Có những tháng Tư thật riêng trong cảm nhận của mỗi nghệ sĩ, và cũng có những rung động giống nhau trong hầu hết mỗi người Việt Nam khi tháng Tư đã đi vào lịch sử...
Chúng ta đang đi qua những ngày cuối cùng của tháng Tư. Tháng Tư, có những ngày oi nồng như mùa hạ, có những lúc se lạnh chưa tan hết cái rét nàng Bân, có những ngày mùa xuân như vẫn còn vương vấn, lại có những thời khắc man mác, dìu dịu của mùa thu khi một cơn mưa lá bất ngờ đổ xuống trên mỗi con đường ta qua...
Có những tháng Tư thật riêng trong cảm nhận của mỗi nghệ sĩ, và cũng có những rung động giống nhau trong hầu hết mỗi người Việt Nam khi tháng Tư đã đi vào lịch sử...
Những tình khúc của tháng Tư
Mỗi khi tháng Tư về, ta phân vân không biết nên xếp tháng Tư vào mùa hè hay mùa xuân. Nhiều người vẫn coi tháng Tư nằm trong mùa xuân khi nghĩ đến cụm từ "đại thắng mùa xuân" gắn liền với sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc. Nhưng trong con mắt của nhạc sĩ Dương Thụ, tháng Tư lại đích thực thuộc mùa hè:
"Tháng Tư về, gió hát mùa hè, có những chân trời xanh thế. Mây xa vời, nắng xa vời, con sông xa lững lờ trôi. Nắng nhẹ nhàng, mây trắng nhẹ nhàng, hát giấc mơ nào xa lắm. Em mong chờ, mãi mong chờ, bao nhiêu vẫn cứ đợi anh…" (Tháng Tư về).
Loa kèn - loài hoa đặc trưng của tháng tư. |
Giai điệu và lời ca hòa quyện với nhau thật đẹp, có mây có gió có nắng có hoa, có một người con gái dịu dàng đang chờ đợi tình yêu của mình. Không gian trong lời ca được mở ra cao vút, trong sáng, bay bổng. Có một nỗi mơ hồ quyến luyến nào đó rất dễ khiến người ta mủi lòng, và ta đã lẩm nhẩm hát theo lúc nào không hay...
Nhưng cũng có những tháng Tư trầm đục nghẹn ngào, khắc khoải da diết bởi những chia ly như là định mệnh:
"Hai tư phím cầm chiều. Hai tư nhành sương tím. Hai tư tiếng ve sầu đại lộ tháng Tư. Gửi lại em tờ thư hai tư gác mưa, mùi hoa sữa hai tư miền hoài niệm. Cơn mơ chợt hiện chợt tan. Gửi lại em hai tư lối công viên, hai tư vầng trăng góa. Anh gửi lại em tất cả riêng đêm em xõa. Hai tư quầng bóng xuống đời, anh giữ lại cho anh" (Tình khúc hai tư - Nhạc: Phú Quang, thơ: Dương Tường).
Hoa của tháng Tư
Tháng Tư vẫn còn nồng nàn hơi thở của mùa xuân và loài hoa đặc trưng nhất của tháng Tư chính là những đóa loa kèn trong trắng tinh khôi:
"Những khúc loa kèn vang sáng phố
Hạ mới ươm vàng, nắng chớm duyên
Sắp rồi đỏ phượng, run gió nhớ
Ai đã yêu mình trong cõi quên"
(Những khúc loa kèn vang sáng phố - Hồng Thanh Quang).
Nhạc sĩ Giáng Son cũng chung một niềm cảm hứng tương tự khi nhắc về loài hoa của tháng Tư trong ca khúc Hà Nội những mùa hoa:
"Tháng giêng hoa đào bừng nở, đón xuân khoe sắc hồng tươi/ Tháng hai hoa ban ngập tràn, tím biếc những gương mặt phố/ ba bất chợt một ngày, trắng tinh hoa sưa về đây/ Tháng tư loa kèn mỏng manh, những góc phố con đường quen...".
Trong một xúc cảm khác, sắc trắng của loài hoa tháng Tư lại là nỗi lặng lẽ cô đơn, ru lòng mình trong một nỗi niềm đan xen giữa ký ức và hiện tại, lắng sâu mà kiêu hãnh:
"Tháng tư về trong im lặng của lời
Xòe ngón tay chạm hờ không gian nắng
Thấy tim nhoi nhói lạnh
Thấy hồn thôi nhức đau
Em vừa vẽ xong bức tranh không màu
Trên tường rêu cũ cánh tường vi nhỏ
Ngoài ô cửa phố xá vừa ngừng thở
Chờ nắng tháng Tư lên
Em thôi chờ anh và học cách biết quên
Hòa nhịp thở vào mùa vàng bình thản
Nơi tĩnh lặng bung nở đài hoa trắng
Tình trầm tháng tư"
(Tình trầm tháng Tư - Nguyễn Quỳnh Trang).
Tháng Tư cũng đi vào thơ của thi sĩ Du Tử Lê với bao miên man trăn trở:
"Tháng Tư tôi đến rừng chưa thức
Mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya
Có môi chưa nói lời chia biệt
Và mắt chưa buồn như mộ bia…
Tháng Tư khao khát, đêm, vô tận
Tôi với người riêng một góc trời
Làm sao anh biết trăng không lạnh
Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi"
(Ai nhớ ngàn năm một ngón tay).
