Văn hóa - Giáo dục

Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn trường học

09:57, 04/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Năm học 2018 - 2019, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn ở các trường học luôn được các bậc phụ huynh và toàn xã hội quan tâm, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, giúp các em phát triển cả về thể chất và trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học bán trú nhằm đảm bảo cho học sinh có sức khỏe tốt, phát triển đầy đủ cả về trí lực và thể lực
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học bán trú nhằm đảm bảo cho học sinh có sức khỏe tốt, phát triển đầy đủ cả về trí lực và thể lực

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào đối với học sinh bán trú. Việc sử dụng nguồn thực phẩm tại các trường học có tổ chức bữa ăn bán trú nếu không đảm bảo ATVSTP rất dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, gây lo lắng, hoang mang cho các bậc phụ huynh. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục có công văn chỉ đạo các trường học tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng công tác bán trú trong nhà trường. Hằng năm, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế tổ chức nhiều đợt kiểm tra chất lượng, ATVSTP tại bếp ăn bán trú ở các trường học trên địa bàn.

TP Vinh là nơi tập trung nhiều trường học, đặc biệt là hệ thống các trường mầm non công lập và tư thục. Để tăng cường chất lượng giáo dục trong các nhà trường, bên cạnh việc quan tâm đến công tác đầu tư cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hoá, hiện đại, ngành Giáo dục TP Vinh cũng rất chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống nhà bếp, nhà ăn thoáng mát, hợp vệ sinh để đảm bảo phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ cho các em.

Ngay từ đầu năm học, các trường học có tổ chức bữa ăn bán trú trên địa bàn đã chủ động, tích cực triển khai các kế hoạch, biện pháp cụ thể, từ khâu chọn mua các loại thực phẩm tươi xanh cho đến khâu chế biến, nấu ăn và bảo quản thức ăn, đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe của học sinh. Hầu hết các bếp ăn của các nhà trường trên địa bàn thành phố đã được xây dựng theo quy trình “1 chiều”; nhà bếp được trang bị đầy đủ tủ lạnh, tủ lưu mẫu thực phẩm sống và chín riêng biệt... Trường thực hiện lưu mẫu thức ăn hằng ngày đúng theo quy định và có hợp đồng nhập thực phẩm, cam kết trách nhiệm với các cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín trên địa bàn…

Thời gian qua, ngành Giáo dục thành phố luôn chú trọng tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất tại các trường học có tổ chức ăn bán trú; qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm để đảm bảo an toàn cho học sinh. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATVSTP; tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức cho lãnh đạo nhà trường, nhất là đội ngũ nhân viên dinh dưỡng tại các trường học nhằm nâng cao ý thức về vấn đề ATVSTP.

Thực hiện chỉ đạo của Chi cục ATVSTP và Sở GD&ĐT về việc tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATVSTP tại các bếp ăn trường học, ngày 14/9 vừa qua, Đoàn kiểm tra ATVSTP huyện Yên Thành đã tiến hành đợt kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí đảm bảo ATVSTP tại bếp ăn trường học trên địa bàn. Sau khi kiểm tra bếp ăn tập thể của Trường Mầm non xã Mỹ Thành và Trường Mầm non xã Công Thành, kết quả cho thấy, bếp ăn của 2 trường đã đáp ứng đầy đủ điều kiện về nhân sự, công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm; thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn... Tuy nhiên, vẫn còn có một số hạn chế như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị; khuôn viên nhà bếp còn chật, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm chưa chặt chẽ.

Tuy công tác đảm bảo ATVSTP tại các bếp ăn ở trường học luôn được các cấp, ngành liên quan quan tâm, chú trọng. Song, với đặc thù địa bàn rộng, nhất là các trường học ở các huyện miền núi đang còn gặp khó khăn khi thực hiện các tiêu chí đảm bảo ATVSTP như: Dụng cụ đựng thực phẩm, hợp đồng cung cấp nguyên liệu, tủ lưu mẫu, sổ ghi chép thực phẩm theo đúng quy định, nguồn nước đảm bảo yêu cầu, hệ thống xử lý chất thải…

Thiết nghĩ, để công tác đảm bảo ATVSTP được hiệu quả, giúp các em phát triển một cách toàn diện, bên cạnh sự phối hợp, giám sát chặt chẽ giữa ngành Giáo dục và ngành Y tế trong việc kiểm soát ATVSTP, rất cần sự chung tay của các nhà trường và các bậc phụ huynh về mức đóng góp, xây dựng chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi phát triển của các em… Ngoài ra, các trường học cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất ATVSTP tại bếp ăn, từ đó kịp thời nhắc nhở, có biện pháp xử lý nghiêm khắc (nếu có) đối với các hành vi vi phạm.

Thu Thủy

Các tin khác