Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201511/con-dau-thuong-cho-roi-cho-vot-647506/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201511/con-dau-thuong-cho-roi-cho-vot-647506/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Còn đâu 'Thương cho roi cho vọt'! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 18/11/2015, 15:18 [GMT+7]

Còn đâu 'Thương cho roi cho vọt'!

(Congannghean.vn)-Đó là đầu đề của một bài báo đăng trên báo Tuổi trẻ số ngày 4/11/2015 mà tôi vừa đọc cùng với bài “Cần lắm sự cảm thông, chia sẻ” của tác giả Đăng Thơ và Nguyễn Cao. Tôi xin bổ sung, trích dẫn và trao đổi thêm một số vấn đề về nội dung của hai bài báo. Những ý kiến này có thể chưa hoàn toàn đúng nhưng cũng là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Vì vậy, tôi xin được nêu lên để cùng bàn luận và hy vọng sẽ góp phần cùng các cấp, ngành đưa ra kết luận và tìm hướng xử lý phù hợp.

Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong mọi nghề cao quý từ ngàn đời nay, như ông cha ta đã đúc kết: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Một người mẹ tồi có thể làm hỏng những đứa con, một bác sỹ tồi có thể làm ảnh hưởng tới tính mạng của nhiều người và một giáo viên tồi có khả năng làm hỏng một thế hệ. Vì vậy, những ai khi xác định sẽ gắn bó với nghiệp giáo viên đều mang trong mình sứ mệnh cao cả mà nhân loại đã giao phó và luôn nỗ lực để hoàn thành sứ mệnh đó. Cũng chính vì vậy mà từ ngàn đời nay, các thầy, cô giáo luôn được tôn trọng và vinh danh. Đây cũng là động lực tinh thần to lớn để nhiều thế hệ nhà giáo không ngừng cố gắng trong sự nghiệp trồng người. Nhưng trong thời gian gần đây, truyền thống “tôn sư trọng đạo” đang dần bị mai một.

Thầy cô giáo luôn tâm huyết để giáo dục nên                                                                                     những thế hệ học sinh giỏi về kiến thức, đạo đức trong lối sống - Ảnh minh họa
Thầy cô giáo luôn tâm huyết để giáo dục nên những thế hệ học sinh giỏi về kiến thức, đạo đức trong lối sống - Ảnh minh họa

Có một thực tế là, một số học sinh khi gặp thầy cô giáo đã không chào hỏi, như vậy, đến cả phép lịch sự chào hỏi người lớn còn chưa có thì lấy đâu ra cái gọi là “tôn sư”? Thời chúng tôi còn là học sinh phổ thông, khi gặp thầy, cô giáo cách từ xa đã xuống xe chào hỏi lễ phép với ánh mắt chứa chan tình cảm yêu thương. Tác giả viết: “…Bởi vậy, có người bạn đồng nghiệp đã nói với tôi rằng “bây giờ làm nghề giáo bạc lắm”. Thời đó tôi mới ra trường, lòng còn đầy nhiệt huyết, sức trẻ đang hừng hực với những khát khao và cống hiến.

Trong lòng chỉ ước ao mỗi ngày được đứng trên bục giảng, say sưa truyền đạt kiến thức cho những học sinh thân yêu. Cho nên tôi đâu hiểu được hết những ẩn ý trong câu nói của người đồng nghiệp khi ấy. Nhưng bây giờ, mỗi lần lên lớp lòng cứ trăn trở về những cái gọi là quy chuẩn nghề nghiệp. Càng nghĩ càng xót xa, khi học sinh còn quá ngây thơ để nhận ra được những góc khuất của giáo dục. Các em chưa đủ kinh nghiệm sống để có thể nhận ra tâm huyết thật sự của người thầy, người cô trong cách giáo dục các em. Nhiều em còn tỏ thái độ khó chịu, thậm chí ghét bỏ những thầy cô nói nhiều và hay răn dạy. Và rồi, tôi lại xót xa cho chính mình.

Từ một sinh viên sư phạm, với nhiệt huyết ngày nào, theo thời gian lòng yêu nghề cứ mai một dần. Mắt phải tập làm ngơ trước một số hành động ngỗ nghịch của học trò, tai phải lờ đi khi nghe các em nói những lời không đẹp, miệng phải khép trước những ứng xử không đúng mực của phụ huynh... Phải chăng nghề được coi là cao quý trong tất cả các nghề giờ cũng chỉ là cái “cần câu cơm”. Toi thất vọng khi chân lý “thương cho roi cho vọt” hình như không còn nữa, vì có hết thông tư này đến nghị định khác quy định về thái độ, hành vi ứng xử của giáo viên. Hầu như trong buổi họp nào các quy định cũng được nhắc đi nhắc lại. Bây giờ, ngay cả lời nhắc nhở hơi lớn tiếng cũng được gọi là hành vi bạo hành tinh thần học sinh.

