Văn hóa - Giáo dục
Tiếp tục triển khai Chương trình Sữa học đường tại Nghệ An giai đoạn 2018 - 2020
(Congannghean.vn)-Bổ sung dinh dưỡng và các vi chất cần thiết, góp phần phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học, cải thiện tầm vóc thế hệ tương lai của thanh, thiếu niên tỉnh Nghệ An… Đó là những mục tiêu mà Chương trình Sữa học đường hướng tới cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2020.
Chương trình Sữa học đường là chương trình nhân văn nhằm tạo ra một thế hệ trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 phê duyệt Chương trình Sữa học đường, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Mục tiêu đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa; đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học, đạt 90 - 95% vào năm 2020; đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ độ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Tại Nghệ An, năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên triển khai Chương trình Sữa học đường. Đến năm 2016 - 2017, chương trình tiếp tục thí điểm mở rộng tại 21/21 huyện, thành, thị, với 311.733 học sinh tại các trường mầm non và tiểu học tham gia (đạt tỉ lệ 69%). Được biết, Nghệ An cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai chương trình trên diện rộng (toàn tỉnh, ở cả 2 cấp học mẫu giáo, tiểu học). Trên cơ sở những kết quả đạt được, UBND tỉnh tiếp tục triển khai Đề án Chương trình Sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2020.
Chương trình miễn phí 100% chi phí sản phẩm sữa đối với học sinh mầm non và tiểu học thuộc diện hộ nghèo, con thương binh liệt sỹ, trẻ tàn tật, trẻ mồ côi tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Đối tượng cận nghèo được hỗ trợ 50%; đối tượng còn lại đóng góp 70% chi phí sử dụng sản phẩm sữa. Theo đó, mỗi học sinh mầm non và tiểu học được uống sữa 5 lần/tuần, mỗi lần 180 ml, vào giờ nhất định (ngay sau giờ ra chơi giữa buổi học)…
Tập đoàn TH tiếp tục được UBND tỉnh Nghệ An lựa chọn là nhà tài trợ triển khai Đề án. Bởi, đây là doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính, đủ năng lực vận hành và năng lực sản xuất cung ứng sữa cho chương trình; có sản phẩm sữa tươi học đường TH school MILK phù hợp với tiêu chuẩn sữa tươi học đường do Bộ Y tế ban hành (theo Quyết định 5450/QĐ-BYT), bổ sung các vi chất dinh dưỡng phù hợp với sự hấp thu của trẻ, giúp cải thiện dinh dưỡng ở trẻ em. Sản phẩm trước khi được đưa ra áp dụng rộng rãi trên toàn quốc đã được kiểm nghiệm lâm sàng trên 3.600 học sinh ở Nghệ An. Kết quả kiểm nghiệm lâm sàng cho thấy, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm khoảng 3%, suy dinh dưỡng thấp còi giảm khoảng 1,5%, tình trạng thiếu hụt một số vi chất cải thiện rõ rệt.
Trước những thắc mắc, băn khoăn về Chương trình Sữa học đường như nguồn gốc, chất lượng, giá cả… của các bậc phụ huynh, trong Đề án nêu rõ: Chương trình Sữa học đường là chương trình hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc nên phụ huynh học sinh có thể đăng ký khi có nhu cầu. Sữa học đường là loại sữa chuyên biệt, không bán trên thị trường và hoàn toàn khác với dòng sữa tươi hiện đang bán trên thị trường. Dòng sữa học đường được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất cần thiết như: Sắt, canxi, vitamin A, vitamin D… đảm bảo việc phát triển chiều cao và trí tuệ của các em học sinh ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. Sữa cung ứng cho chương trình đảm bảo tiêu chuẩn sữa học đường theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chương trình Sữa học đường là chương trình nhân văn nhằm tạo ra một thế hệ trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề dinh dưỡng đối với trẻ em, nhất là những trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không thể đủ chi phí cho trẻ em uống sữa học đường. Trong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục tăng cường đến với các huyện miền núi, mang cơ hội thụ hưởng dinh dưỡng học đường cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực tế tại Nghệ An, năm học 2016 - 2017, có tới hơn 57.000 học sinh mẫu giáo, tiểu học thuộc diện hộ nghèo được uống sữa miễn phí tại trường.
Thiết nghĩ, để chương trình nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của cả cộng đồng, tạo sự yên tâm cho các bậc phụ huynh, ngành Giáo dục và ngành Y tế cần nghiêm ngặt hơn trong khâu thẩm định, giám sát và kiểm tra. Ngoài ra, khâu vận chuyển và lưu trữ sữa cần được chú trọng hơn, vì đây là các yếu tố có thể tạo ra những biến đổi chất lượng sữa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Thu Thủy