Văn hóa - Giáo dục
Cần nâng cao nhận thức của cả cộng đồng
(Congannghean.vn)-Công tác phân luồng học sinh sau THCS nhằm định hướng cho các em sớm có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với đam mê, năng lực của bản thân và tạo cho các em nhiều cơ hội để lập nghiệp. Vì vậy, công tác phân luồng học sinh sau THCS có ý nghĩa rất quan trọng, được xác định là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc học THPT và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết được bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”.
Buổi học lý thuyết về môn điện của lớp 10C1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An |
Hàng năm, nước ta có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp bậc THCS. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS hiện được định hướng vào 4 luồng chính là: Học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trung cấp nghề (TCN); vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên và trực tiếp đi làm kiếm sống.
Tại Nghệ An, công tác phân luồng luôn được ngành Giáo dục chú trọng, nhất là từ khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch “Phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, tỉ lệ học sinh sau THCS vào học các trung tâm GDTX, TCN là 25%, học nghề ngắn hạn là 5%, tỉ lệ học sinh sau THPT học nghề dài hạn là 46%, học nghề ngắn hạn 2% và XKLĐ 20%. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các trường còn lồng ghép các buổi tư vấn phân luồng, hướng nghiệp cho các em học sinh trong các giờ chào cờ, các buổi học ngoại khóa.
Đặc biệt, trong các lần tổ chức họp phụ huynh từng học kỳ, các nhà trường luôn lồng ghép nội dung phân luồng để tư vấn, lựa chọn định hướng nghề nghiệp cho các bậc phụ huynh để hướng dẫn, định hướng nghề nghiệp cho con em mình trong tương lai theo đúng sở thích, đam mê và năng lực, điều kiện thực tế của bản thân, xã hội. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm qua, mỗi một năm toàn tỉnh có hơn 5.000 học sinh sau THCS không vào THPT. Song, chỉ có khoảng 20% trong số này vào học tại các cơ sở GDTX, dạy nghề. Tỉ lệ này ở các huyện miền núi còn thấp hơn, chỉ khoảng 10%.
Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, nhưng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau THCS còn nhiều bất cập, nhất là “hậu” phân luồng. Trong khi đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động còn nhiều bấp bênh, gây khó khăn cho việc lựa chọn ngành nghề của học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp ở nhiều trường THCS còn thiếu, chưa đáp ứng về chất lượng. Trong khi đó, tâm lý chạy theo bằng cấp trong xã hội còn nặng nề…
Bên cạnh đó, học sinh và phụ huynh cũng chưa tha thiết với phân luồng sau THCS, bởi thực tế, hầu hết các em đều muốn học xong THPT và những em tham gia phân luồng thường là các em học sinh có học lực kém. Điều này dẫn đến sự mặc cảm của các bậc phụ huynh và nhất là các em học sinh.
Cũng cần phải thấy rằng, phân luồng hiện nay không chỉ đơn thuần là học nghề mà các em vừa được học nghề, vừa được học văn hóa. Vì vậy, để công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hơn, cần nâng cao nhận thức của cả cộng đồng. Các em học sinh và phụ huynh phải biết lượng được năng lực học của bản thân, của con em mình và điều kiện kinh tế gia đình để có những định hướng, lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn. Trong cơ chế thị trường, nếu có tay nghề cao, làm việc hết mình thì sẽ luôn được tôn trọng và có chế độ đãi ngộ xứng đáng, chứ không nhất thiết phải có bằng cấp này, bằng cấp kia.
Thu Thủy