Sáng 11/1/1960, Bác cùng đồng bào Thủ đô đi trồng cây ở Công viên Thống Nhất, lúc đó là Công viên Hồ Bảy Mẫu. Và, suốt ngần ấy năm chiến tranh cho đến tận ngày nay, Tết nào của chúng ta cũng là “Tết trồng cây”...
I. Ngày 19/5/1959, đúng ngày sinh lần thứ 60 của Người, Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ mở thông lại và phát triển thêm tuyến giao liên xuyên Trường Sơn, nối liền (đường bộ) Hậu phương lớn với Tiền tuyến lớn để tiện chỉ đạo và chi viện cho cách mạng miền Nam.
“Đoàn 559” ra đời từ đó và “Đường dây 559” cũng từ đó lớn lên. “Đoàn 559” lớn dần thành “Bộ Tư lệnh Trường Sơn”. “Đường dây 559” thành “Tuyến đường chiến lược Trường Sơn”, thành “Mặt trận Trường Sơn” - xương sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh. Sau này, phương Tây gọi tuyến đường huyền thoại ấy là “Đường mòn Hồ Chí Minh” (lúc đầu nó đúng là “đường mòn” thật), là “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” - con đường nổi tiếng nhất trong những con đường chiến tranh trên thế giới!
Ngày 30/5/1959, tức là sau sinh nhật lần thứ 60 của Người gần nửa tháng, Bác Hồ viết trên Báo Nhân Dân: “Ngay từ bây giờ, đồng bào nông dân phải bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu làm nhà: Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già, trẻ, gái, trai) phải trồng ít nhất 5 cây (cây xoan và các thứ cây khác có thể làm kèo, làm cột) và mỗi gia đình phải trồng một bụi tre”.
Một con người, cùng một lúc, vừa phải lo cái nỗi lo vĩ đại là thống nhất non sông, lại vừa phải lo đến từng cái cột cái kèo cho mỗi một gia đình người Việt, hiển nhiên là “Người hiền”, là “Thánh nhân”, “là Cha, là Bác, là Anh” (thơ Tố Hữu) của dân ta. Bể dâu ra sao mặc lòng, sao có thể quên công ấy, ơn ấy, tấm lòng ấy? “Tết trồng cây”, lại nhớ và thương Người biết bao!
II. Cũng vào cái năm 1959 ấy, ngày 28/11, Bác Hồ viết trên Báo Nhân Dân, mở đầu “Tết trồng cây” đầu tiên: “Từ năm 1960 đến năm 1965 (là năm cuối của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa có cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân ta”.
Bác Hồ trồng cây đa tại Công viên hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất- Hà Nội), sáng 11/1/1960. Ảnh: Tư liệu. |
Người dạy thêm lớp trẻ: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây, chăm sóc cho thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. 5 năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Hãy tính giá rẻ mỗi cây 3 đồng thôi, sau 5 năm, sức lao độngcủa các cháu bỏ ra sẽ thu hoạch được một số tiền rất lớn là 360 triệu đồng, có thể xây dựng được 8 nhà máy cơ khí loại khá”.
Cây thành ra cột kèo từng nhà, lại còn thành ra những nhà máy cơ khí cho cả nước, Bác nhớ và Bác lo từ việc nhỏ đến việc lớn! Bể dâu thế nào mặc lòng, sao có thể quên công ấy, ơn ấy, tấm lòng ấy? “Tết trồng cây”, nhớ và thương Người biết bao!
Nói là làm, sáng 11/1/1960, Bác cùng đồng bào Thủ đô đi trồng cây ở Công viên Thống Nhất, lúc đó là Công viên Hồ Bảy Mẫu. Và, suốt ngần ấy năm chiến tranh cho đến tận ngày nay, Tết nào của chúng ta cũng là “Tết trồng cây”. Bác cũng dặn, “Tết trồng cây” phải liên hệ chặt chẽ với kế hoạch trồng cây gây rừng. Người bảo, trồng cây là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, đó “cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng - đều có thể hăng hái tham gia”.
Rừng ngập mặn Rú Chá (Thừa Thiên – Huế). |
Thậm chí, trong “Di chúc” của Người, Người còn viết: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều sẽ thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”. Bể dâu thế nào mặc lòng, sao có thể quên công ấy, ơn ấy, tấm lòng ấy? “Tết trồng cây”, nhớ và thương Người biết bao!
Bây giờ, ta đã “cố gắng” phấn đấu để độ che phủ của rừng, năm 2020, phải đạt 42%; kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản, cũng năm 2020, đạt 12 tỷ USD và đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD, đưa Việt Nam thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng có thương hiệu uy tín trên thế giới. Thế là, từ ý tưởng ban đầu của một vĩ nhân, “Tết trồng cây” lớn dần và sinh ra cả một ngành công nghiệp làm giàu cho dân nước. Bể dâu thế nào mặc lòng, sao có thể quên công ấy, ơn ấy, tấm lòng ấy? “Tết trồng cây”, nhớ và thương Người biết bao!
Nếu không có thiên tai, địch họa, lâm tặc và thói bàng quan của những lãnh đạo địa phương không đủ tốt, cứ theo Bác mà làm, có lẽ ta đã không phải “cố gắng” đến thế? Nhẹ nhàng và đều đặn, thong thả nhưng bền bỉ, mỗi người và đông đảo, gieo trồng và chăm sóc, phòng chống thiên tai và nghiêm trị lâm tặc (đặc biệt là nghiêm trị mọi cấp lãnh đạo dù thông lưng hay vô tình với lâm tặc...), “trở về” và tiếp tục ý tưởng của Bác, “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, chúng ta mới thực sự thể hiện được lòng biết ơn Người, nhớ Người, thương Người.
III. Rồi từ việc “trồng cây”, Bác nói đến việc “trồng người”. Và, dẫu rằng, “Vì lợi ích mười năm” hay “Vì lợi ích trăm năm”, thì Người đều dặn chúng ta phải dụng công. Dụng công trong cả việc “gieo trồng”, “chăm bón” và “cắt tỉa”.
Giáo hóa dân chúng, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, suy cho cùng đều là “trồng người” cả. Nước là khởi nguồn của sự sống, người là khởi nguồn của mọi sự nghiệp. Không lo “trồng người” mà được ư?
Cây xanh trên đầu và tận tụy trong tâm, “Nếu không sai lầm, chúng ta sẽ biến trái đất thành thiên đường” - một ai đó đã chí lý như vậy!
.