Thứ Năm, 27/08/2020, 08:51 [GMT+7]

Bảo vệ, phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

(Congannghean.vn)-Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (DCVGNT) được  UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến nay đã gần 6 năm. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà còn cả cộng đồng người Việt. Thế nhưng, song hành với việc vinh danh thì việc bảo tồn di sản cũng rất đáng lưu tâm.Nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế đối với những di sản được UNESCO vinh danh nói chung; làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị DCVGNT nói riêng trong đời sống đương đại, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, thực hành và trao truyền di sản trong cộng đồng; từng bước phát huy giá trị của DCVGNT trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu UBND 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương hằng năm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản DCVGNT theo quy định của pháp luật.

Bộ VHTT&DL có trách nhiệm hướng dẫn hai tỉnh triển khai thực hiện bảo vệ, phát huy giá trị của di sản này theo Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng chương trình bảo vệ, phát huy các giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam, trong đó có DCVGNT, theo đúng quy định của pháp luật, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ VHTT&DL, UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản DCVGNT.

Cần có những chính sách hoạch định để bảo vệ, phát huy giá trị                             của di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
Cần có những chính sách hoạch định để bảo vệ, phát huy giá trị của di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

 Chia sẻ về vấn đề này, NSND Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho hay: Từ ngày dân ca ví, giặm được vinh danh, chúng tôi - những người gắn bó với di sản này gần như trong suốt cả cuộc đời cảm thấy vui mừng phấn khởi. Bản thân tôi cùng những người có chung một niềm đam mê đã tìm nhiều cách để bảo vệ, duy trì và phát triển di sản quý giá mà cha ông xưa để lại.

Một thực tế, có nhiều câu lạc bộ dân ca ví, giặm  ra đời và phát huy vô cùng hiệu quả ở các địa phương, không chỉ trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn lan rộng ra khắp đất nước thông qua các hội đồng hương. Bên cạnh đó, các cuộc thi liên hoan dân ca ví, giặm được tổ chức 2 năm một lần đã có sức lan tỏa, nhằm tôn vinh và quảng bá rộng rãi di sản này. Hiện nay, trước thực trạng nhiều loại hình giải trí khác đầy hấp dẫn, tình yêu đối với dân ca ví, giặm có chút phai mờ, đòi hỏi những người quản lý phải có nhiều cách làm sáng tạo để đưa dân ca ví, giặm không những lan tỏa đến tận mỗi người dân mà còn ở các ngành, nghề, qua đó nó trở thành một “đặc sản” phát triển du lịch. Theo đó, tại các lễ hội như: Lễ hội đền Quả Sơn, lễ hội sông nước Cửa Lò..., du khách được thưởng thức các làn điệu dân ca đến từ các câu lạc bộ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đã có một số khách sạn, nhà hàng, các khu di tích đưa dân ca ví, giặm vào phục vụ du lịch như khách sạn Sài Gòn - Kim Liên, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên... Song song với đó, những chương trình dạy hát dân ca trên truyền hình, đưa dân ca vào trường học như là một cách truyền lửa đam mê cho các thế hệ trẻ, qua đó, bảo tồn, lưu giữ các giá trị mà cha ông ta để lại.

Chúng ta không thể phủ nhận khi dân ca ví, giặm đang phải đối mặt với những thách thức về thay đổi không gian diễn xướng trong đời sống đương đại. Giờ đây, dân ca ví, giặm không chỉ đóng khung ở làng quê mà còn mở rộng không gian sân khấu hiện đại, điều này đòi hỏi phải có sự kết hợp hài hòa giữa người hát xướng, chơi nhạc cụ cũng như sáng tác cho lời mới phù hợp. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều nghệ nhân tuổi đã cao, chính sách hỗ trợ nghệ nhân duy trì các câu lạc bộ, trao truyền di sản còn hạn chế...

Thiết nghĩ, một chiến lược cụ thể để bảo tồn, phát huy, thực hành di sản là thật sự cần thiết lúc này. Ngoài các chính sách hoạch định của các cấp quản lý, cần ráo riết trong việc giữ gìn di sản từ nơi sinh ra nó. Đặc biệt, muốn bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể không thể thiếu chính sách dành cho các nghệ nhân. Bởi họ chính là “linh hồn” đang từng ngày sáng tạo, lưu giữ và trao truyền bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ. Để làm được điều đó, chính quyền hai tỉnh cũng như các bộ, ban, ngành cần chủ động cân đối ngân sách, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản DCVGNT theo quy định của pháp luật.

.

Phan Tuyết