(Congannghean.vn)-Cho đến thời điểm này, các cấp học từ THCS và THPT trên địa bàn Nghệ An đã chính thức trở lại học bình thường. Việc giảng dạy cũng như mọi công tác phòng, chống dịch cơ bản đi vào ổn định theo đúng chỉ đạo của Sở giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn đang gặp phải là việc thực hiện giãn cách học sinh tại các lớp của nhiều trường hiện nay. Việc thiếu phòng học, giáo viên phải dạy thêm tiết, thêm giờ khiến công tác giảng dạy quá tải. Thậm chí, một số trường thiếu giáo viên giảng dạy khi việc giãn cách học sinh được chia thành 2 ca sáng/chiều.
Nhiều trường gặp khó
Thực hiện việc giãn cách học sinh khi đi học trở lại theo đúng quy định của Bộ Y tế và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có văn bản yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc Sở, các Trung tâm GDNN – GDTX và các trung tâm Ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng sống trên địa bàn thực hiện các biện pháp giảm, giãn cách học sinh. Trong đó, tổ chức phân học hai ca để giảm số học sinh trong từng buổi. Cụ thể, đối với cấp THPT, khối lớp 11,12 học buổi sáng, khối 10 học buổi chiều. Cấp THCS, khối 8,9 học buổi sáng, khối 6,7 học buổi chiều. Cấp Tiểu học, khối 4,5 học buổi sáng, khối 1,2,3 học buổi chiều và thực hiện 01 buổi/ngày, từ thứ Hai đến thứ Bảy. Đối với Giáo dục Mầm non, thực hiện biện pháp giãn cách trẻ học tập, vui chơi, ăn ngủ.
|
Nhiều trường tổ chức việc giãn cách học sinh theo đúng quy định |
Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách học sinh tại các khối học ở nhiều trường gặp một số khó khăn nhất định. Theo lý giải của nhiều giáo viên thì việc dạy cả sáng và chiều, gây tâm lý căng thẳng cho giáo viên, bởi khối lượng công việc trong ngày sẽ gấp đôi. Bình thường những giáo viên dạy ít nhất là 3 tiết/ngày, người dạy nhiều 5 tiết/ngày. Nếu chia lớp và dạy cả ngày, mỗi giáo viên sẽ phải dạy từ 6 đến 10 tiết/ngày. Nói về sự khó khăn trên, Cô Phan Thị Thanh – Hiệu trưởng trường THCS Cửa Nam cho biết: “Đối với giáo viên nhà trường, bình quân 1 giáo viên dạy 19 tiết đứng lớp/tuần, nếu chia đôi lớp giãn cách theo đúng quy định thì mỗi người phải dạy gấp đôi lên 38 tiết. Từ việc phải tăng tiết so với bình thường nên việc giáo viên vừa đảm bảo kiến thức cho học sinh vừa giữ gìn sức khỏe cho bản thân là điều rất khó”.
|
Việc phải dạy thêm tiết, thêm giờ khiến công tác giảng dạy của một số giáo viên quá tải |
Cùng chung nỗi trăn trở trên, Cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương bày tỏ: “Bình thường tại trường có 8 lớp học gồm 4 khối 6,7,8,9, một khối 2 lớp thì bây giờ chia ra thành hai buổi thì bắt buộc mỗi buổi 4 lớp. Nếu thực hiện đúng công văn của Sở giáo dục Đào tạo thì là 16 lớp, mà tổng số là 17 giáo viên nên việc sắp xếp, bố trí tiết học gặp rất nhiều khó khăn. Để ổn định tâm lý giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường cũng động viên các giáo viên tại trường cố gắng giảng dạy, đó là cũng cái khó chung của toàn ngành giáo dục hiện nay”.
|
Các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương thực hiện việc giãn cách |
Tháo gỡ khó khăn
Còn đối với các trường THPT việc giãn cách học sinh trong thời điểm này gặp không ít vướng mắc. Thực tế một số trường có nhiều lớp gần 50 em thì việc giãn cách học sinh thành 2 ca là điều không thể. Bởi nếu chia một lớp thành hai ca khác nhau, thì mỗi ca học số lượng không quá 20 em trong phòng học với phạm vi 1,5 mét. Để việc đi học của học sinh được thực sự an toàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng yêu cầu các nhà trường cần tính toán thêm việc giãn cách cho học sinh. Giải pháp trước mắt là kê thêm bàn, ghế nhằm tận dụng không gian, diện tích và giảm từ 3 lối đi xuống 1 lối đi trong mỗi lớp học.
Ngoài ra, cần tận dụng các phòng chức năng, phòng thực hành, phòng họp để việc giảng dạy được đảm bảo đúng lộ trình. Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: “Khó khăn nhất là về kinh phí bởi theo tính toán, nếu trả thêm giờ, thêm tiết thì bình quân mỗi ngày phải trả cho giáo viên trên 500 triệu đồng. Nếu tính từ giờ đến ngày 15/7, mất khoảng hai tháng tức gần 60 buổi thì số tiền đó rất lớn. Trong khi ngân sách của tỉnh và ngành không có nên trước mắt chúng tôi động viên giáo viên trên tinh thần vì mục đích chung và tìm mọi phương án, giải pháp tối ưu nhất để hỗ trợ.
|
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An kiểm tra, hướng dẫn việc giãn cách học sinh tại một số trường học trong thời gian vừa qua |
Điều cần lúc này là phải làm thật tốt công tác phòng, chống dịch và thực việc giãn cách học sinh đúng quy định, đặc biệt là động viên tư tưởng giáo viên yên tâm công tác. Có như vậy, việc giảng dạy sẽ không bị gián đoạn và chất lượng mỗi buổi học được nâng cao hơn để kịp với khung chương trình đã đề ra trước đó. Với những khó khăn trước mắt của toàn ngành Giáo dục hiện nay, điều này cũng đặt ra yêu cầu đội ngũ giáo viên, nhà trường các cấp học cần nỗ lực hết mình để thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh dạy mới. Nếu lâu dài, ngành Giáo dục cần có giải pháp tháo gỡ khác để giáo viên yên tâm giảng dạy và động viên kịp thời kể cả vật chất lẫn tinh thần.
.
.