Văn hóa - Giáo dục

Khắc phục tình trạng sử dụng sách giáo khoa 1 lần, gây lãng phí

09:32, 01/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sách giáo khoa (SGK) đầu năm học 2018 - 2019 chỉ dùng được 1 lần là vấn đề đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội. Rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng, trong khi SGK đang còn thiếu thì sự thay đổi để chỉ dùng 1 lần rồi bỏ gây lãng phí…

Sách giáo khoa chỉ sử dụng 1 lần được cho là gây lãng phí lớn
Sách giáo khoa chỉ sử dụng 1 lần được cho là gây lãng phí lớn

Theo báo cáo năm 2017 của Nhà xuất bản (NXB) Việt Nam gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sản lượng sản xuất SGK năm 2018 dự kiến là 104 triệu bản, với tổng doanh thu dự kiến là 1.173 tỉ đồng; năm 2017 là 107,8 triệu bản, với doanh thu là 1.203 tỉ đồng; còn năm 2016 là 108,8 triệu bản, với doanh thu 1.147 tỉ đồng. Cũng theo bảng giá niêm yết SGK năm học 2018 - 2019, mỗi lớp ở cấp tiểu học đều có 6 cuốn SGK, giá từ 45.300 - 78.300 đồng. Bộ SGK ở cấp THCS cùng môn Tiếng Anh của lớp 6 và lớp 7 là 12 cuốn, lớp 8 và lớp 9 là 13 cuốn, giá từ 97.700 - 144.500 đồng. Bộ SGK ở cấp THPT theo chương trình chuẩn và môn Tiếng Anh có giá từ 141.400 - 153.500 đồng với 14 cuốn.

Đối với SGK Toán lớp 1, SGK Tiếng Việt lớp 1, sách bài tập Tiếng Việt lớp 1, SGK, sách bài tập... hình thức không khác nhau là mấy. Tuy nhiên, hiện nay, những cuốn SGK lại có thêm phần câu hỏi, bài tập dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm, yêu cầu học sinh phải ghi chép hoặc điền vào đó. Như vậy, học sinh chỉ học sách 1 lần rồi cất hoặc bỏ đi.

Đó mới chỉ là 1 bộ SGK lớp 1, còn những bộ SGK ở những lớp kế tiếp giá 1 bộ cao hơn thì sự lãng phí sẽ như thế nào? Theo tính toán, mỗi năm, các bậc phụ huynh phải chi ra khoảng hơn 1.000 tỉ đồng để mua SGK cho con em mình. Số sách này hoàn toàn không được dùng lại và năm sau tiếp tục chi khoảng hơn 1.000 tỉ đồng để mua SGK. Đây là 1 con số lớn tương đương sự lãng phí lớn trong điều kiện kinh tế đất nước còn nghèo. Thực tế, đối với những gia đình có điều kiện thì không đáng bận tâm, nhưng với những hộ gia đình đông con, thu nhập thấp, nhất là các gia đình ở nông thôn hay miền núi, vùng sâu, vùng xa thì lại là cả 1 gánh nặng.

Trước việc dư luận xã hội phản ánh tình trạng một số SGK phổ thông chỉ dùng được 1 lần, gây lãng phí, mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có thông tin chính thức. Theo Thứ trưởng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước. Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp các em làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước phát triển. Do đó, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, do đặc thù của môn học, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), đối với một số SGK, nhất là SGK Toán 1, Tiếng Anh (do đặc trưng của các môn học này), các tác giả có đưa vào các dạng bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với “câu lệnh” ngắn gọn, dễ hiểu và rõ ràng như: Điền/viết vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn đúng/sai, nối, khoanh, vẽ, đánh dấu, tô màu… Thứ trưởng cho rằng, tuy không yêu cầu học sinh làm bài hay viết trực tiếp vào SGK mà cần làm vào vở viết hoặc vở bài tập, nhưng nếu giáo viên không hướng dẫn ngay từ đầu năm học và nhắc nhở thường xuyên thì các em sẽ có thói quen viết trực tiếp vào SGK, gây lãng phí như dư luận phản ánh. Về quan điểm chỉ đạo, Thứ trưởng Độ cho biết, Bộ GD&ĐT xác định, SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội.

Để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng 1 lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn học sinh không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài. Giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn học sinh làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam kiểm tra, rà soát đánh giá cụ thể việc in ấn và phát hành SGK để có đề xuất chỉnh sửa cụ thể thiết kế nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK, gây lãng phí. Sắp tới, khi tổ chức biên soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT sẽ quán triệt với các NXB tham gia biên soạn SGK và các Hội đồng thẩm định quốc gia về vấn đề này để khắc phục tình trạng học sinh viết vào SGK, tránh lãng phí như hiện nay.

Phan Tuyết (tổng hợp)

Các tin khác