Thứ Hai, 08/06/2020, 16:34 [GMT+7]

Chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

(Congannghean.vn)-Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai đối với khối lớp 1, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện đối với từng khối lớp ở các bậc học. Để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho chương trình GDPT vào năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục tỉnh đang gấp rút mọi công việc nhằm thực hiện chương trình một cách hiệu quả.

Thuận lợi và khó khăn

Chương trình đổi mới GDPT được triển khai thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh theo đúng kế hoạch và lộ trình quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT. Lộ trình cụ thể như sau: Từ năm học 2020 - 2021 thực hiện đối với lớp 1; từ năm học 2021 - 2022 thực hiện đối với lớp 2, lớp 6; từ năm học 2022 - 2023 thực hiện đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; từ năm 2023 - 2024 thực hiện đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 thực hiện đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12. 
 
Để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình GDPT, ngành GD&ĐT tỉnh đã có nhiều việc làm tích cực như: Rà soát, sắp xếp lại các điểm trường để tập trung cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học; thực hiện đổi mới về chuyên môn, dạy học sinh theo hướng tiếp cận năng lực, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh; tăng cường tập huấn cho giáo viên về chương trình GDPT mới và tập huấn về nghiệp vụ để nâng cao chất lượng dạy học; chỉ đạo các trường lựa chọn sách; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác triển khai Chương trình GDPT mới trên địa bàn toàn tỉnh... 
Sở GD&ĐT Nghệ An tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên chủ nhiệm bậc học tiểu học,  THCS và THPT nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông 2018
Sở GD&ĐT Nghệ An tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên chủ nhiệm bậc học tiểu học, THCS và THPT nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông 2018
Một trong những thuận lợi của ngành GD&ĐT Nghệ An trong quá trình chuẩn bị triển khai chương trình GDPT 2018 trước hết là được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, chính quyền địa phương các cấp về việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018. Đội ngũ cán bộ quản lý cấp sở, phòng và giáo viên cốt cán được tiếp cận nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chương trình GDPT 2018. Các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo chương trình giáo dục đổi mới phổ thông cấp huyện. Triển khai lồng ghép các chương trình, dự án nhằm đầu tư cả về vật chất cũng như nhân lực cho các trường học. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình chuẩn bị triển khai chương trình GDPT 2018 cũng gặp một số khó khăn. Trong đó, phải kể đến khó khăn trong việc sát nhập các điểm trường, điểm lẻ để đầu tư cơ sở vật chất theo chương trình GDPT mới. Toàn tỉnh hiện có 547 cơ sở giáo dục tiểu học (523 trường tiểu học) với 1.006 điểm trường, trong đó có 459 điểm lẻ; nhiều trường tiểu học có từ 3 đến 6 điểm lẻ, các điểm lẻ cách xa nhau và xa trung tâm, tập trung tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như bố trí các giáo viên chuyên biệt dạy các môn học như: Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục cho các điểm lẻ là rất khó. 
 
Cơ sở vật chất là điều kiện cần thiết để thực hiện thành công chương trình. Qua rà soát cho thấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, cấp tiểu học để dạy học 2 buổi/ngày cần có số phòng học đạt tỉ lệ 1 lớp/phòng, trong khi đó tỉ lệ phòng học kiên cố và bán kiến cố trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ đạt 0,97 lớp/phòng. Các phòng học bộ môn cũng chưa đáp ứng, mới chỉ 85,9% trường có phòng học ngoại ngữ, 45,8% có phòng học tin học, 56,8% có phòng học giáo dục nghệ thuật, 18% có phòng học đa chức năng. Vì vậy, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất là rất lớn, trong khi nguồn lực thì hạn hẹp. 
 
Chương trình GDPT 2018 thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày do đó cần bố trí tỉ lệ giáo viên 1,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ này bình quân trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ đạt 1,28 giáo viên/lớp. Toàn tỉnh hiện có 10.121 lớp tiểu học để bố trí đủ tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp cần bổ sung thêm 2.226 giáo viên. Việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương để đáp ứng theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018 là rất khó bởi trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. 

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết

Từ những thuận lợi cũng như khó khăn trên, vấn đề cần giải quyết cấp bách trước khi triển khai chương trình GDPT 2018 đối với Nghệ An hiện nay là đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất. Ưu tiên bố trí phòng học đảm bảo cho học sinh lớp 1, xây dựng bổ sung các phòng học, phòng chức năng; đầu tư xây dựng phòng học thay thế cho các phòng học tạm, phòng học đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp. Mua sắm các trang thiết bị dạy học tối  thiểu cho học sinh lớp 1 theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT. 
Học sinh lớp 1 sẽ chính thức học Chương trình  giáo dục phổ thông mới vào năm học 2020 - 2021
Học sinh lớp 1 sẽ chính thức học Chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2020 - 2021
Nghệ An hiện đang có hơn 500 điểm trường lẻ ở bậc tiểu học nên khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí giáo viên. Tất cả các bậc học từ tiểu học, THCS, THPT đều chưa đạt theo tỉ lệ yêu cầu của chương trình mới. Vì vậy, trong thời gian tới, cần thực hiện đánh giá thực trạng các điểm trường, các trường có quy mô nhỏ để xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp để triển khai sắp xếp lại các trường tiểu học, trung học cơ sở. Tuy nhiên, việc sát nhập phải thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh. 
 
Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có kế hoạch xây dựng thêm hệ thống các phòng học, khối phòng phục vụ học tập, đảm bảo điều kiện dạy học 2 buổi/ngày. Theo đó, năm 2020 đến 2025 đầu tư xây mới 1.254 phòng học, 1.843 phòng chức năng, bổ sung 214 phòng hỗ trợ giáo dục khuyết tật ở cấp tiểu học. 
 
Hiện nay, tỉ lệ này bình quân trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ đạt 1,28 giáo viên/lớp, trong khi đó chương trình GDPT mới yêu cầu tỉ lệ giáo viên đạt 1,5 giáo viên/lớp cho học sinh lớp 1. Vì vậy, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng nhu cầu biên chế, tham mưu cho UBND tỉnh phân bố chỉ tiêu vị trí việc làm cho các huyện theo hướng từ năm 2020 - 2021 đạt tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp đối với giáo viên lớp 1.
 
Cùng với đó, Sở đang gấp rút hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn đại trà cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên về chương trình GDPT 2018 theo chỉ đạo của Bộ GĐ&DT trước tháng 8/2020. Trong đó, đảm bảo 100% cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn đầy đủ về chuyên môn nghiệp vụ, nội dung phương pháp dạy học các môn học trước khi bước vào năm học mới 2020 - 2021. Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục tiểu học hướng dẫn giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở giáo dục lựa chọn những giáo viên tâm huyết, nhiệt tình để bố trí dạy lớp 1 ngay từ năm học đầu tiên thực hiện đổi mới.
 
Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cha, mẹ học sinh, nhất là cha mẹ học sinh có con vào lớp 1 năm học 2020 - 2021 biết về chương trình GDPT, những điểm mới của chương trình để có tâm thế chủ động cho con bước vào năm học mới. Tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn xã hội về đổi mới chương trình GDPT để tạo đồng thuận và ủng hộ của các lực lượng xã hội. 
 
.

Cao Loan