Văn hóa - Giáo dục

Phá thế độc quyền, tạo cạnh tranh lành mạnh về SGK

14:52, 30/09/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong tháng 8, việc thiếu SGK, khan hiếm SGK trước thềm năm học mới đã khiến phụ huynh lo lắng và dư luận xã hội hoài nghi về việc độc quyền, có lợi ích nhóm trong việc biên soạn, phát hành SGK.
 
Mới đây vấn đề sử dụng lãng phí SGK và câu chuyện SGK dùng một lần lại tiếp tục làm “nóng” dư luận khi cả ngàn tỷ đồng chi cho SGK sau một năm  trở thành giấy vụn. Vì sao lại có sự độc quyền, lãng phí này?
 
Tình trạng này sẽ được khắc phục như thế nào khi sắp tới đây chủ trương “Một chương trình, nhiều SGK” sẽ được triển khai. Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi của PV Báo CAND với TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT xung quanh vấn đề này.
TS Lê Viết Khuyến.
TS Lê Viết Khuyến.
PV: Những ngày qua, dư luận tỏ ra bất bình khi hàng nghìn tỷ đồng biến thành giấy vụn sau mỗi năm học. Lý do là SGK hiện nay không thể dùng lại vì trong mỗi cuốn sách đều kèm theo bài tập. Tại các quốc gia khác, họ biên soạn và sử dụng SGK như thế nào, thưa ông?
 
TS Lê Viết Khuyến: Việc biên soạn SGK trên thế giới hiện nay phụ thuộc vào nền kinh tế, văn hóa của từng quốc gia. Nền kinh tế giàu, thu nhập của người dân cao thì SGK cũng phải thỏa mãn tối đa những nhu cầu của người học và xã hội. 
 
Với các nước còn nghèo, thu nhập của người dân còn thấp thì đòi hỏi về việc biên soạn, sử dụng SGK cũng khác. Chúng ta chưa giàu nếu không muốn nói vẫn là quốc gia nghèo nên việc tham khảo kinh nghiệm của các nước giàu để áp dụng nguyên xi vào Việt Nam là không phù hợp.
 
PV: Theo ông SGK có nên chỉnh lý thường xuyên hay không. Khoảng bao năm thì chỉnh lý một lần là phù hợp?
 
TS Lê Viết Khuyến: Việc chỉnh lý trên thực tế tùy thuộc vào từng cấp học. Đối với bậc học cao như đại học, cao đẳng, đòi hỏi luôn cập nhật thành tựu mới của khoa học, công nghệ nên phải thường xuyên thay đổi, chỉnh lý nội dung. 
 
Việc thay đổi, chỉnh lý cũng tùy thuộc vào các môn học. Trong đó, các môn khoa học tự nhiên thường ít thay đổi hơn so với các môn khoa học xã hội - nhân văn, đặc biệt là địa lý, lịch sử. Việc cập nhật nội dung thay đổi là cần thiết nhưng cập nhật như thế nào là câu chuyện cần bàn. 
 
Chẳng hạn, việc bỏ đi hoàn toàn, thay sách cũ bằng sách mới khác cũng là một cách cập nhật nhưng với điều kiện của một quốc gia còn nghèo như chúng ta hiện nay, cách làm này không phù hợp. Chúng ta hoàn toàn có thể chỉnh lý bằng cách thay một bài hoặc 1 đoạn bằng cách đính kèm. 
 
Thời chúng tôi đi học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các NXB chỉnh lý, bổ sung bằng một tờ hoặc 1 đoạn đính chính kèm vào sách cũ. Do đó, SGK cũ vẫn được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 
PV: Chúng ta đang bàn về sự lãng phí trong sử dụng SGK. Khi thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi, với việc có nhiều bộ SGK, liệu có thêm sự lãng phí hay không thưa ông?
 
TS Lê Viết Khuyến: Tôi thì lại có quan điểm khác. Một chương trình, 1 bộ SGK như hiện nay đang cho thấy nhiều bất cập. Thứ nhất, tính bao cấp của Nhà nước với 1 bộ SGK và 1 NXB, NXB này trực thuộc Bộ GD&ĐT, điều này dẫn tới tư duy bao cấp. 
 
Hạn chế thứ hai là độc quyền, chỉ có một bộ SGK giao 1 NXB thì sẽ không có cạnh tranh. Họ đặt mẫu mã, giá như thế nào cũng sẽ không có gì để so sánh. Họ lý giải như thế nào chúng ta cũng không có gì để đối sánh nên lợi ích nhóm dễ có cơ hội bám rễ. 
 
