Văn hóa - Giáo dục
Mó nước linh thiêng
16:07, 03/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từ trung tâm thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, vượt hơn 40 km đường rừng lầy lội, trơn trượt, băng qua nhiều con dốc với hàng trăm ổ voi, ổ gà, khi người đã mệt nhoài, toàn thân và chiếc xe máy lấm đầy bùn đất thì cũng là lúc tôi đến được nơi cần đến - Tiên Kỳ, một xã miền núi xa xôi nhất của huyện Tân Kỳ. Nơi đây, bà con quanh năm chỉ biết bám trụ với đồng ruộng, núi rừng, đời sống còn hết sức khó khăn. Nhưng cũng chính nơi này lại được thiên nhiên ban tặng một tài sản vô giá - Mó nước Tiên Kỳ với câu chuyện mang màu sắc huyền bí, được người dân lưu truyền qua bao thế hệ.
Truyền thuyết mó nước “thần” Tiên Kỳ
Cụ La Văn Minh - một trong 5 người có công khám phá Mó nước Tiên Kỳ |
Trong cái lạnh se sắt của những ngày cuối đông, ông La Văn Thiều, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ nhấp ngụm trà nóng rồi cười nói: “Chắc nhà báo lên đây vất vả, khó khăn lắm phải không? Giá như ở đây được giàu có, tươi đẹp như cái tên của nó - “Tiên Kỳ” thì tốt biết bao. Dân trong làng có đến 70% là đồng bào Thái, còn lại là người Kinh. Bà con sống chủ yếu nhờ đồng ruộng và núi rừng... Còn khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng thiên nhiên đã ban tặng cho Tiên Kỳ không khí trong lành, cây cối tốt tươi, núi non hữu tình, nhất là mó nước Tiên Kỳ nằm giữa đại ngàn, cho bà con thu hoạch những vụ mùa bội thu”.
Ông Thiều bảo, không ai biết hang mó nước có từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ xa xưa, nước từ trong hang chảy thành dòng, quanh năm giúp người dân có nước để sinh hoạt cũng như tưới tiêu cho đồng ruộng. Ấy thế mà, vào một năm nọ, suốt cả năm, trời không cho mưa, nước ở trong hang cũng ngừng chảy. Khắp mặt đất là một màu héo úa của cây cối, ruộng nương khô hạn. Nếu tình trạng hạn hán kéo dài thêm một thời gian nữa, người dân sẽ rất đói khổ. Khi đó, bà con trong bản nghĩ rằng, do từ trước tới nay chỉ biết hưởng lợi mà không cầu xin, cúng bái nên hang không cho nước. Nghĩ vậy, mọi người bèn họp nhau, mời thầy mo về lập miếu thờ ngay trước cửa hang và tổ chức cúng bái, dâng lễ khấn cầu hang thần cũng như các vị thần linh thương tình cho nước để sinh hoạt và sản xuất.
Ngay sau khi kết thúc lễ khấn, trời bỗng đổ cơn mưa rào, bà con không khỏi bất ngờ khi thấy nước từ trong lòng hang tuôn chảy ra ngoài. Từ đó, mó nước linh thiêng này được bà con đặt tên là Mó nước “thần” Tiên Kỳ. Rồi cứ thế, đến ngày mồng 1 và 15 hàng tháng, người dân Tiên Kỳ lại đưa lễ gồm gà luộc, trứng sống nhiều màu… lên miếu thờ Mó thần thắp hương, cúng bái thể hiện lòng biết ơn thành kính với trời, đất, thần nước.
Vì sự linh thiêng, thần bí ấy của hang thần mà người dân chỉ dám đứng trước cửa hang, không ai dám bước chân vào. Suốt từ đó đến nay, trời đất đã bao lần biến chuyển, những thế hệ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tiên Kỳ luôn tâm niệm, Mó nước Tiên Kỳ chính là mó nước “thần” mà ông trời đã ban tặng cho bản làng để giúp dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa.
