Văn hóa - Giáo dục
Nữ nhà giáo 'giỏi việc trường, đảm việc nhà'
(Congannghean.vn)-Nhớ lại quãng thời gian khó khăn khi chồng mới qua đời, một mình chị phải nuôi dạy 2 con, dường như không có nỗi đau nào mà chị Trần Thị Cầu, giáo viên Trường Mầm non Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An chưa trải qua. Đã có lúc chị tưởng chừng không thể đứng dậy. Nhưng rồi vì các con, chị đã nén nỗi đau, cố gắng làm lụng nuôi các con ăn học.
Với đồng lương ít ỏi của giáo viên mầm non, chị phải chi tiêu tằn tiện để vừa phụng dưỡng mẹ già, vừa chăm lo cho các con. Ngày cậu con trai Hoàng Anh Tài mang tấm Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế “vinh quy bái tổ”, chị vô cùng hạnh phúc.
Chị Cầu chỉ là một trong gần 300 giáo viên tiêu biểu trong phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trong 5 năm qua. Các chị là những tấm gương về người phụ nữ Việt Nam truyền thống, luôn chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh, vừa làm tròn bổn phận của người vợ hiền, dâu thảo trong gia đình, vừa hoàn thành tốt công tác, năng động, sáng tạo trong công việc.
5 năm qua, phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” đã được Công đoàn ngành Giáo dục cụ thể hóa thành nhiều phong trào thi đua sôi nổi, ngày càng có sức lan tỏa, đi vào chiều sâu và được đông đảo nhà giáo, cán bộ, công nhân viên các trường học hưởng ứng tích cực.
5 năm thực hiện phong trào thi đua, trong ngành giáo dục đã xuất hiện nhiều tấm gương nữ nhà giáo “giỏi việc trường, đảm việc nhà” (Trong ảnh: Cô giáo điểm Trường Tiểu học 2 Lục Dạ, huyện Con Cuông dạy lớp xóa mù chữ cho phụ nữ vùng cao) |
Từ phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nữ điển hình trong các lĩnh vực như giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý và xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa. Nhiều chị được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và nhiều danh hiệu cao quý. Đó là những cô giáo cắm bản không ngại khó, ngại khổ vượt quãng đường xa xôi, hẻo lánh, ngày ngày kiên trì gieo chữ cho học sinh nghèo, nhường cơm cho học trò; là những giáo viên vùng sâu, vùng xa vào mỗi mùa khai giảng lại băng đèo lội suối vận động học sinh đến trường...
Quán triệt thực hiện các nội dung phong trào thi đua, các nữ giáo viên và lao động nữ không ngừng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học và phục vụ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã không ngừng rèn luyện, nêu cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa đội ngũ, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp dạy học. Phong trào “Dạy tốt, học tốt” được duy trì và đẩy mạnh, nhiều nữ giáo viên tận tụy, tâm huyết, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục. Có 18 chị được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 20 người được nhận thưởng Quỹ phát triển tài năng giáo dục, 1 chị là Chiến sỹ Thi đua toàn quốc.
Từ năm 2010 - 2015, có hàng nghìn lượt nữ cán bộ, giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm được xếp bậc 3. Nghệ An luôn đứng trong tốp đầu cả nước về học sinh đỗ đại học với số điểm cao và giành nhiều huy chương trong các kỳ thi quốc tế và khu vực. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia từ năm 2010 đến nay, Nghệ An luôn dẫn đầu cả nước với 369 em đạt giải, 13 tấm huy chương các loại. Góp phần vào những thành công đó là sự tìm tòi, nỗ lực bồi dưỡng học sinh giỏi của các cô giáo.
Ngoài giỏi việc trường, các chị còn xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Hàng năm, toàn ngành giáo dục có trên 87% nữ giáo viên đạt danh hiệu “giỏi việc trường, đảm việc nhà”, 95% nữ nhà giáo đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Tổng kết phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2015, Nghệ An có Trường THPT Quỳnh Lưu 4 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, 1 cá nhân được Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen, 84 nữ cán bộ, giáo viên được Công đoàn Giáo dục Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”.
Riêng Công đoàn Sở GD&ĐT Nghệ An đã tặng Giấy khen cho 22 tập thể và 51 cá nhân, cấp giấy chứng nhận “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cho 246 nữ cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức ngành giáo dục. Đây thực sự là phong trào thi đua tạo được sức lan tỏa lớn trong ngành Giáo dục Nghệ An thời gian qua.
Sở dĩ phong trào thi đua này có tác động mạnh mẽ và sức lan tỏa lớn bởi nó gắn với thiên chức cao cả của người phụ nữ, với đặc điểm cao quý của nghề dạy học. Nhờ đó, nhiều cán bộ, nhà giáo đã trở thành nhà giáo mẫu mực, cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn giỏi. Những kết quả đạt được ngày càng khẳng định vai trò to lớn của người phụ nữ trong các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh nhà.
Huyền Thương