Do đó, phải phá thế độc quyền để các NXB có thể cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh. Và điều này đã được “sửa” bằng Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội với chủ trương xã hội hóa biên soạn và phát hành SGK, trong đó quy định rõ sẽ có “một chương trình, nhiều SGK” để các trường lựa chọn.
 
PV: Theo ông, độc quyền biên soạn, xuất bản và phát hành SGK như hiện nay sẽ mang đến những hệ lụy gì?
 
TS Lê Viết Khuyến: SGK hiện tại do Nhà nước nắm quyền, quản lý và ban hành, được biên soạn theo tiếp cận truyền thống với quan điểm giáo dục là quá trình truyền thụ kiến thức từ người dạy tới người học. Cơ chế làm SGK bắt đầu từ việc Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập ban soạn thảo chương trình và viết SGK. 
 
Sau thẩm định, các bản thảo SGK được chuyển giao cho NXB Giáo dục Việt Nam in và phát hành. Có ý kiến cho rằng SGK được bao cấp sẽ tạo được sự thống nhất cho cả nước, phụ huynh không tốn kém do không phải mua nhiều loại sách. Tuy nhiên, độc quyền SGK dẫn đến việc những cá nhân, tổ chức "bắt mối" để hưởng lợi. 
 
Với cơ chế này, mọi cải cách, thay đổi của SGK sẽ bị gạt đi và việc tiếp nhận xu thế thế giới cũng giảm rõ rệt. Độc quyền SGK khiến NXB duy nhất sẽ thao túng thị trường sách. Một khi không có cạnh tranh, SGK khó phát triển.    
 
PV: Nguyên nhân nào khiến cho một cơ chế được dư luận xã hội cho là độc quyền, có bóng dáng của lợi ích nhóm vẫn có thể tồn tại, kéo dài tới 16 năm thưa ông?
 
TS Lê Viết Khuyến: Trước thời điểm có Luật Giáo dục năm 1988, nước ta chấp nhận nhiều chương trình và SGK, trong đó có sách Công nghệ Giáo dục của nhóm GS Hồ Ngọc Đại. 
 
Nhưng sau khi có luật này với vòng kim cô “một chương trình, một bộ SGK”, các chương trình khác bị dẹp đi, chỉ có chương trình hiện hành của Bộ GD&ĐT. Đó là nguyên nhân sách của nhóm GS Hồ Ngọc Đại, mặc dù được đánh giá tốt trong 40 năm, được 49 tỉnh, thành lựa chọn với 800.000 học sinh trong cả nước sử dụng, vẫn không được gọi là SGK. Sách này chỉ "núp bóng" dưới hai từ “thí điểm” để không phạm luật khi được sử dụng trong nhà trường. 
 
Do vậy, chúng ta phải sửa Luật Giáo dục theo hướng “một chương trình, nhiều bộ SGK” mới xóa đi sự không bình đẳng giữa các bộ sách cùng có chất lượng.
 
PV: Dư luận cho rằng, cơ chế biên soạn và phát hành SGK như hiện tại đã và đang tạo điều kiện cho các "lợi ích nhóm" ăn chia "miếng bánh thị phần" vốn được xem là béo bở này. Tuy nhiên, mới đây, NXB Giáo dục, đơn vị độc quyền in và phát hành SGK lại cho biết, trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm đơn vị này lỗ khoảng 40 tỷ đồng vì SGK. Ông bình luận gì về câu chuyện này?
 
TS Lê Viết Khuyến: Giá sách SGK hiện nay tương đối rẻ, chỉ trên dưới 10 nghìn đồng một cuốn trong khi đó giá bán SGK nhiều năm nay không thay đổi nên nếu tách riêng khâu in và phát hành ra khỏi chu trình thì việc lỗ có thể là thật chứ không phải là lỗ giả. 
 
Cá nhân tôi cho rằng, việc tách khâu in và phát hành riêng ra khỏi chu trình khép kín từ khâu soạn thảo, biên soạn, triển khai in và phát hành có thể cũng là một “thủ thuật” khiến dư luận dễ bị mắc lừa. 
 
Thực tế cho thấy, nguồn tiền ngân sách Nhà nước, ngân sách tài trợ từ quốc tế thường được “bơm” qua các khâu kia. Chẳng hạn như chương trình VNEN, tiền hỗ trợ từ dự án là không ít nhưng giá bán sách VNEN lại cao hơn nhiều so với SGK thông thường.
 
