Thứ Năm, 26/03/2020, 08:56 [GMT+7]

Nhìn nhận lại để điều chỉnh công tác tổ chức, quản lý lễ hội

(Congannghean.vn)-Năm nay, do dịch COVID-19, các lễ hội trong cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đều tạm dừng. Mang yếu tố tâm linh nên mặc dù có chút “hụt hẫng” nhưng người dân vẫn đồng lòng, ủng hộ. Chính vì vậy, đây là dịp để những người làm công tác quản lý văn hóa nhìn lại và đánh giá về công tác tổ chức, quản lý lễ hội bấy lâu nay.

Màn rước kiệu trong lễ cầu ngư của Lễ hội đền Cờn
Màn rước kiệu trong lễ cầu ngư của Lễ hội đền Cờn
 
Năm qua, cùng với sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, các lễ hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đảm bảo được 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, tạo không khí linh thiêng, phần hội với các trò chơi dân gian, phát huy được bản sắc văn hóa, tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng. Tại một số lễ hội, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, thu hút du khách tham gia. Bên cạnh thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội (giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, các hoạt động chèo kéo khách...), công tác ANTT, ATGT, phòng, chống cháy, nổ được đảm bảo an toàn. Đặc biệt, công tác xã hội hóa các hoạt động lễ hội được chú trọng. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ thực hiện. Việc quản lý, thu chi tiền công đức tại các di tích cơ bản được thực hiện theo đúng quyết định của UBND tỉnh và các quy định của pháp luật. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn các lễ hội tuân thủ đúng quy định về việc tổ chức, thì tại một số lễ hội chưa coi trọng vấn đề này. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu chủ yếu tập trung vào các lễ hội lớn như lễ hội du lịch Cửa Lò, lễ hội đền Hoàng Mười...; các lễ hội trên địa bàn chưa có ảnh hưởng rộng, chủ yếu mới chỉ thu hút sự tham gia của nhân dân địa phương, chưa trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch. Ở phần hội, các trò chơi dân gian vẫn còn tình trạng tranh giành, hơn thua quá đà. Nhiều lễ hội còn hành chính hóa, chưa thực sự trả lễ hội về cho cộng đồng. Việc quy hoạch lễ hội nói chung, quy hoạch dịch vụ nói riêng chưa hợp lý, chủ yếu vẫn là dịch vụ ăn uống, thiếu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Phải nói rằng, nguyên nhân xuất phát từ công tác quản lý chưa được chặt chẽ, ý thức thực hiện nếp sống văn minh còn hạn chế và tại một số lễ hội, Ban tổ chức làm việc chưa hiệu quả, sự phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chưa kịp thời giải quyết chấn chỉnh những phát sinh hạn chế diễn ra trong lễ hội.
 
Đầu năm nay, bước vào mùa lễ hội cũng là lúc dịch COVID-19 xuất hiện, diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, để phòng, chống dịch bệnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL, các địa phương triển khai hạn chế tập trung đông người, dừng tổ chức tất cả các lễ hội.
 
Thông qua công tác kiểm tra của Bộ VHTT&DL, nhìn chung các địa phương nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng đều thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch bệnh. Tại các di tích  đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền như dán các khuyến cáo về tình hình dịch bệnh; hướng dẫn du khách cách khử trùng, diệt khuẩn, rửa tay. Tuy nhiên, khi trong tiềm thức của mỗi người dân Việt luôn có nhu cầu về đời sống tâm linh và văn hóa cộng đồng thì việc tạm dừng các lễ hội không tránh khỏi sự “hụt hẫng”.
 
Việc tạm dừng lễ hội trong thời điểm này là dịp để ngành văn hóa và các địa phương nhìn lại việc tổ chức lễ hội trong những năm qua, trên cơ sở đánh giá những ưu, nhược điểm để từ đó có những giải pháp cụ thể, nhất là trong việc nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước và tổ chức hiệu quả các hoạt động lễ hội. 
 
Để chấn chỉnh hoạt động lễ hội, cần tuân thủ đúng quy định tổ chức của Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên, các địa phương có thể linh động trong việc tổ chức lễ hội, đảm bảo phần tế lễ, giảm tải phần hội, bởi tốn kém, tiêu phí thời gian và đối phó với việc lợi dụng hội để trục lợi như tệ cờ bạc, mê tín dị đoan, các vấn đề bảo đảm ANTT. Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp quản lý, công tác thanh, kiểm tra các hoạt động lễ hội; xử lý kiên quyết, nghiêm khắc các hành vi vi phạm, nhất là việc lợi dụng lễ hội để trục lợi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của các lễ hội và di tích, để mọi người hiểu đúng và hành xử văn minh khi đến với lễ hội. Đặc biệt, quy hoạch hệ thống di tích, tổng thể lễ hội, quy hoạch cho từng lễ hội đảm bảo bảo tồn, phục hồi được các yếu tố gốc, đồng thời tạo điểm đến hấp dẫn cho du lịch. Năm nay, do dịch COVID-19 nên nhiều lễ hội không tổ chức. Với tâm lý tổ chức “bù trừ”, dễ dẫn đến những việc làm, hành vi quá đà, nếu như phần hội được mở lại, nhất là với những lễ hội lớn.
.

Phan Tuyết

.