Thi sĩ chân quê Nguyễn Bính cũng nhắc đến tháng Tư trong thơ, nhưng thay vì tả một loài hoa, ông lại kể với chúng ta về lúa. Có phải, lúa tháng tư vẫn được người Việt xem là lúa ở thời điểm đẹp nhất, lúa của thì con gái đang xanh mướt vươn lên trong sương sớm tốt tươi:
"Con đi năm ấy tháng Tư
Lúa chiêm xấp xỉ trổ từ tháng Ba" (Thư cho thày mẹ).
Tháng Tư đi vào lịch sử
Những người Việt yêu văn chương nghệ thuật chắc hẳn sẽ có những ký ức khó phai mờ về những sự kiện của tháng Tư. Tôi muốn nói đến hai sự kiện rơi đúng vào điểm mút hai đầu của tháng Tư: khởi đầu và kết thúc. Trong văn hóa của người phương Tây, mùng 1 tháng Tư được gọi là ngày Cá Tháng Tư, là ngày người ta chấp nhận sự nói dối để trêu đùa nhau, giống như thêm chút gia vị niềm vui cho cuộc sống.
Nhưng ở Việt Nam, đối với những người say đắm nhạc Trịnh thì mùng 1 tháng Tư mãi mãi là một nỗi buồn bởi sự ra đi của người nhạc sĩ về thế giới bên kia:
"Anh mất trong ngày 1 tháng Tư
Cái ngày người ta có thể đùa bỡn một chút
Tôi phải hỏi hai lần
Để biết cuộc đi xa của anh là sự thật"
(Sự thật của cuộc ra đi - Nguyễn Khoa Điềm).
Nhiều nhà thơ khác cũng viết về nỗi đau, nỗi nhớ thương này:
"Người hát rong của thể kỷ hai mươi
Giờ đã hết, năm đã cùng, tháng tận
Mắt đã mờ, máu trong tim đã cạn
Tay đã buông, gối đã mỏi, chân rời
Người vẫn còn hát mãi không thôi
Yêu và đau, trái tim dường nức nở
Đẹp và buồn, thế gian còn nặng nợ
Người là tôi, hay tôi cũng là người
Người hát rong ơi, người hát rong ơi..."
(Người hát rong của thế kỷ XX - Anh Ngọc).
Một bức tranh cổ động chào mừng Ngày chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5. |
Nếu như tháng Tư mở ra ngày đầu tiên với nỗi buồn ly biệt người nhạc sĩ họ Trịnh thì cũng chính tháng Tư khép lại bằng ngày vui thống nhất đất nước trong đại thắng mùa xuân 30 tháng Tư năm 1975. Những câu thơ của Tố Hữu như khúc reo ca hân hoan mà rưng rưng xúc động lệ tràn mi:
"Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa
Cho chúng con giữa vui này được khóc
Hôn mỗi đứa em ôm mỗi mẹ già
Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc
Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhòa"
(Toàn thắng về ta).
Trong âm nhạc, không thể không kể đến bản hùng ca "Đất nước trọn niềm vui" được nhạc sĩ Hoàng Hà viết nên trong những ngày cuối cùng của tháng Tư rực lửa. Giai điệu và tiết tấu bài hát như cuốn người nghe đi, hòa cùng bước chân thần tốc của những chiến sĩ để làm nên chiến công thần kỳ của dân tộc:
"Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi! Vững tin, đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng. Ta như nghe vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông. Rạo rực ta hôm nay Bác vui với hội toàn dân. Thành đồng ơi, sắt son đã vang khải hoàn. Ôi! Hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em, những lời yêu thương...".
Tháng Tư đọng lại
Tháng Tư mãi là tháng đặc biệt nhất trong năm bởi sự chuyển giao của xuân sang hạ nhưng lại mang trong nó đầy đủ bốn mùa. Và tháng Tư trong trái tim mỗi người nghệ sĩ đa cảm, đa tình sẽ luôn là nỗi bâng khuâng mê mải có khi theo suốt cuộc đời:
"Tháng Tư của những chuyển giao
Ai quên, ai nhớ lời chào phân ly
Người đi tưởng mãi là đi
Người về không biết tự suy phận mình
Tháng Tư của những tường minh
Hoá ra rối lẫn ảnh hình chinh nhân
Bèo trôi nước chảy xa gần,
Hương mưa dầu dãi trên thân phận người..."
(Tháng Tư ngẫu khúc - Hồng Thanh Quang).
Và người bạn của tôi, nhà thơ - nhà báo Bình Nguyên Trang đã có một tản văn thật xúc động về tháng Tư mà tôi muốn mượn ít câu trong đó để tạm dừng những nỗi niềm tâm sự:
"Tháng Tư có những ngày xám lạnh như hấp hối và có những ngày rực rỡ như bắt đầu. Tháng Tư như người vừa thức giấc. Tôi đi qua những con phố lá rơi ngập vỉa hè, bất chợt nhận thấy một sự cựa mình trong thiên nhiên, trời đất. Đó không phải sự nảy lộc đâm chồi của những ngày đầu xuân. Đó là sự lớn lên, sự trưởng thành. Trong Tháng Tư có mùi hương của nồng nàn, êm ả. Nỗi buồn cũng khó mà ủ rũ, vì lòng tôi luôn nghe từ đâu đó trong không gian mênh mông một lời mời gọi (...). Tháng Tư, nếu buồn đừng khóc. Nước mắt nếu rơi, sẽ hoá thành giọt sương. Giọt sương sẽ lấp lánh trên đầu ngọn cỏ, soi rọi những mùa bạn đã sống. Hàng triệu ban mai phản chiếu trong đó. Và bạn sẽ nhìn thấu quá khứ, tương lai của mình chỉ trong một giọt sương...".