(Congannghean.vn)-Mô hình “Trường học hạnh phúc” được ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An triển khai thí điểm từ năm học 2019 - 2020. Trong đó, lấy tiêu chí “trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường” làm tiêu chí chính.
Nhảy dân vũ ở Trường THCS Tân Dân, huyện Nam Đàn |
Khi con người cảm thấy được hạnh phúc, được quan tâm, yêu thương; thấy trường học thực sự là nơi hữu ích, sẽ tạo cho họ sự phấn chấn, mê say trong học tập, nghiên cứu khoa học, nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức, khẳng định bản thân và có những cống hiến lớn lao cho xã hội. Vì thế, có thể nói “trường học hạnh phúc” là nền tảng, bệ đỡ tinh thần để những ý tưởng, mục tiêu giáo dục, đào tạo được thực thi một cách hiệu quả, ý nghĩa nhất. Để xây dựng “trường học hạnh phúc”, việc đầu tiên là sự thống nhất trong nhận thức và quyết tâm hành động của toàn ngành Giáo dục, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị.
Tất cả hoạt động của nhà trường, giảng dạy và học tập, hoạt động trải nghiệm... đều hướng đến niềm vui, hạnh phúc cho học sinh và cả giáo viên. Những năm gần đây, ngành Giáo dục triển khai các giải pháp hướng đến giáo dục hạnh phúc như: Giảm tải chương trình học, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; tăng cường hoạt động trải nghiệm ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; tăng cường khen thưởng, động viên và thực hiện kỷ luật tích cực đối với học sinh…
Tại Nghệ An, mô hình “trường học hạnh phúc” được triển khai thí điểm từ năm học 2019 - 2020, trong đó lấy “trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường” làm tiêu chí chính. Với nhiều cách làm hay, đổi mới, nhiều trường học trên địa bàn đã thay đổi để xây dựng những giờ học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Như tại Trường THPT Anh Sơn 2, đã từ lâu, nhà trường đã bỏ việc nêu tên, phê bình học sinh cá biệt, yếu kém trong giờ chào cờ trước toàn trường. Thầy cô, học sinh luôn lắng nghe nhau, tôn trọng nhau, từ đó quan hệ thầy cô - học sinh hiểu nhau hơn, gắn kết với nhau hơn. Qua tiết sinh hoạt lớp, các thầy, cô giáo luôn tạo cơ hội cho học sinh lên tiếng bày tỏ suy nghĩ, khơi gợi không khí dân chủ và hứng khởi cho cả cô và trò. Các em học sinh được tâm sự về cuộc sống, những người xung quanh, những gì đang diễn ra, về ước mơ và tương lai… Qua đó, giúp giáo viên gần gũi và thấu hiểu về học sinh hơn; đồng thời, hỗ trợ học sinh khi cần thiết.
Hay một số trường lại sôi nổi với các hoạt động ngoại khóa để các em học sinh vừa học tập, vừa có sân chơi bổ ích để hoạt động tập thể, phát triển các kỹ năng sống. Như tại Trường THCS Tân Dân (huyện Nam Đàn), phong trào nhảy dân vũ rất sôi nổi và được chính thức thành lập câu lạc bộ. Giờ nghỉ giữa giờ là lúc học sinh toàn trường cùng nhau tập nhảy. Những điệu nhảy với động tác tuy đơn giản nhưng giúp các em giải phóng cơ thể, những nụ cười vui vẻ giúp các em giải tỏa căng thẳng và “nạp năng lượng mới” để tiếp tục học tập hiệu quả hơn.
Để mô hình “trường học hạnh phúc” không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời mà thực sự lan tỏa, bên cạnh vai trò của gia đình thì đội ngũ cán bộ, giáo viên rất quan trọng trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ. “Trường học hạnh phúc” chỉ được tạo nên trên cơ sở các hành vi ứng xử chuẩn mực của những thầy giáo, cô giáo có đạo đức trong sáng, lòng yêu nghề và sự tận tâm, tận lực với các học sinh bằng những hành động nhỏ nhất vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Ngoài ra, các nhà trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nhân rộng những điển hình tiên tiến, những hành vi đẹp, những việc làm tốt của các thầy giáo, cô giáo. Qua đó, mang lại cho giáo viên niềm vui, sự tự tin, tự hào nghề nghiệp, mang lại những điều mà giáo viên đang cần, đang thiếu; tạo cơ hội cho giáo viên làm tốt nhiệm vụ của mình; tiến tới chấm dứt các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, văn minh.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại, mô hình “trường học hạnh phúc” tại Nghệ An thực sự chưa được thực hiện rộng rãi, nhiều đơn vị còn lúng túng trong cách triển khai. Tuy nhiên, thực tế ở một số trường đã có nhiều cách làm hay, đổi mới với nhiều thay đổi tích cực. Hy vọng rằng, các trường cần vận dụng một cách khoa học, linh hoạt các cách làm hay trong việc xây dựng “trường học hạnh phúc” để giáo viên và các em học sinh luôn cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Đặc biệt, để “trường học hạnh phúc”, để những giá trị yêu thương, an toàn, tôn trọng được thực thi tốt bên cạnh sự kiên trì, nỗ lực, sự quyết tâm của toàn ngành Giáo dục thì rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
.