nhiều gia đình đang giữ súng tự chế, tập trung tại 13/16 thôn bản, trong đó bản Kim Chương có đến 80 khẩu, bản Thanh Bình 31 khẩu... Với số lượng súng tự chế lớn như vậy, Ban Công an xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp.
Nỗ lực không ngừng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tuy nhiên, là xã đặc thù dân tộc thiểu số nên nhận thức về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Mặt khác, do thay đổi nơi ở, cách thức làm ăn mới, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ chưa được đẩy mạnh; công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa thật sự phát huy hiệu quả. “Thời gian tới, Ban Công an xã tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến; nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để có những biện pháp xử lý...”, Trưởng Công an xã Thanh Sơn cho biết thêm.
.