PV: Để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các bộ SGK khi triển khai “một chương trình, nhiều SGK”, theo ông chúng ta cần phải làm gì?
 
TS Lê Viết Khuyến: Chúng ta cần có một cơ chế khác khi viết SGK mới. Bộ GD&ĐT - đơn vị thẩm định chất lượng SGK - hãy tách khỏi tư cách cơ quan chủ quản của NXB Giáo dục Việt Nam. 
 
NXB Giáo dục Việt Nam, khi tham gia viết sách, cũng nên đứng ra ngoài cơ cấu của Bộ GD&ĐT, giống như bất cứ doanh nghiệp xuất bản nào khác, không được phép sử dụng tiền của ngân sách Nhà nước, chỉ được vay tiền như doanh nghiệp. 
 
Đồng thời, hội đồng thẩm định phải đảm bảo khách quan, đại diện cho cộng đồng xã hội, chứ không chỉ đại diện cho Bộ GD&ĐT. Hội đồng này không nên có quan chức của Bộ GD&ĐT. Sau khi có kết quả thẩm định, Bộ GD&ĐT chỉ ký ban hành văn bản công nhận sách, như vậy mới không tạo sự nghi ngờ về lợi ích nhóm trong dư luận. Tất cả người viết sách phải bình đẳng về tài chính và về cơ hội. 
 
Nếu không, dù có chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”, không cá nhân, đơn vị nào dám viết sách vì đầu tư lớn nhưng chắc gì đã được chấp nhận?
 
PV: Một vấn đề khiến dư luận băn khoăn khi triển khai chủ trương“một chương trình, nhiều SGK” là làm sao đảm bảo được sự thống nhất trong đa dạng và tránh không rơi vào tình trạng rối loạn vì có quá nhiều SGK?
 
TS Lê Viết Khuyến: Để đáp ứng được sự thống nhất trong đa dạng khi triển khai “một chương trình, nhiều SGK”, tôi cho rằng, Nhà nước chỉ nên ban hành chương trình khung, chương trình chuẩn, trong đó quy định kiến thức, kỹ năng cốt lõi, cùng với chuẩn đầu ra của các môn học, chiếm khoảng 70-80% chương trình. Còn 20-30% nội dung còn lại, để các địa phương tự quyết định dựa trên đặc thù của địa phương và của từng trường. 
 
Việc quy định chương trình chuẩn, chương trình lõi này một mặt vừa tránh được tình trạng “loạn” khi triển khai nhiều bộ SGK song cũng vừa khắc phục được hạn chế của chương trình hiện hành. 
 
Đó là sự cào bằng trong chuẩn đầu ra, có lợi cho học sinh thành phố, nơi có điều kiện kinh tế tốt hơn, điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên tốt hơn nhưng lại bất lợi hơn cho học sinh nông thôn, miền núi, nơi có điều kiện kinh tế, cơ hội tiếp cận giáo dục thấp hơn.
 
PV: Theo ông, để đảm bảo chất lượng và sự cạnh tranh bình đẳng khi tiến khai“một chương trình, nhiều SGK”, chu trình thẩm định và giám sát cần được thay đổi như thế nào?Ai là người được chọn sách, nhà trường, giáo viên, Sở GD&ĐT các địa phương hay Bộ GD&ĐT?
 
TS Lê Viết Khuyến: Cần có quy định cụ thể về quy trình và Hội đồng thẩm định và quy trình này phải được công khai cho toàn xã hội. 
 
Trong đó, cơ cấu Hội đồng này cần phải khác với cơ cấu hiện tại, tức là thay vì chỉ có người của Bộ GD&ĐT, các GS, PGS trong các trường đại học còn cần phải bổ sung thêm giáo viên phổ thông dạy trực tiếp bởi họ chính là người thực nghiệm chương trình. 
 
Còn việc chọn SGK, tại một số nước phát triển, việc chọn sách thuộc thẩm quyền của nhà trường, cụ thể hơn là Hội đồng giáo dục nhà trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, việc để các trường lựa chọn tôi e rằng chưa làm ngay được. Do vậy, việc lựa chọn này trước mắt nên để cho Hội đồng chuyên môn các Sở GD&ĐT các tỉnh chọn.
 
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguồn: Huyền Thanh/CAND

Các tin khác