Thứ Ba, 25/02/2020, 14:56 [GMT+7]

Cô gái tật nguyền với ước mơ 'gieo duyên đọc sách - lan tỏa yêu thương'

(Congannghean.vn)-Năm 13 tuổi, chị phải khép lại giấc mơ đến trường bởi căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Làm bạn với chiếc xe lăn thế nhưng không chịu đầu hàng số phận, từ việc say mê đọc sách, chị đã biến ước mơ xây dựng tủ sách miễn phí trở thành hiện thực. Chị là Trần Thúy Nga (SN 1985) trú tại xóm 6, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. 
Mỗi ngày, tủ sách của chị Nga thu hút rất đông bạn đọc,  phần lớn là các em học sinh
Mỗi ngày, tủ sách của chị Nga thu hút rất đông bạn đọc, phần lớn là các em học sinh
Thử thách của số phận 
 
Mùa hè năm 1998, từ một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chị Nga phát hiện mình bị căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Dù đã cố gắng luyện tập nhưng các khớp ngày càng biến dạng, dính khớp, cứng khớp, khó cử động, thế rồi, chị hoàn toàn không thể tự bước đi được nữa. Từ một cô bé năng động, tháo vát là thế, cuộc sống của chị bỗng trở nên bế tắc, đầy tuyệt vọng. 
 
Muốn giúp em gái vơi đi nỗi buồn, chị gái và 2 người em họ đã mua tặng chị nhiều cuốn sách hay để chị đọc. Giết thời gian vào trang sách, chị tạm quên đi những cơn đau, nỗi tủi thân đang giằng xé tâm can mình. Đọc sách, chị biết đến và đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Chị tự hỏi, sao họ có thể vượt qua nỗi đau về bệnh tật và vươn lên trong cuộc sống như vậy? Nhất là khi đọc cuốn tự truyện “Không gục ngã” của tác giả Nguyễn Bích Lan nói về nghị lực sống của những người gặp phải nghịch cảnh nhưng đã sống ý nghĩa và viết nên câu chuyện của cuộc đời mình, như tiếp thêm sức mạnh để chị quyết tâm rằng mình không được phép gục ngã. 
 
“Những cơn đau vẫn không bao giờ dứt. Các khớp ngón tay bị sưng đau và biến dạng, nhưng tôi vẫn cố nén chịu, gắng luyện viết, luyện vẽ. Lâu dần, bàn tay cũng bớt rung và nét chữ đẹp trở lại, tôi bắt đầu viết những trang mới về cuộc đời mình”, chị Trần Thúy Nga chia sẻ. 
 
“Gieo duyên đọc sách - Lan tỏa yêu thương”
 
Từ việc thích đọc sách, năm 2004, theo gợi ý của chị gái, chị Nga quyết định mở tủ sách cho thuê 200 đồng/cuốn. Lâu dần khi đã có một số lượng sách khá lớn, chị vận động thuyết phục mọi người đến đọc và mượn sách về nhà miễn phí. Chị Nga cho biết: “Những năm trở lại đây, nhìn thấy các em học sinh mải mê vào điện thoại, chơi game và mạng xã hội, lơ là học tập, tôi muốn kéo các em về với sách, khuyến đọc bằng cách cho mượn miễn phí. Bởi từ bản thân mình, tôi biết sách đã giúp tôi sống và suy nghĩ tích cực hơn. Sách giúp tôi nhận ra sứ mệnh của mình, đó là sứ mệnh "Gieo duyên đọc sách - Lan tỏa yêu thương".
 
Nguồn thu nhập chính của chị là bán hàng tạp hóa nhỏ và bán online một số sản phẩm tự nhiên từ quê hương mình (tinh nghệ, bột nghệ, ngũ cốc, sắn dây...), chị Nga dành dụm để mua sách. Chị kể: “Có những tháng tôi mua từ 3 đến 5 triệu đồng tiền sách. Những cuốn sách hay, đa dạng về nội dung, phù hợp cho mọi lứa tuổi đều tự bản thân tôi tìm hiểu và đặt mua. Thời gian gần đây, một số người bạn thân thiết gửi tặng tôi một ít sách. Tôi rất biết ơn". 
 
Tủ sách của chị ngoài việc cho mượn miễn phí, một phần nhỏ chị tặng "gieo duyên đọc sách" cho một số anh em bạn bè thân thiết. Hiện tại, chị có 4 tủ sách với gần 4.000 đầu sách gồm nhiều thể loại.
 
Không kể trời nắng hay mưa, những năm qua, ngôi nhà của chị Nga luôn là điểm hẹn của những người yêu sách. Vào những ngày cuối tuần hay sau giờ tan học, các học sinh và cả nhiều giáo viên, phụ huynh lại chở con tìm đến mượn sách. Chị Nga rất vui vì thời gian gần đây sự lan tỏa ngày càng rộng, nhiều người ở các xã trong huyện, dù cách xa nhà chị nhưng vẫn tìm đến tủ sách của chị để mượn. Các em từng là bạn đọc thân thiết của tủ sách, nay đi học đại học xa, chị Nga vẫn ưu tiên cho mượn sách đem theo để đọc. Với những người ở xa, chị Nga cho mượn mỗi lần nhiều sách hơn và thời gian mượn lâu hơn, để tạo cơ hội cho mọi người được đọc thoải mái. 
 
Gian phòng sách của chị Nga tuy nhỏ mà vui vẻ, ấm áp. Thế nhưng, vào những ngày hè, số lượng người đến rất đông, nên không đủ chỗ phục vụ bạn đọc. Mùa mưa vài chỗ bị giột làm ướt sách. Hiện tại, chị đang ấp ủ xây một phòng đọc sách mới rộng hơn, khang trang sạch sẽ hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc gần xa. Với ước nguyện ngày càng có nhiều người hiểu được giá trị của sách, xem việc đọc sách là thói quen và cần thiết mỗi ngày, áp dụng được nhiều điều tích cực vào cuộc sống của bản thân, qua đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc ở vùng quê này. 
 
Chia tay chị Nga khi chiều vừa tắt nắng, tôi nhớ mãi câu nói mà chị trích dẫn của một tác giả nào đó, rằng “muốn dạy hoặc khuyến khích ai đó làm điều gì thì trước tiên mình cần làm tốt điều đó”. Với nghị lực vươn lên, chị là một tấm gương sáng để nhiều người học tập, noi theo.
.

Phan Tuyết

.