Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201505/nguoi-thay-giao-voi-sang-kien-doc-de-gay-quy-khuyen-hoc-610843/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201505/nguoi-thay-giao-voi-sang-kien-doc-de-gay-quy-khuyen-hoc-610843/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người thầy giáo với sáng kiến 'độc' để gây quỹ khuyến học - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 26/05/2015, 09:09 [GMT+7]

Người thầy giáo với sáng kiến 'độc' để gây quỹ khuyến học

(Congannghean.vn)-Sau 30 năm đứng trên bục giảng, khi về nghỉ hưu, thay vì hưởng tuổi già an nhàn, thầy giáo Nguyễn Nghĩa Hợi (80 tuổi) trú tại xóm Khe Bai, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn lại “đội nắng, đội mưa”, đi đến từng gia đình để vận động người dân xây dựng quỹ khuyến học.
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, tuổi thơ của thầy Hợi luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn; nhưng với tinh thần ham học, thầy quyết tâm theo đuổi sự nghiệp học hành để thực hiện được ước mơ trở thành người giáo viên nhân dân. Sau khi học xong, thầy Hợi được phân về làm giáo viên Trường PTCS xã Nghĩa Hội. Trải qua những tháng ngày miệt mài soạn giáo án, chuẩn bị bài để truyền đạt kiến thức cho bao thế hệ học trò, đến năm 1989, thầy về nghỉ hưu; nhưng vẫn luôn trăn trở trước cảnh những học sinh nghèo phải bỏ học vì không có đủ áo mặc, không có bút viết…
Thầy giáo Nguyễn Nghĩa Hợi với sáng kiến gây quỹ  giúp hàng trăm học sinh tiếp tục đến trường
Thầy giáo Nguyễn Nghĩa Hợi với sáng kiến gây quỹ giúp hàng trăm học sinh tiếp tục đến trường
Sau nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ, thầy quyết định lên UBND xã Nghĩa Hội đề nghị thành lập Hội Khuyến học nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ những học sinh nghèo trong xã được tới trường, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy và học trong toàn xã. Mặc dù đề nghị của thầy được chính quyền xã rất ủng hộ, nhưng do xã còn khó khăn, dân còn nghèo nên không có kinh phí để thực hiện. Vì vậy, thầy đã dành dụm những đồng tiền tiết kiệm của mình để mua từng quyển sách, cái bút, giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
 
Năm 2003, khi tỉnh có chủ trương thành lập Hội Khuyến học, xã đã mời thầy Hợi lên để cùng bàn bạc về việc thành lập Hội Khuyến học của xã. Thầy được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực. Những ngày đầu, Hội không có kinh phí để giúp đỡ các em nên thầy đã không quản ngại khó khăn, đi tới từng hộ gia đình, vận động mỗi hộ ủng hộ Hội 5.000 đồng. Mặc dù số tiền không nhiều nhưng với phương châm “góp gió thành bão”, sau nhiều ngày vận động, thầy đã đưa về cho Hội Khuyến học hơn 8 triệu đồng. Thế nhưng, thấy việc làm này không thể diễn ra lâu dài, thầy bàn bạc với những người trong Hội dùng số tiền trên để trồng chuối gây quỹ. 
 
Thầy chia sẻ: “Với một xã thuần nông, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì việc đóng góp quỹ khuyến học là rất khó khăn. Bởi vậy, tôi nảy ra sáng kiến trên, xuất phát từ lợi thế đất đai màu mỡ, thời tiết phù hợp với sự phát triển của cây chuối, mặt khác, chuối lại dễ tiêu thụ nên chỉ cần bỏ vốn một lần là có thể thu hoạch được nhiều lần mà lại không tốn nhiều công chăm sóc”. 
 
Sau khi phổ biến tới người dân, mọi người đều đồng loạt phản đối với muôn vàn lý do, nào là trồng chuối thì khi nào mới cho thu hoạch, ai quản lý số cây chuối này..., thậm chí có một số người còn nói “Chỉ có thầy mới đưa ra sáng kiến kỳ quặc như vậy”... Nhưng thầy vẫn kiên quyết giữ nguyên lập trường của mình. Thầy xin một mảnh đất trống trong khuôn viên UBND xã để trồng thử nghiệm. Không có đủ sức khỏe, thầy huy động nguồn nhân lực từ Đoàn Thanh niên, trồng được 150 cây chuối.
 
Đồng thời, vận động những cụ ông, cụ bà trong Hội Người cao tuổi trồng được 700 cây chuối trong vườn nhà. Sau khi thực hiện thành công ý tưởng trên ở xã nhà, thầy Hợi lại tiếp tục hành trình đi vận động người dân ở các xã bên, nhờ đó, số cây chuối “khuyến học” ở huyện Nghĩa Đàn đã tăng lên con số hàng nghìn. Với sáng kiến “khùng” này, mỗi năm đã giúp quỹ khuyến học của huyện thu được gần 200 triệu đồng, tạo điều kiện để hàng trăm học sinh được tới trường.
 
Với những cống hiến, đóng góp của mình, thầy Hợi được UBND tỉnh, huyện trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen trong công tác khuyến học, trong thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Giờ đây, khi tuổi đã cao, sức khỏe yếu, thầy viết đơn xin rút khỏi Ban chấp hành Hội khuyến học xã. Mặc dù vậy, thầy vẫn luôn đồng hành với mọi hoạt động của Hội trong việc giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. 
.

Đặng Duyên

.