Thứ Tư, 21/08/2019, 10:21 [GMT+7]
Tuyển sinh vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An

Vẫn còn nhiều khó khăn

(Congannghean.vn)-Trong vài năm trở lại đây, việc các trường sư phạm địa phương, trong đó có Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Nghệ An gặp khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào, thậm chí có nhiều ngành không thể tuyển sinh do không có thí sinh đăng ký xét tuyển.

Vài năm trở lại đây, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển sinh
Vài năm trở lại đây, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển sinh

Nhiều ngành không tuyển được sinh viên

Hiện cả nước có 92 cơ sở đào tạo sư phạm, trong đó có 9 trường đại học (ĐH) sư phạm, 30 khoa Sư phạm trực thuộc các trường ĐH đa ngành, 33 trường CĐSP, 2 trường trung cấp, 17 khoa thuộc trường CĐSP. Hàng năm, đào tạo từ 22.500 - 23.000 sinh viên ĐH sư phạm chính quy và từ 24.500 - 26.000 sinh viên CĐSP chính quy. Hệ thống các trường CĐSP trong nhiều năm qua đã đóng góp vai trò quan trọng cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các cấp từ Mầm non đến THCS, góp phần cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Thế nhưng, thực tế vài năm trở lại đây, các trường CĐSP đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn tuyển sinh. Tại Nghệ An, Trường CĐSP Nghệ An - 1 trong 33 trường CĐSP còn tồn tại được đến nay (trong khi các trường khác hoặc đã giải thể, hoặc đã trở thành trường CĐ đa ngành), cũng nằm trong tình trạng tương tự. Trao đổi với phóng viên, TS.Trần Anh Tư, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù nhà trường đã “cố gắng hết sức” như: Đổi mới nội dung chương trình dạy và học; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị…, song, trong vài năm trở lại đây, trường gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh đầu vào. Đặc biệt, có những ngành đào tạo (Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Toán, Sinh học, Âm nhạc, Giáo dục Thể chất, Công nghệ Thông tin…) do vài năm liên tiếp không tuyển sinh được nên năm nay, nhà trường không còn tuyển thí sinh cho các ngành này.

Năm 2018, Trường CĐSP Nghệ An thông báo tuyển 160 chỉ tiêu 6 mã ngành hệ CĐ. Trong đó, các ngành sư phạm Toán, Ngữ văn, Sinh học mỗi ngành 10 chỉ tiêu, nhưng cả 3 ngành này không tuyển được sinh viên nào. Trước đó, năm 2017, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quy định điểm sàn với khối ngành sư phạm, các ngành trên chỉ tuyển được vài thí sinh, thậm chí có ngành dù chỉ tiêu có 10 - 15 sinh viên nhưng vẫn không có thí sinh nào nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

“Vì vậy, năm nay nhà trường chỉ tuyển sinh trình độ CĐ 3 ngành tổng 300 chỉ tiêu, trong đó 200 chỉ tiêu xét tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia: Giáo dục mầm non (220 chỉ tiêu); Sư phạm Tiếng Anh (20 chỉ tiêu); Giáo dục Tiểu học (60 chỉ tiêu). Riêng Trung cấp Mầm non tuyển 30 chỉ tiêu. Tính đến thời điểm hiện tại (sáng 19/8), các ngành mới chỉ có khoảng 50% thí sinh xác nhận có nhập học”, ông Trần Anh Tư cho hay.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Tư cho rằng, nếu như các địa phương khác chỉ có 1 trường đào tạo sư phạm thì ở Nghệ An, ngoài Trường CĐSP thì còn có Trường Đại học Vinh cũng đào tạo nhiều ngành sư phạm. Thứ nữa, từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định điểm sàn đối với ngành sư phạm 18 điểm (ĐH) và 16 điểm (CĐ), trong khi các ngành đào tạo khác điểm chuẩn thấp hơn, thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Bên cạnh đó, thực tế trong ngành sư phạm, đơn cử như Trường ĐH Vinh, hầu hết các ngành sư phạm đều lấy điểm chuẩn ở mức 18 điểm. Như vậy, các thí sinh có nguyện vọng vào ngành sư phạm và đạt điểm sàn theo quy định của Bộ đều chọn trường ĐH để theo học.

“Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng chính sách điểm sàn, đầu vào cao hơn so với những năm trước thì sẽ đào tạo được những sinh viên giỏi. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, chứ không phải gốc rễ của vấn đề”, ông Tư chia sẻ.

Ngoài ra, Nghị quyết 29 -NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo có yêu cầu từ năm 2020, giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ ĐH (trước đó tiểu học là trình độ đào tạo trung cấp; THCS là trình độ đào tạo cao đẳng) nên dẫn đến tình trạng, sinh viên học trường CĐSP ở tỉnh rất khó tìm việc làm. Tình trạng dư thừa nguồn nhân lực đã qua đào tạo, nhất là đối với ngành Giáo dục trên địa bàn tỉnh dẫn đến nguồn tuyển thu hẹp; xu hướng học nghề sau khi tốt nghiệp THPT gia tăng… cũng là những nguyên nhân khiến các trường, nhất là trường CĐSP gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.

“Cần có những giải pháp mang tính chiến lược dài hơi”

Đó là chia sẻ của ông Trần Anh Tư, Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Nghệ An về giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong tuyển sinh đầu vào của nhà trường. Theo ông Tư, thiết nghĩ ngành Giáo dục và Đào tạo cần phải có một sự tính toán khoa học và một định hướng có tầm nhìn xa về nhu cầu nhân lực, cần có những giải pháp mang tính chiến lược dài hơi.

Trước bối cảnh ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới, thì đội ngũ giáo viên phải bồi dưỡng để họ có đủ năng lực dạy học theo chương trình mới. TS.Trần Anh Tư bày tỏ mong muốn Trường CĐSP Nghệ An được liên kết đào tạo, đảm nhận nhiệm vụ bồi dưỡng cho các giáo viên. Bởi, ngoài đào tạo giáo viên, các trường sư phạm còn có nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên. Ngoài ra, Trường CĐSP Nghệ An cũng mong muốn được mở thêm một số ngành đào tạo; liên kết với các trường để nâng chuẩn bằng cấp cho các giáo viên (để đáp ứng chuẩn bằng cấp)… để tạo điều kiện việc làm cho các giáo viên trong trường.

.

Thu Thủy

.