Thứ Ba, 31/03/2020, 10:31 [GMT+7]

Xây dựng phòng đọc sách cho học sinh vùng cao

(Congannghean.vn)-Mong muốn tạo cho các em học sinh thói quen đọc sách, thời gian này, tranh thủ học sinh nghỉ học do dịch COVID-19, thầy cô Trường Tiểu học Hương Tiến, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương đã xây dựng một phòng đọc sách cho các em. 
Các thầy cô tất bật thi công phòng đọc sách cho các em nhỏ vùng cao
Các thầy cô tất bật thi công phòng đọc sách cho các em nhỏ vùng cao
Phòng đọc sách được thiết kế mô phỏng kiến trúc nhà sàn, rộng khoảng 40 m2 do các thầy cô Trường Tiểu học Hương Tiến xây dựng tại điểm trường chính đến nay cơ bản đã hoàn thành. Để có được công trình này, từ sáng sớm, các thầy cô giáo đã phải lặn lội vào rừng, vào tận các thôn bản, đến các hộ gia đình để tìm nguyên liệu. Khi đã có những nguyên liệu như tre, nứa, lá cọ, những giáo viên vốn quen với phấn trắng, bảng đen bắt tay vào “thi công”. Một không khí khẩn trương, tất bật: Người cưa, đục và lắp ghép các cấu kiện, người tỉ mẩn ngồi đan, chuyển và lợp mái tranh, những cô giáo khéo tay ngồi trang trí những họa tiết, hoa văn trên từng bức vách bằng nứa... Với sự nỗ lực và tình yêu thương con trẻ, công trình của tập thể giáo viên cơ bản đã hoàn thành, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, nhất là các bậc phụ huynh và bà con nhân dân. Bởi hơn ai hết, họ mong muốn con em mình được mở mang tri thức, thoát khỏi cảnh đói, nghèo.
 
Thầy giáo Đậu Đình Đức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Tiến cho biết, Trường có gần 550 học sinh, 24 lớp và 5 điểm trường. Phần lớn học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú ở các xã Kim Tiến, Kim Đa, Hữu Khuông, Hữu Dương và Luân Mai (huyện Tương Dương) chuyển về xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương) tái định cư. Cuộc sống của bà con nơi đây dù đã có những bước khởi sắc nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn, tỉ lệ mù chữ vẫn còn khá cao. Vì thế, cùng với nâng cao chất lượng giảng dạy, việc mở thêm phòng đọc, tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp cận, mở mang tri thức là điều cần thiết. 
 
Phòng đọc sách giống như một ngôi nhà sàn nhỏ của đồng bào dân tộc thiểu số. Các giáo viên trong trường mong muốn các em được tìm về với hoài niệm, với nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bởi các em ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái, Khơ Mú. Điều mà các thầy cô nơi đây trăn trở là làm thế nào có được những đầu sách, cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của học sinh tiểu học để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Được biết, hiện nay, nhà trường đang vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm hỗ trợ sách, thiết bị và kinh phí để phòng đọc sớm được hoàn thiện theo đúng nghĩa. Hiện tại đã có một nhóm thiện nguyện liên hệ và hứa ủng hộ một số tủ sách, sẽ chuyển đến sớm nhất có thể để phòng đọc đi vào hoạt động khi hết dịch bệnh, các em học sinh trở lại trường học. 
 
Thầy giáo Đậu Đình Đức chia sẻ: Muốn hình thành được thói quen đọc sách, phải xây dựng được môi trường học tập, đọc sách. Tuy nhiên, với điều kiện vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số nên thói quen đọc sách của học sinh, người dân, phụ huynh gần như không có. Chính vì vậy, xây dựng phòng đọc cách này, nhà trường chỉ mong sao dần dần sẽ tạo được thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Xem đây là một trong những hoạt động quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học, tạo nền tảng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập.
.

Gia Khánh

.