Văn hóa - Giáo dục
Giữ gìn nét đẹp văn hóa trong đi lễ, đền chùa
09:13, 08/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đi lễ đầu năm là truyền thống văn hoá của người Việt, là dịp để mỗi người thể hiện những ước muốn về mọi điều tốt đẹp trong năm mới.
Mỗi độ Tết đến xuân về là dịp để mọi người đoàn viên sum vầy với gia đình, dòng tộc và một phong tục mang tính ngàn đời là mọi người vẫn không quên đi chùa thắp nhang, khấn Phật cầu mong cho gia đình sức khỏe và bình an. Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Người dân đến chùa với mục đích cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đến chùa chỉ để tìm những giây phút bình yên, nhằm xua tan những lo toan, bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nhìn chung, khi đến chùa, mọi người đều có tấm lòng thành kính, từ đó, họ tìm đến với đức tin, sự thanh thản, bình an trong tâm hồn.
Chị Nguyễn Thị Thảo đi lễ chùa Cổ Am ở xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu năm mới, tôi đều đi lễ chùa. Đúng ngày mồng 2 Tết hàng năm, cả gia đình đi chùa Cổ Am ở Diễn Châu để cầu phúc, lộc, bình an, mong mọi điều tốt đẹp. Đi lễ đền, chùa đầu năm còn là một nét văn hóa độc đáo của người Việt. Tôi muốn các con tôi biết được điều này, đồng thời cũng giúp các cháu biết trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Đi chùa lễ Phật cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với gia đình trong năm mới |
Đi lễ chùa là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Vào mồng một, ngày rằm hàng tháng, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết, có rất nhiều người đi chùa lễ Phật. Tuy nhiên, bên cạnh những người đến chùa lễ Phật giữ được nét văn hóa thanh lịch khi đến cửa thiền thì cũng còn không ít người đi lễ không xuất phát từ lòng thành kính đã làm mai một bản sắc văn hóa, gây mất mỹ quan. Tại nhiều đền, chùa trên địa bàn tỉnh, không khó để chứng kiến cảnh dòng người chen lấn, xô đẩy cùng mâm lễ trên tay… Có mặt tại đền Nẻ, huyện Nghi Lộc trong những ngày đầu năm mới, tôi được chứng kiến cảnh tượng người dân chen lấn để xin xăm, xem thẻ. Do không có mặt Ban quản lý đền nên du khách thỏa sức thắp hương khiến không gian mịt mù khói. Một số lư hương ngoài trời đã bùng cháy do tiết trời hanh khô cộng với việc người dân thắp hương quá nhiều. Cảnh tượng đó khiến không ít người xuýt xoa cho rằng, hóa hương là điềm tốt, là đã được chứng giám lòng thành.
Đình chùa là chốn linh thiêng, việc ăn mặc khi vào đền, chùa dẫu không có quy định nhưng cũng phải đảm bảo kín đáo, nghiêm túc. Thế nhưng, không ít phụ nữ vẫn “hồn nhiên” mặc váy ngắn đi lễ, cũng vào điện thắp hương, sì sụp khấn vái. Có những cô gái trẻ vô tư cười nói thoải mái bên cạnh những người đang trang nghiêm khấn vái, có những cô còn hồn nhiên bước trước mặt người đang làm lễ để chen ngang…, cùng với đó là hàng loạt các tệ nạn "ăn theo" như cờ bạc, trộm cắp, “chặt chém", xả rác bừa bãi...
Khi được hỏi về vấn đề này, chị Hoàng Thị Lan, một người đi lễ cho biết: “Với người đi lễ, trang phục đến chùa phải kín đáo, quần dài, áo dài tay, không được mặc váy ngắn và không nói to nơi cửa chùa. Tuy nhiên, tôi thấy có những cô gái trẻ vẫn mặc váy ngắn, quần “rách”… nhìn rất phản cảm. Ngoài ra, cách ăn nói, đi đứng, cư xử của nhiều người còn rất thô lỗ, không có ý thức. Để khắc phục tình trạng này, rất cần sự sửa đổi ý thức của mỗi người”.
Năm mới đi chùa cầu may trở thành nét đẹp truyền thống mỗi dịp xuân về. Đây còn là dịp để mỗi người bày tỏ tấm lòng thành kính của mình với đức Phật, tổ tiên. Tuy nhiên, mỗi người khi đi lễ chùa cần có ý thức trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa người Việt.
Cao Loan