Văn hóa - Giáo dục
'Thuốc' nào cho bạo lực học đường?
08:47, 16/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong những ngày qua, video clip về một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị chính các bạn trong lớp khóa cửa phòng đánh hội đồng chỉ vì không chịu… nghe lời lớp trưởng gây xôn xao dư luận. Có thể nói, bạo lực học đường có xu hướng gia tăng trong thời gian qua đã trở thành vấn nạn gây nhức nhối. Nạn bạo lực học đường không chỉ là “địa hạt” riêng của các học sinh nam mà xảy ra ngày càng nhiều ở các nữ sinh vốn được xem là “phái yếu”.
Những vụ bạo lực của học sinh liên tiếp xảy ra với mức độ và tính chất ngày càng nghiêm trọng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh bởi sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức trong một bộ phận học sinh, đồng thời đặt ra cho những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ nhiều vấn đề cần suy nghĩ.
Đáng quan ngại là những vụ bạo lực học đường trong thời gian qua bắt nguồn từ 1001 lý do khác nhau: Thấy “ngứa mắt” thì đánh, đánh vì cho là bị “nhìn đểu”, đánh để trả thù tình, đánh vì thấy bạn… xinh và học giỏi… Vũ khí được sử dụng trong các cuộc đánh nhau cũng “phong phú” không kém. “Hiền” thì dùng “võ mồm”, nặng hơn thì túm tóc, cào cấu, xé quần áo giữa đám đông. Ở cấp độ cao hơn thì dùng côn, dao, giày, dép, guốc, gậy gộc, gạch đá, dao lam, ống tuýp nước…
Hầu hết trong bản nội quy của các nhà trường đều nghiêm cấm hành vi đánh nhau và đưa ra những hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các học sinh vi phạm như: Ghi học bạ, buộc thôi học, nhưng nạn bạo lực học đường vẫn có chiều hướng gia tăng. Hàng loạt vụ học sinh đánh nhau trong thời gian qua cho thấy sự “xuống dốc” trong đạo đức, lối sống, nhân cách của một bộ phận học sinh hiện nay đã đến mức báo động.
Cần có những giải pháp mang tính cấp bách để giải quyết nạn bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng và gia tăng trong các nhà trường - Tranh minh họa |
Trong nhà trường hiện nay, câu “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn được treo một cách trang trọng. Nhưng trên thực tế, việc “học lễ” của một bộ phận học sinh hiện nay đang bị xem nhẹ. Từ hàng loạt vụ bạo lực trong học sinh thời gian qua có thể thấy, đã có một “lỗ hổng” khá lớn trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh của các nhà trường. Những kiến thức “nền” để xây dựng nhân cách từ các môn học: Đạo đức, giáo dục công dân đã không thể lan thấm trong nhận thức của một bộ phận học sinh hiện nay. Những hoạt động, phong trào của các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường chưa thể hiện tính chiều sâu và phát huy hiệu quả trong việc định hướng các học sinh tới những giá trị thẩm mỹ trong cuộc sống.
Hiện tượng học sinh đánh nhau gia tăng trong thời gian qua còn có “đồng phạm” từ phía gia đình. Nhiều bậc phụ huynh do mải chạy theo những cuộc mưu sinh, kiếm tìm các giá trị vật chất mà buông lỏng việc quản lý giờ giấc sinh hoạt, theo dõi sự thay đổi trong tâm sinh lý của con mình, dẫn tới thiếu những uốn nắn kịp thời khi con có dấu hiệu phát sinh những hành vi sai trái. Không ít bậc phụ huynh đã trở thành những “tấm gương mờ” cho con khi vợ chồng hàng ngày mâu thuẫn, cãi cọ, xô xát.
Một nguyên nhân khác tác động làm phát sinh những hành vi bạo lực ở các học sinh là môi trường xã hội. Một số học sinh sớm hình thành lối sống đua đòi, thích hưởng thụ. Phần lớn các học sinh có hành vi bạo lực đều chưa kiểm soát được hành vi của mình, dễ phát sinh các hành động bồng bột, ngông cuồng. Với sự phát triển nhanh của Internet, trước một thế giới tràn ngập thông tin, các em có thể dễ dàng xem các bộ phim có nhiều cảnh chém giết man rợ hay chơi các loại game bạo lực. Bị ám ảnh bởi thế giới ảo và với bản tính thích thể hiện của tuổi mới lớn, nhiều em đã phát sinh những hành vi bạo lực do nông nổi.
Với những gì đã diễn ra có thể nhận thấy, thủ phạm của những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đều có một điểm chung, đó là do một bộ phận học sinh còn thiếu kỹ năng sống. Kỹ năng sống chính là khả năng ứng xử phù hợp theo những chuẩn mực nhất định trong một môi trường cụ thể, thích hợp với hoàn cảnh. Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là cả một quá trình dưới sự tác động, định hướng của các nhân tố: Gia đình, nhà trường và xã hội.
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần được tiến hành song song với việc tạo cho các em một môi trường sống, sinh hoạt, học tập an toàn, lành mạnh. Với những em bị tổn thương hoặc có vấn đề về tâm lý thì rất cần sự che chở, yêu thương, chỉ bảo, uốn nắn của nhà trường và gia đình. Đây đồng thời cũng là yếu tố giúp giải quyết tận gốc nạn bạo lực trong học sinh và góp phần xây dựng văn hóa học đường.
Minh Tuấn