Chỉ một lời phê bình, nhận xét thật lòng trên bài làm của học sinh cũng bị dư luận mang ra mổ xẻ, hay chỉ cần một hành động sơ suất thì với tốc độ lan truyền của mạng xã hội hiện nay, thầy cô bỗng chốc trở thành người có lỗi. Trong khi bây giờ chúng ta đang dành cho học sinh quá nhiều đặc ân. Một số học sinh không còn kính trọng thầy cô như trước. Trả bài học sinh một lần, hai lần, thậm chí nhiều lần, các em vẫn không thuộc bài, thậm chí có em còn thách thức thầy cô muốn cho bao nhiêu điểm thì cho! Gặp những trường hợp như vậy, liệu giáo viên có còn giữ được sự bình tĩnh? Chỉ một lời nói lớn tiếng, nói nặng học sinh thì bị quy kết vi phạm đạo đức nhà giáo, bị dư luận lên án…

Chúng tôi được nghe chuyện buồn của một cô giáo cùng trường là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, gần 30 năm đứng lớp, suốt một đời tâm huyết với nghề và chỉ còn hai năm nữa sẽ nghỉ hưu. Trong lớp của cô có một học sinh nhiều lần không thuộc bài. Dù đã khuyên nhủ, động viên rất nhiều lần nhưng học sinh đó vẫn không có chuyển biến. Cô đã nói rằng: “Nếu em cứ học như vậy, cuối năm sẽ phải ở lại lớp”, nhưng không ngờ sau đó em này không đi học nữa. Mẹ của em đã đến trường gặp Hiệu trưởng và đòi làm đơn lên phòng Giáo dục. Cuối cùng, Ban giám hiệu phải giảng hòa và cô giáo phải xin lỗi phụ huynh. Sự việc trên không phải là trường hợp duy nhất, khi sự tâm huyết và trách nhiệm của giáo viên phải “cúi đầu”… Giọt nước mắt bất lực đã lăn dài trên gương mặt người giáo viên một đời tâm huyết với nghề vì sự thiếu cảm thông, vì những quy định khắt khe của ngành.

Từ nhỏ, tôi đã được bố tôi kể lại, khi ông đi học, chỉ một buổi không học bài, thầy đồ đã yêu cầu để hai bàn tay úp vào giữa bàn. Có lúc thầy dùng thước đánh cho đến khi bầm tím và ứa máu. Phải chăng chính nhờ vậy đã đào tạo nên những học trò xuất sắc, những nhà canh tân vĩ đại, nhà lãnh đạo lỗi lạc, sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu dân, cứu nước.

Nói những điều trên để thấy rằng, cần phải thay đổi các quy định và cách nhận thức hiện nay. Giáo viên không được phép ứng xử như những thầy đồ ngày xưa. Nhưng nếu quy định quá khắt khe với chuẩn mực nghề nghiệp của giáo viên, không phù hợp với thực tiễn thì các quy định này rất dễ nảy sinh tác dụng ngược. Vì vậy, phải duy trì phương châm giáo dục (kể cả bậc đại học) mà từ ngàn xưa ông cha đã đúc kết, đó là “tiên học lễ, hậu học văn”. Thực hiện tốt phương châm này sẽ đào tạo được những học sinh, sinh viên có năng lực, kỹ năng, thái độ ứng xử chuẩn mực.

Tôi nói những điều trên không phải với mục đích bao biện cho những người làm công tác giảng dạy. Thực ra đâu đó vẫn có những giáo viên chưa làm tròn trách nhiệm, chưa thể hiện được vai trò, sự mẫu mực để nhận được sự tôn trọng của học sinh. Chúng ta cần phải thay đổi trong nhận thức, phải cảm thông chia sẻ với hoàn cảnh của từng học sinh, từ đó có cách ứng xử, dạy dỗ phù hợp, giúp các em tiến bộ, trở thành người có ích cho xã hội. Tôi muốn kể hai mẩu chuyện về xử lý tình huống sư phạm của hai giảng viên ở hai trường nọ.

Mẩu chuyện thứ nhất: Trong một thời gian dài, lớp liên tục bị mất trộm máy tính, bút, điện thoại… Một ngày sau, khi phát hiện một học sinh lấy trộm điện thoại của bạn, cô giáo vẫn yêu cầu cả lớp tập trung nghe giảng để giảm bớt sự chú ý về sự việc vừa xảy ra, đồng thời yêu cầu cả lớp không làm lớn chuyện mà vẫn giữ tình bạn, sự đoàn kết trong lớp như trước đây. Em học sinh có lỗi đã nhận thức được việc làm sai trái, tỏ thái độ ân hận và xin cô giáo và các bạn tha thứ.

Thời gian sau đó, em đã trở thành một cán bộ lớp mẫu mực, học giỏi, luôn làm gương cho các bạn. Mẩu chuyện thứ hai: Trong một lớp tiểu học, một em phát hiện người bạn bên cạnh lấy trộm chiếc bánh mì của mình. Qua tìm hiểu, cô chủ nhiệm biết được hoàn cảnh gia đình của học sinh lấy trộm chiếc bánh đặc biệt khó khăn, thường xuyên nhịn ăn sáng nên vì quá đói, em đã lỡ lấy chiếc bánh mì của bạn. Sau đó, cô giáo đã có nhiều việc làm giúp đỡ em trong cuộc sống lẫn trong học tập… với sự cảm thông, chia sẻ, thể hiện tấm lòng vị tha sâu sắc với học sinh.

Trong điều kiện xã hội hiện nay, có rất nhiều vấn đề phức tạp, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, vì vậy, giáo viên cần có cách nhìn nhận, ứng xử đúng đắn với học sinh. Trong đó, đề cao sự chia sẻ, cảm thông nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan. Việc để mặc học sinh hư là không khó, để cảm hóa, dạy dỗ các em nên người mới đáng trân trọng. Đây cũng chính là sứ mệnh của những người làm nghề giáo.

Sắp tới, nhân dịp ngày tôn vinh nhà giáo 20/11, tôi có vài lời tâm sự, chia sẻ cùng bạn đọc. Trên đây chỉ là những quan điểm và suy nghĩ của cá nhân nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Vì vậy, tôi rất mong được nhận được sự chia sẻ và cảm thông của người đọc.

.

Tiến sỹ Dương Xuân Thao - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

.