Thứ Năm, 19/09/2019, 08:48 [GMT+7]

Nâng cao năng lực hợp tác quốc tế đối với di sản dân ca ví, giặm

(Congannghean.vn)-Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chứng tỏ được sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập với nền văn hóa thế giới. Đây cũng là cơ hội để di sản ví, giặm được quảng bá rộng rãi đến cộng đồng quốc tế; từ đó có những phương pháp tiếp cận phù hợp và những biện pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.

 Quảng bá dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đến với cộng đồng quốc tế (Trong ảnh: Các nghệ sĩ biểu diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại lễ hội văn hóa Châu Á tổ chức ở Australia)
Quảng bá dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đến với cộng đồng quốc tế (Trong ảnh: Các nghệ sĩ biểu diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại lễ hội văn hóa Châu Á tổ chức ở Australia)

Ngày 27/11/2014, tại Paris, Thủ đô Cộng hòa Pháp, Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng, người dân Việt Nam nói chung. Việc ghi danh góp phần thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.

Trong những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tham mưu cho UBND 2 tỉnh tăng cường nâng cao mở rộng năng lực hợp tác với UNESCO và nhiều tổ chức quốc tế khác trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Theo đó, tổ chức tuyên truyền, quảng bá di sản, thông qua Hội đồng hương Nghệ Tĩnh và một số kênh thông tin khác, tỉnh Nghệ An đã có sự kết nối, mở rộng phạm vi phát huy di sản ví, giặm ra nước ngoài bằng các đợt biểu diễn, giao lưu nghệ thuật. Điển hình như năm 2015, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ tổ chức 2 đợt biểu diễn ở Thái Lan và Australia. Năm 2016, các nghệ sĩ, nghệ nhân ví, giặm đưa di sản dân ca đến với kiều bào Châu Âu. Đợt lưu diễn dài ngày của các nghệ nhân dân ca xứ Nghệ tại 5 nước Đông Âu gồm: Cộng hòa Thụy Sỹ, Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Slovakia và Cộng hòa Hunggaria.

Nhớ lại những ngày dài lưu diễn tại nước ngoài, NSND Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ chia sẻ: “Đoàn hết sức bất ngờ khi trong khán đài mênh mông với không gian sân khấu gần gũi, có một lượng khán giả rất đông. Hình ảnh chiếc khung cửi, giếng nước, một chiếc võng gai được bài trí trên sân khấu giản dị, đời thường như chính không gian làng quê Việt xưa… đã làm cho chúng tôi được thăng hoa, cảm giác đây là không gian diễn xướng thuộc về chúng tôi, giữa trời Tây xa lạ”.

Ngoài việc tổ chức giao lưu, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Nghệ An hợp tác với cơ quan hợp tác quốc tế Jica Nhật Bản đưa dân ca ví, giặm trở thành một đặc sản du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước đến với Nghệ An. Với sự hỗ trợ của Jica, CLB Dân ca ví, giặm Hùng Sơn, CLB Dân ca ví, giặm Vân Diên (huyện Nam Đàn) được thành lập nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân ca ví, giặm xứ Nghệ, biểu diễn quảng bá ví, giặm đến du khách, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị trên địa bàn.

Bên cạnh việc nâng cao, nâng lực hợp tác quốc tế, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thực hiện các cam kết, quy định của UNESCO đối với di sản dân ca ví, giặm được công nhận. Trong đó, bảo tồn và phát huy tốt việc thực hành di sản. Thực tế, di sản ví, giặm có sức sống mạnh mẽ và số lượng người thực hành còn rất nhiều. Đặc biệt ở các địa phương là cái nôi ví, giặm như Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương… Đến nay, ví, giặm đã có mặt ở 19/21 huyện, thành, thị của tỉnh. Số lượng CLB Dân ca ví, giặm không ngừng được tăng lên.

Theo số liệu thống kê, năm 2011 toàn tỉnh có 32 CLB với tổng số hơn 600 thành viên, đến nay, toàn tỉnh đã có 100 CLB với tổng số hơn 2.000 thành viên. Ví, giặm từ miền xuôi đã lan tỏa đến cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua các cuộc liên hoan dân ca. Điển hình như năm 2016, huyện Tương Dương ra mắt CLB đầu tiên về ví, giặm tại làng Nhùng, xã Tam Quang. Đặc biệt, Từ năm 2015, Hội Cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã phối hợp với cơ quan hữu quan và các địa phương tổ chức các chương trình “Ân tình ví, giặm”, kết hợp giao lưu và biểu diễn dân ca ví, giặm tại nhiều tỉnh, thành như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng...

Ngoài ra, việc thành lập hệ thống CLB dân ca cũng như việc đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên đài phát thanh - truyền hình, tổ chức hội thi, hội diễn, đã tạo không gian văn hóa mới cho ví, giặm thực hành. Hệ thống các CLB đã tạo nên một mạng lưới hát dân ca rộng khắp từ tỉnh đến các cơ sở, trở thành một trong những cái nôi lưu giữ hồn dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, hầu hết các CLB sinh hoạt đều đặn, nhiệt tình, say mê, nhiều nghệ nhân tuổi đã cao nhưng vẫn tham gia CLB, truyền dạy hát dân ca cho các thế hệ trẻ và tham gia biểu diễn phục vụ dân ca cho các hoạt động văn hoá văn nghệ trên địa bàn dân cư. Tiêu biểu như CLB Dân ca ví, giặm Hồng Sơn (huyện Quỳnh Lưu), CLB Dân ca ví, giặm xã Nghi Trung (huyện Nghi Lộc), CLB Dân ca ví, giặm Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương)...

Nhằm góp phần bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm, hàng năm, UBND tỉnh đều bố trí kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, phát huy di sản và kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của các CLB. Ngoài ra, huy động các nguồn xã hội hóa để bảo tồn, phát huy di sản trong cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay các làn điệu dân ca cổ (nguyên gốc) cũng như cách thức trình diễn của nó đã bị mai một, ít người nhớ đến; tính sáng tạo trong dân ca đã bị hạn chế, không còn sự đối đáp ngẫu hứng mà phụ thuộc nhiều vào bài bản. Người ta biết đến ví, giặm qua các bài hát mới sáng tác trên nền tảng của ví, giặm nhiều hơn. Bên cạnh đó, số lượng nghệ nhân dân gian nắm giữ, thực hành các bài bản cổ ngày một ít, nhiều nghệ nhân tuổi cao, số nghệ nhân khả năng trình diễn và truyền dạy, số người biết dạy một cách bài bản và có kỹ thuật không còn nhiều, truyền dạy chủ yếu bằng truyền miệng và dưới hình thức sinh hoạt CLB. Môi trường và không gian diễn xướng thay đổi, không còn điều kiện để thực hiện những bài bản cổ…

.

Phan Tuyết

.