(Congannghean.vn)-Do dịch COVID-19 nên kỳ thi THPT quốc gia năm nay đang gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến việc học và ôn thi của học sinh lớp 12. Lúc này, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố sớm phương án thi mới để học sinh chủ động ôn tập là thực sự cần thiết.
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra hai phương án cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong trường hợp học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6, vẫn đủ thời gian chuẩn bị để học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi theo kế hoạch đã điều chỉnh. Còn nếu học sinh đi học lại sau ngày 15/6, Bộ này sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án thi THPT quốc gia phù hợp hơn. Cùng với đó, một số trường đại học ở Hà Nội đã đưa ra phương án tuyển sinh riêng, tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học riêng để không quá phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia và cũng là để tăng thêm chất lượng tuyển sinh đầu vào cho trường.
Thí sinh nghe phổ biến nội quy tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 |
Xác định năm học 2019 - 2020 là năm học quan trọng trong cả quá trình học tập của mình, trước ngưỡng cửa đại học, em Khánh Vân, học sinh Trường THPT Đô Lương 1 đã lên kế hoạch ôn tập từ đầu năm học. Tuy nhiên, đến thời điểm này, em tỏ ra khá căng thẳng. Hằng ngày, Vân vẫn phải thực hiện việc học trực tuyến các kiến thức của chương trình lớp 12, nhưng theo Vân, việc học này không hiệu quả như mình mong muốn. Với các môn học để thi, Khánh Vân vẫn ôn luyện riêng. Em cho biết, hiện tại chưa có phương án cuối cùng của Bộ về kỳ thi THPT quốc gia nên bản thân em sẽ củng cố những kiến thức đã học, ôn tập, tự giải các đề thi trên mạng, đồng thời hoàn thành nốt chương trình còn lại của lớp 12.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều giáo viên bày tỏ sự băn khoăn. Thầy giáo Phan Văn Hưng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12T1, Trường THPT Đô Lương I cho biết: Sau khi Bộ GD&ĐT điều chỉnh chương trình giảm tải, chúng tôi vẫn tăng cường dạy học qua internet trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến hiệu quả chưa được như mong muốn, bởi nhiều em học sinh chưa có điều kiện, chưa kể trong quá trình dạy học bị nghẽn mạng... Về đề thi minh họa đã được Bộ công bố, qua tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của học sinh, các em vẫn mong muốn đề khó hơn để dễ có sự lựa chọn hơn, tránh trường hợp “minh họa một đường làm một nẻo”. Trước mắt, sẽ tập trung dạy kiến thức cơ bản để các em có thể yên tâm thi THPT quốc gia. Ngoài ra, giáo viên thường xuyên tương tác với các em, tìm tòi, hướng dẫn các em làm một số bài tập. Trong việc dạy học trực tuyến, giáo viên liên hệ với phụ huynh quản lý con em mình trong thời gian học, đồng thời, với một số em sử dụng máy tính không có webcam, giáo viên tìm các tài liệu gửi qua gmail, messenger... để các em có điều kiện tiếp thu bài học...
Chia sẻ về kỳ thi năm nay, nhiều giáo viên cho rằng, với những khó khăn này, kỳ thi năm nay chất lượng sẽ giảm so với các năm học trước. Tuy vậy, việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia thì cần phải cân nhắc vì hiện chưa có quy định về công nhận tốt nghiệp cho học sinh dựa trên kết quả học bạ. Hiện tại, giáo viên rất ủng hộ triển khai kỳ thi THPT quốc gia, vì đây là phương án tốt nhất để có thể đánh giá trên diện rộng chất lượng đại trà của học sinh. Tuy nhiên, việc nhiều trường đại học có phương án thi riêng với sự thay đổi hình thức từ trắc nghiệm sang tự luận, sẽ khiến cho học sinh thiệt thòi do bị động.
Lúc này, việc Bộ GD&ĐT đưa ra phương án cuối cùng về kỳ thi THPT quốc gia là hết sức cần thiết. Đó cũng là căn cứ để các em có hướng học tập, yên tâm ôn luyện kiến thức để chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng của cuộc đời mình.
.