Văn hóa - Giáo dục
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THPT
(Congannghean.vn)-Giáo dục kỹ năng sống cho con em trong lứa tuổi thanh, thiếu niên đang là vấn đề được các bậc phụ huynh, nhà trường và cả xã hội quan tâm. Kỹ năng sống cho học sinh hiểu theo cách đơn giản, đó là việc trang bị cho các em những kỹ năng học tập, làm chủ bản thân, thích ứng hòa nhập với cuộc sống… Những kỹ năng “mềm” này càng trở nên quan trọng đối với học sinh THPT, giúp các em ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống sau này.
Trang bị những kiến thức kỹ năng sống giúp học sinh hình thành nhân cách, chủ động xử lý các tình huống trong cuộc sống |
Theo chân cán bộ Tỉnh đoàn, chúng tôi được tham dự 1 buổi tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho gần 1.600 học sinh tại Trường THPT Bắc Yên Thành. Hoạt động có sự phối hợp giữa Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT, Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên tỉnh.
Tại đây, học sinh được Thạc sĩ tâm lý Phan Thanh Hổ, làm việc tại Trung tâm Thanh, thiếu nhi miền Nam chia sẻ về ý nghĩa của 2 phạm trù “giá trị sống” và “hạnh phúc”. Mạnh dạn đặt ra những câu hỏi, những thắc mắc bấy lâu nay, học sinh được chuyên gia tâm lý trao đổi một cách thẳng thắn, giúp các em có định hướng, rèn luyện hành vi, từ đó sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, học sinh được trang bị kỹ năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè, cộng đồng và sống lành mạnh. Dịp này, chương trình đã tổ chức tư vấn cho học sinh xác định được năng lực, khả năng bản thân phù hợp để lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Trước đó, hơn 2.000 học sinh của 2 Trường THPT Thanh Chương I và THPT Nguyễn Cảnh Chân, huyện Thanh Chương đã được chuyên gia tâm lý trang bị những kiến thức theo các chuyên đề như “động lực trong cuộc sống” và “giá trị sống tuổi teen”. Chuyên gia tâm lý đã trò chuyện, trao đổi nhiều thông tin hữu ích về quan điểm, cách nhìn nhận giá trị của cuộc sống. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng “sống ảo” của giới trẻ ngày càng tăng cao khi đăng một số hình ảnh nhạy cảm của người khác nhằm “câu like” để được nhiều người quan tâm mà không biết rằng, hành động tưởng chừng như vô hại lại khiến cho cuộc sống của người khác bị xáo trộn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng… Vì vậy, để cuộc sống ngày càng có giá trị hơn, học sinh cần mở lòng để yêu thương nhiều hơn, cho đi mà không cần nhận lại.
Buổi diễn thuyết của chuyên gia tâm lý Phan Thành Hổ cũng nói về ước mơ, khát vọng, về học tập và sự hiếu thảo, những vấn đề mà học sinh đang bế tắc trong xã hội hiện đại. Thông qua những câu chuyện, dẫn chứng, diễn giả đã giúp các bạn trẻ định hướng được ước mơ, mục tiêu và hoài bão, tạo động lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Được biết, đây là các hoạt động nằm trong chương trình giáo dục kỹ năng sống “Khi tôi 18”. Chương trình do Tỉnh đoàn phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức thường xuyên trong những năm gần đây đã thu hút đông đảo học sinh THPT, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia. Trong chương trình, đoàn viên, thanh niên sẽ được giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật, hỗ trợ, trang bị những kiến thức pháp luật, kỹ năng thực hành xã hội và định hướng nghề nghiệp, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân khi đủ 18 tuổi. Theo các chuyên gia, lứa tuổi này rất nhạy cảm, không làm chủ, kiểm soát được cảm xúc, hành vi của mình, vì vậy nếu không xác định đúng mục tiêu để hiện thực hóa ước mơ thì sẽ rất dễ lầm đường lạc lối. Ví dụ như nhiều thanh niên chỉ vì lợi ích trước mắt mà dễ dàng bị người xấu xúi giục vận chuyển ma túy, hay chỉ vì xích mích trong cuộc sống dẫn đến nhiều vụ ẩu đả đáng tiếc xảy ra…
Có thể nói, cùng với cung cấp kiến thức văn hóa thì giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại các trường THPT là việc làm hết sức cần thiết, giúp các em hoàn thiện nhân cách, tự tin, chủ động, xử lý các tình huống trong cuộc sống. Những kỹ năng đó đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các em - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Phan Tuyết