(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, sĩ số học sinh tiếp tục tăng trong khi số lượng giáo viên không được bổ sung tương ứng, nhất là trong bậc học mầm non và tiểu học. Thiếu giáo viên đã gây ra tình trạng quá tải, áp lực ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của các trường.
Tình trạng thiếu giáo viên
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương. Cả nước thiếu trên 49.000 giáo viên, tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Cũng như một số địa phương khác, nhiều năm qua, Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn với tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh Nghệ An dự kiến tăng hơn 20.000 học sinh. Trong đó, tăng nhiều nhất là bậc tiểu học với hơn 18.000 học sinh, bậc THCS tăng hơn 2.000 học sinh. Học sinh vào lớp 10 tăng 2.800 em so với năm học 2018 - 2019. Với số học sinh tăng như trên, Nghệ An dự kiến sẽ tăng 237 lớp so với năm học trước. Số lượng học sinh các cấp tăng, thiếu giáo viên là điều không thể tránh khỏi.
Cần có những giải pháp hợp lý để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhất là bậc học mầm non và tiểu học |
Tại huyện Nghi Lộc, hiện nay số lượng giáo viên thiếu khá nhiều với gần 300 giáo viên. Trong đó, riêng tiểu học thiếu hơn 200 giáo viên. Năm học 2019 - 2020, tổng số giáo viên mầm non của huyện Nghi Lộc là 615 giáo viên/410 nhóm, lớp. Đặc biệt, nhiều trường mầm non của huyện không tuyển được giáo viên vì không có biên chế khiến tỉ lệ giáo viên/lớp rất thấp, chỉ khoảng 1,3 - 1,4 giáo viên/lớp (Theo Thông tư 06/2015 liên tịch của Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ quy định mức giáo viên mầm non/nhóm, lớp tối đa là 2,2 - 2,5) như các trường mầm non thuộc các xã Nghi Xá, Nghi Phương, Nghi Đồng.
Năm học 2019 - 2020, Trường Mầm non Nghi Đồng (xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc) có 345 học sinh/11 nhóm lớp. Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Sen, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2017 - 2018, toàn trường có 10 giáo viên thì 1 giáo viên nghỉ sinh dẫn đến chỉ có 9 giáo viên/11 nhóm lớp (khoảng 0,9 giáo viên/lớp). Năm nay, được 12 cô/11 nhóm lớp (1 cô được biệt phái từ Trường Mầm non Quán Hành về), nâng lên khoảng 1,1 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, theo Thông tư 06/2015 liên tịch của Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ quy định thì mức giáo viên mầm non/nhóm như vậy vẫn còn thiếu trầm trọng.
“Vài năm trở lại đây, trường chúng tôi liên tục thiếu giáo viên trong khi lượng học sinh ngày càng đông. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, khi chưa tuyển được giáo viên hợp đồng, nhà trường đang phải huy động cả các cô nhà bếp cùng giúp các cô chủ nhiệm đón các cháu vào lớp. Bây giờ, lương chi trả và chế độ cho các giáo viên mầm non còn thấp, trong khi công việc rất vất vả, thời gian thực hiện từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ nên nhà trường cũng rất khó khăn trong công tác tuyển dụng”, cô Sen chia sẻ. “Do đội ngũ giáo viên thiếu nên nếu tuyển được giáo viên, chúng tôi sẽ ưu tiên cho các lớp nhà trẻ. Vì ngoài việc dạy học cho các cháu thì việc đảm bảo an toàn cho trẻ cũng rất quan trọng”, cô Sen cho biết thêm.
Đối với bậc tiểu học, huyện Nghi Lộc hiện thiếu 78 giáo viên (theo tỉ lệ 1,2 giáo viên/ lớp). Lý giải về nguyên nhân thiếu giáo viên, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc cho biết: Do dân số cơ học tăng, quy mô số lớp của bậc mầm non và tiểu học tăng quá nhanh, trong khi định biên lại giảm, công tác tinh giản biên chế được siết chặt và giao chỉ tiêu giáo viên hàng năm hạn chế, không đủ theo kế hoạch phát triển trường lớp của cơ sở. Năm học 2019 - 2020, toàn huyện tăng khoảng 1.700 học sinh và dự báo tiếp tục tăng trong vài năm tới. Dù được bổ sung một lượng giáo viên nhất định (từ nguồn biệt phái và định biên) nhưng vẫn còn thiếu.
