Thứ Ba, 20/08/2019, 08:26 [GMT+7]

Khó khăn trong xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo di tích

(Congannghean.vn)-Xã hội hóa công để bảo vệ, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử không chỉ góp phần bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa mà còn là cơ hội để các địa phương phát triển các sản phẩm phục vụ ngành du lịch.
 
Nghệ An là tỉnh có hệ thống di tích danh thắng dày đặc. Qua thống kê, hiện nay Nghệ An có 2.602 di tích - danh thắng với 439 di tích đã được xếp hạng, với 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 239 di tích cấp tỉnh bao gồm các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học và danh lam thắng cảnh. Những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo di tích đã được tiến hành thường xuyên, liên tục. Bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, phần còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa và sự đóng góp công đức của nhân dân. Nhìn chung, công tác tu bổ, tôn tạo di tích trong thời gian qua đã từng bước đi vào nề nếp, bảo đảm nguyên tắc, quy trình, chất lượng thi công tu bổ cơ bản đạt yêu cầu về mặt khoa học và đang phát huy ngày càng tốt giá trị của di tích. 
Sau nhiều năm xây dựng với hàng chục tỉ đồng tiền công đức, tài trợ,                                              nhiều hạng mục tại chùa Cổ Am (huyện Diễn Châu) đã được phục dựng
Sau nhiều năm xây dựng với hàng chục tỉ đồng tiền công đức, tài trợ, nhiều hạng mục tại chùa Cổ Am (huyện Diễn Châu) đã được phục dựng
Theo số liệu của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, ngoài ngân sách Nhà nước, trong giai đoạn 2010 đến tháng 6/2017, toàn tỉnh huy động được 1.386 tỉ 860 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa cho việc tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều di tích được phục hồi từ 100% nguồn vốn xã hội hóa, đóng góp công đức của con cháu, các cá nhân, tập thể như đền Cửa Lũy (huyện Anh Sơn), đền Chùa Gám, đền thờ Phan Tất Thông (huyện Yên Thành), nhà thờ họ Nguyễn Bá, đền Quả Sơn (huyện Đô Lương)… Nhiều di tích được tôn tạo từ nguồn xã hội hóa lên đến hàng tỉ đồng như chùa Cổ Am (Diễn Châu) huy động hơn 70 tỉ đồng, đền Chùa Gám (huyện Yên Thành) huy động 98 tỉ đồng; đền Diên Cờ, đền Thượng Diên (Nghi Lộc) huy động gần 65 tỉ đồng…
 
Có thể thấy việc xã hội hóa tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử được xem là giải pháp then chốt trong huy động nguồn lực để trùng tu, tu bổ các di tích. Tuy nhiên, việc xã hội hóa chủ yếu đối với những di tích có yếu tố văn hóa tâm linh như đền, chùa. Bởi các di tích này hàng năm có rất đông du khách thập phương đến tham quan nên nguồn công đức ủng hộ lớn; nhiều di tích dòng họ, con cháu đỗ đạt, thành danh nên ủng hộ xây dựng nhiều. Trong khi đó, các di tích ít có yếu tố tâm linh hay di tích cách mạng thì việc xã hội hóa sẽ khó khăn hơn. Và thực tế ở các di tích này, việc phát huy giá trị di tích và huy động xã hội hóa trong bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích chưa đạt nhiều kết quả. 
 
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, nguồn lực về tài chính đầu tư cho chương trình chống xuống cấp di tích còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế ở địa phương. Việc lập dự án gặp rất nhiều khó khăn vì ở Nghệ An không có tư vấn am hiểu, chuyên sâu về lịch sử, văn hóa, kiến thức bảo tồn -  bảo tàng nên thời gian kéo dài, có trường hợp còn chưa đảm bảo đúng thủ tục, quy trình; chất lượng quản lý và tu bổ, tôn tạo di tích đôi khi không đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, làm cho di tích gốc bị biến dạng. Quá trình thực hiện một vài dự án còn có những vi phạm như: Làm thay đổi yếu tố gốc của di tích, xây dựng công trình mới lấn át di tích... Việc giám sát các dự án còn khá lỏng lẻo, chưa có sự giám sát thực tế của cộng đồng, chuyên gia am hiểu về nghiệp vụ nên một số dự án hiệu quả chưa được như mong muốn. 
 
Cần khẳng định một điều rằng, xã hội hóa là chủ trương, mục tiêu của nhiều lĩnh vực. Mọi di sản văn hóa có được đến ngày nay cũng là nhờ dân, do dân mà có, vì thế để các di sản này tiếp tục “sống” thì công tác xã hội hóa vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hiện tượng tu bổ theo phương thức xã hội hóa làm biến dạng di tích cũng đã được phát hiện và đưa ra bàn thảo từ nhiều năm nay. Để hạn chế việc này, Luật Di sản ra đời và được sửa đổi 2 lần, cùng với đó là nhiều nghị định, thông tư được ban hành để hướng dẫn cụ thể, chi tiết các bước tu bổ, tôn tạo di tích. Nếu các nguồn vốn xã hội dành cho tu bổ, tôn tạo di tích thực hiện đúng theo các quy định này thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa hiện tượng biến dạng di tích.
 
Thiết nghĩ, để huy động tối đa nguồn xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các di tích, các sở, ban, ngành có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhận thức cho nhân dân nắm được Luật Di sản văn hóa và các kiến thức, quy định chuyên ngành, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhất là hướng dẫn, giám sát và quản lý việc trùng tu, tôn tạo các di tích. Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình giáo dục về bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ để họ nâng cao ý thức, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
.

Phan Tuyết

.