70 năm đã đi qua, những chỉ dẫn thiết thực, giản dị mà sâu sắc của Người trong Tư cách người Công an cách mệnh vẫn mãi mãi trường tồn, bất diệt, vẹn nguyên giá trị, trở thành “nền tảng tư tưởng” định hướng cho mọi hoạt động của lực lượng CAND.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô, ngày 14-2-1961. |
70 năm qua, lời dạy của Người đã trở thành di sản tinh thần thiêng liêng vô cùng quý giá, trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng CAND; là mục tiêu phấn đấu, phương châm hành động của cán bộ, chiến sỹ Công an qua các thời kỳ; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp cho lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Sáu điều Bác dạy ra đời trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt. Ngày 11-3-1948, trong thư gửi Công an Khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu “Tư cách người Công an cách mệnh” là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép
Đối với công việc, phải tận tụy
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo
Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là chuẩn mực về nhân cách, đạo đức của người chiến sỹ cách mạng, là phương châm và thái độ đối nhân xử thế, mà mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND phải rèn luyện, phấn đấu suốt đời. Sáu điều Bác Hồ dạy với nội dung phong phú, sâu sắc, đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa và nội dung cách mạng và khoa học, lý luận và thực tiễn, phẩm chất và năng lực của người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân. Ở đó chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. một sự quy tụ cả “đức” và “tài”.
Đó là những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng. Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là một chỉnh thể thống nhất, quan hệ mật thiết với nhau không thể coi nhẹ một điều nào; điều trước là tiền đề cho điều sau, điều sau là hệ quả của điều trước. Đó là những yêu cầu thiết yếu về tư cách của người Công an cách mạng như một quy luật tất yếu của tự nhiên.
Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là sự tiếp nối trong tư tưởng của Người về đạo đức người chiến sỹ cách mạng. Tư tưởng đó được phát triển từ “Tư cách một người cách mệnh” trong “Đường cách mệnh” (năm 1927) đến “Tư cách người Công an cách mệnh” (năm 1948).
Tuy trong hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng phương pháp tiếp cận, cách thức kiến trúc, tạo dựng những chuẩn mực về nhân cách người cán bộ cách mệnh vẫn là một thể thống nhất. Đó chính là phương pháp biện chứng nhằm kiến giải và tạo lập các mối quan hệ cơ bản của một con người trong xã hội: đối với mình, đối với người khác và đối với công việc.
Đã 70 năm kể từ ngày Bác có Sáu điều dạy CAND, khắc ghi lời Bác, việc học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy trong lực lượng CAND thực sự đã trở thành phong trào thi đua mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc ngày càng phong phú, hiệu quả cả về nội dung và hình thức trong suốt chặng đường dài truyền thống lịch sử vẻ vang của lực lượng CAND.
Từ phong trào thi đua “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác dạy” đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến về ý chí kiên cường, về lòng trung thành tuyệt đối, về đức hy sinh, tận tụy, trí thông minh, sự sáng tạo với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của cán bộ, chiến sỹ CAND.
Những điển hình đó đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sỹ Công an trong lòng nhân dân, góp phần to lớn xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới
Với trọng trách nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, lực lượng CAND tiếp tục học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy với hình thức mới trên tầm cao mới trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an phát động nhiều đợt thi đua và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tiếp tục học tập và thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy trong tình hình mới. Phong trào CAND học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy luôn được gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc trong CAND cũng như thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Thời gian tới, phong trào CAND học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy cần được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn với hình thức và nội dung mới. Mỗi đơn vị và cán bộ, chiến sỹ Công an cần nhận thức sâu sắc rằng: Sáu điều Bác Hồ dạy CAND đã, đang và mãi mãi là phương châm hành động, là định hướng cơ bản trong công tác xây dựng lực lượng CAND Việt Nam.
Dù bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, môi trường công tác nào, lĩnh vực hoạt động nào, việc học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy luôn luôn là việc làm thường xuyên, trở thành ý thức tự giác đi vào nếp sống của từng cán bộ, chiến sỹ CAND.
Phong trào học tập thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an các cấp, cần tiếp tục được duy trì, nâng cao chất lượng, thường xuyên liên tục, sâu rộng trong toàn lực lượng CAND. Ở mỗi lĩnh vực công tác, trên cơ sở nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy cần xây dựng những nội dung, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc điểm hoàn cảnh, điều kiện riêng của từng đơn vị, địa phương nhằm đạt hiệu quả thiết thực nhất.
Để xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cần coi trọng xây dựng từ cơ sở, từ đơn vị và từng cán bộ chiến sỹ. Lấy giáo dục chính trị, tư tưởng làm nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ chính trị nhất thiết phải được gắn kết với phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên cơ sở chịu sự kiểm tra giám sát của nhân dân.
Đặc biệt trước những yêu cầu của nhiệm vụ mới, với cả những thời cơ và thách thức mới càng đặt ra cho cán bộ, chiến sỹ CAND những trọng trách nặng nề hơn. Vì thế, lực lượng CAND phải thực sự trong sạch, vững mạnh, phải nâng lên tầm cao mới trong phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy.
70 năm đã đi qua, những chỉ dẫn thiết thực, giản dị mà sâu sắc của Người trong Tư cách người Công an cách mệnh vẫn mãi mãi trường tồn, bất diệt, vẹn nguyên giá trị, trở thành “nền tảng tư tưởng” định hướng cho mọi hoạt động của lực lượng CAND.
.