Tại TP Vinh, năm học 2019 - 2020, bậc học mầm non có 69 trường, 1.022 nhóm lớp với 28.345 học sinh (tăng 8 nhóm, lớp). Bậc tiểu học có 30 trường, 857 lớp với 33.626 học sinh (tăng 51 lớp và 2.220 học sinh). Bậc THCS có 24 trường, 432 lớp với 18.486 học sinh (tăng 18 lớp với 1.331 học sinh). Các trường phổ thông nhiều cấp học tăng 16 lớp với 130 học sinh (Trường Phổ thông Phượng Hoàng mở thêm 3 lớp 10). Theo kế hoạch phát triển năm học, Sở GD&ĐT đã duyệt với số giáo viên hiện có, nguy cơ tiếp tục thiếu giáo viên là rất lớn.
Trong nhiều hội nghị, họp tổng kết ngành Giáo dục của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Nghệ An, nguyên nhân của việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ được nhận định do: Số lượng học sinh tăng/giảm; hệ lụy từ việc tuyển dụng ồ ạt, vượt quy định của chính quyền địa phương và các nhà quản lý, đặc biệt là tuyển hợp đồng; do việc dự đoán quy mô phát triển trường lớp thiếu chính xác dẫn đến việc xây dựng kế hoạch cho các trường, các địa phương phát triển lớn so với thực tế… Ngoài ra, theo phân cấp quản lý, luân chuyển cán bộ viên chức thuộc phân cấp của UBND các huyện, thành, thị, biên chế lại do Sở Nội vụ quản lý nên còn nhiều khó khăn, hạn chế trong tham mưu, quy hoạch...
“Bài toán” nan giải
Giáo viên được xem là một trong những nhân tố cơ bản quyết định đến chất lượng giáo dục. Tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và người chịu thiệt thòi không ai khác chính là học sinh. Được bố trí đủ số lượng giáo viên là nguyện vọng của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày là tiêu chí bắt buộc ở các trường chuẩn quốc gia. Theo Chiến lược phát triển giáo dục 2012 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có mục tiêu “đến năm 2020, 90% trường tiểu học và 50% trường THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày”. Tuy nhiên, muốn tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì đội ngũ giáo viên phải đủ với định biên 1,5 giáo viên/lớp. Trong khi đó, những năm qua, nhiều địa phương không được giao chỉ tiêu biên chế giáo viên hoặc được giao song vẫn đang thiếu nên nhiều trường chỉ bố trí được 1,2 giáo viên/lớp (định mức áp dụng cho trường dạy 1 buổi/ngày). Điều này dẫn tới áp lực cho lãnh đạo các nhà trường khi phương án thực thi, nhất là “tự cân đối” nhân lực như: Đào tạo giáo viên “đa năng”, kiêm nhiệm nhiều việc như dạy thêm môn phụ, đảm nhiệm vai trò làm giám thị…
Chủ trương điều động, biệt phái giáo viên, giải pháp tình thế đã được nhiều địa phương thực hiện trong việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ, đảm bảo cân bằng tỉ lệ giáo viên và điều kiện công tác giữa các trường trong vùng. Vài năm trở lại đây, các huyện như Nghi Lộc, Diễn Châu, Nam Đàn… đã thực hiện điều động giáo viên, biệt phái từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn và hỗ trợ cho các vùng khó; từ THCS xuống dạy ở bậc tiểu học. Năm 2019 - 2020, huyện Nghi Lộc dự kiến biệt phái 82 giáo viên với nhiều đối tượng khác nhau. Trong số này, giáo viên THCS là đối tượng biệt phái nhiều nhất với 59 giáo viên.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, giải pháp hàng năm các huyện tổ chức biệt phái, điều động giáo viên sẽ gây nên tình trạng giáo viên luôn cảm thấy bất an, không gắn bó. Bên cạnh đó, điều này cũng gây xáo trộn cho các nhà trường trong việc bố trí công việc và nhiệm vụ năm học.
Ở bậc học mầm non, để khắc phục tình trạng trên, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập giai đoạn 2018 - 2025, để giảm áp lực tăng quy mô công lập trong bối cảnh không tăng được biên chế giáo viên. Đồng thời, đề xuất ổn định, giữ không tăng quy mô nhóm lớp trong 2 năm gần đây để không gây quá tải do thiếu giáo viên, giảm dần quy mô nhóm lớp ở vùng có khả năng phát triển ngoài công lập, từ đó tăng dần tỉ lệ giáo viên/lớp. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Nghệ An sẽ chuyển 20% trường mầm non công lập thành đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Theo đó, sẽ tăng được hơn 2.000 giáo viên hưởng lương từ nguồn thu ngoài ngân sách, tăng tỉ lệ giáo viên mầm non mà không tạo áp lực biên chế.
Điều động, biệt phái giáo viên… đó cũng chỉ là những giải pháp tạm thời của các địa phương cũng như ngành Giáo dục nói chung. Thiết nghĩ, nhằm đảm bảo yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dạy và học ở các trường hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Giáo dục, các ban, ngành liên quan cần sớm đưa ra các giải pháp hợp lý để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở bậc học mầm non và tiểu học.
.