Văn hóa - Giáo dục
Kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam (15/3)
Nguyên mẫu nhân vật trong phim 'Huyền thoại về người mẹ'
10:15, 15/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Người xem vào những năm của thập kỷ 80, thế kỷ 20 hẳn chưa quên hình ảnh người nữ y tá Hương trong phim “Huyền thoại về người mẹ” của đạo diễn Bạch Diệp. Nguyên mẫu nhân vật chính là một du kích miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, chưa một lần sinh nở nhưng là “mẹ” của hàng chục đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ được cưu mang, nuôi dưỡng. Nhân vật mẹ do NSND Trà Giang thủ vai đã từng làm rung động hàng triệu trái tim khán giả.
Phía sau những khuôn hình là câu chuyện có thật về cuộc đời mẹ Nguyễn Thị Hường (82 tuổi) trú tại khu vực 5, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Mẹ tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Hơn 10 tuổi đã làm giao liên cho Thị ủy Quy Nhơn. Hàng ngày, Hường đi bán củ lang, củ mì, lân la vào đồn địch để dò la tin tức, chuyển giấy tờ, thư tín cho các cô cán bộ nằm vùng. Tổ chức thấy Hường thông minh, nhanh nhẹn, lại nhạy bén trong công việc nên tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng. Mới 20 tuổi, Hường đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, làm Khu đội phó du kích, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, trực tiếp cài chông mìn, đào hào, chuyển lương thực, vận động bà con phá ấp chiến lược.
Vào những năm 1955 - 1960, khi lãnh đạo Thị ủy và hầu hết lực lượng hoạt động rút khỏi thị xã Quy Nhơn, để lại nhiều tài liệu, súng ống, đạn dược giao cho Hường cùng đồng đội cất giữ, bảo quản, bí mật hoạt động trong lòng địch để nắm tình hình, báo về cho tổ chức. Nhờ đó, Thị ủy Quy Nhơn đã đối phó thành công, phá tan nhiều trận càn lớn của địch. Hường bị địch nghi ngờ, theo dõi, nhà cửa bị đốt trụi, cả gia đình phải sống cảnh màn trời chiếu đất dưới gốc cây mận trước ngõ. Hường bị địch bắt nhiều lần trong suốt 7 năm, bị tra tấn dã man ở hết trại giam này đến nhà tù khác, nhưng kẻ thù cũng phải chịu khuất phục trước nữ chiến sỹ trung kiên này.
Mẹ Nguyễn Thị Hường (nguyên mẫu ngoài đời) |
Cả cuộc đời mẹ Hường là sự hy sinh thầm lặng. Vào tuổi xuân thì, Hường kết duyên với chàng trai thợ máy tên Thanh Liêm. Cưới nhau được 3 ngày thì chồng tập kết ra Bắc, tưởng chỉ 2 năm, ai dè phải mất 21 năm sau mới trở về. Nhưng người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng ấy vẫn giữ trọn tình yêu và sự chung thủy với chồng.
Dưới vỏ bọc y tá làm “bà đỡ” nhà hộ sinh, mẹ Hường đã vượt qua bom đạn, sự vây bắt, khủng bố của kẻ thù để đỡ đẻ, giải cứu, che giấu người dân với tấm lòng tự nguyện, cưu mang, nuôi dưỡng hơn chục đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ, là nạn nhân của chiến tranh (có 3 trẻ sơ sinh là con của đồng đội đã hy sinh). Năm 1963, tổ chức giao cho mẹ Hường tiếp cận những đứa trẻ, tìm hiểu kỹ lý lịch và huấn luyện chúng để đưa vào hoạt động cách mạng. Chính mẹ và những “đứa con” của mẹ đã nỗ lực làm giao liên, vận chuyển hàng hóa, phục vụ chiến tranh cho đến ngày đất nước thống nhất.
Năm 1975, sau giải phóng, chồng mẹ trở về, những tưởng được hạnh phúc bên nhau, nào ngờ. cùng về với chồng mẹ là người vợ hai và 2 đứa con nhỏ. Đau buồn và dằn vặt vì mình chưa có con chung với chồng, mẹ Hường lại tiếp tục hy sinh hạnh phúc riêng, “nhường” chồng cho người đến sau, chấp nhận cảnh đơn côi. Bị gia đình chồng phản đối, người chồng cũng không nỡ phụ tình nên mẹ lại quay về sống chung với chồng dưới một mái nhà. Ít lâu sau, người vợ hai ốm nặng rồi mất, mẹ lại chăm lo cho 2 con riêng của chồng khôn lớn, trưởng thành.
Gia đình gặp nhiều khó khăn, song mẹ Hường vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Từ năm 1975 - 1988, mẹ làm Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã. Cả đời cống hiến cho cách mạng, nuôi hàng chục “đứa con” côi cút (lúc cao điểm là 12 đứa) cho đến tuổi trưởng thành, mẹ lại trả chúng về với người thân... Mẹ thẫn thờ đứng trước cửa biển, nhìn về dãy núi xa mờ, nơi có hòn vọng phu mà nhớ lại ngày chia tay chồng đi tập kết, với lời hứa đã trở thành định mệnh cuộc đời: “Em sẽ là một hòn vọng phu… chờ anh!”.
NSND Trà Giang vai y tá Hương (Áp phích phim) |
Nhưng cuộc đời mẹ không phải chịu cảnh cô đơn. Những “đứa con” vẫn thường xuyên về thăm mẹ, kể cả đứa ở nước ngoài (như Mỹ), đứa không về được thì gửi thư từ, điện tín, quà cáp. Khi nghỉ hưu, mẹ vẫn trăn trở về hoàn cảnh của những trẻ em nghèo, hiếu học. Mẹ xây dựng hũ tiền tiết kiệm và vận động các nhà hảo tâm quyên góp để giúp đỡ các cháu nhỏ thiệt thòi, gây dựng được 6 tổ thanh, thiếu niên với 130 học sinh nghèo hiếu học.
Năm 1978, mẹ Hường vinh dự được mời ra Hà Nội báo cáo thành tích tại một hội nghị toàn quốc quan trọng. Mẹ đã kể lại câu chuyện cuộc đời mình trong kháng chiến cũng như thời bình, khiến những người có mặt hôm đó không khỏi xúc động. Cũng chính tại hội nghị này, nữ đạo diễn, NSND Bạch Diệp đã quyết định xây dựng phim truyện “Huyền thoại về người mẹ”, nhân vật chính về người mẹ do NSND Trà Giang đảm nhiệm. Sau khi trình chiếu, bộ phim đã lấy đi rất nhiều nước mắt của người xem, khiến hàng triệu trái tim rung động, tự hào về hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Bộ phim đã vinh dự nhận giải thưởng Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1988.
Lê Lân