Tin đồn về mó nước “thần” ở xóm Thái Minh, xã Tiên Kỳ lan đi khắp gần xa. Hàng năm, có rất nhiều đoàn người từ những nơi khác về đây để được “mục sở thị” cảnh tượng nước từ trong hang thần tuôn trào, chảy ra đồng ruộng. Đó quả là một điều tuyệt vời đối với bất cứ ai đã sinh ra, lớn lên cũng như một lần đến với mảnh đất này.
Những người có công khám phá mó nước bí ẩn
Mó nước Tiên Kỳ nằm giữa đại ngàn hùng vĩ |
Câu chuyện về mó nước ở Tiên Kỳ quả là kỳ diệu, điều đó càng thôi thúc tôi nóng lòng được tận mắt chiêm ngưỡng mó nước linh thiêng, đầy bí ẩn này. Không phải chờ đợi quá lâu, ông Thiều gọi thêm một cụ ông có thâm niên trong làng đưa tôi đến tham quan mó nước “thần”.
Vượt qua quãng đường gập ghềnh, lầy lội, nhiều vũng nước từ trong hang chảy ra, cuối cùng, chúng tôi cũng đến được cửa hang. Xung quanh hang nước, cây cối mọc um tùm, rậm rạp, tạo nên một cảnh tượng hùng vĩ, linh thiêng giữa chốn đại ngàn. Trong trí tưởng tượng của tôi, có lẽ cửa hang phải rất rộng lớn, nước chảy mạnh như thác đổ thì mới có đủ nước để cung cấp cho gần 150 ha đồng ruộng của cả vùng đất Tiên Kỳ. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến, tôi mới thấy, cửa hang không quá lớn, nước từ trong hang chảy ra rất êm đềm. Trèo lên các tảng đá lớn được xếp như những bậc thang lên tới cửa hang, nhìn vào trong là một màu đen của đêm tối, vài tia sáng le lói từ trên cao xuyên sâu vào hang như những vì sao lấp lánh, tạo nên một cảnh tượng tuyệt đẹp.
Khi tôi thắc mắc hỏi: “Mó nước “thần” hiểu được lòng người khi dân làng cầu xin nước là thật, hay chẳng qua, đó chỉ là một sự ngẫu nhiên của đất trời?” thì mọi người chỉ cười rồi nói: “Đó chỉ là truyền thuyết, chứ thực ra không hề có yếu tố thần linh đâu nhà báo ạ!”. Sau đó, ông Thiều giới thiệu tôi với cụ ông đi cùng tên là La Văn Minh (75 tuổi) ở xóm 4, xã Tiên Kỳ - một trong những người có công khám phá sự thật về truyền thuyết mó nước “thần” này.
Vừa tham quan, tôi vừa được ông Minh kể lại: Năm 1959, xã thành lập HTX nông nghiệp Kỳ Minh, do ông Lương Văn Hậu (SN 1927) làm chủ nhiệm. Lúc bấy giờ, ông Minh là kế toán của HTX. Vào thời điểm đó, biến cố lại một lần nữa xảy ra. 3 năm hạn hán liên tục, nước từ trong hang không còn tuôn chảy. Bà con rất hoang mang, lo lắng, ngày đêm lên miếu Hang thần cầu xin thần linh ban nước, nhưng không có kết quả. Trước tình cảnh đói khát, mất mùa triền miên, tối 10/3/1959, ông Hậu họp bàn Chi bộ Đảng HTX lên phương án thành lập một đoàn người đi sâu vào hang để tìm hiểu nguyên nhân vì sao nước trong hang lại cạn khô.
Tuy nhiên, lúc đầu không ai dám đồng hành cùng ông, họ sợ bị trừng phạt vì phạm đến thần linh. Cuối cùng, cũng có 4 người gồm ông La Văn Minh, La Văn Mỹ, Vi Văn Phát và Vi Văn Hiếu tình nguyện cùng ông Hậu dũng cảm đi vào hang mó nước. Đó là một nhiệm vụ bí mật của Chi bộ Đảng, họ không cho bất kỳ ai biết về kế hoạch này, kể cả gia đình bởi đây là một việc làm “quá nguy hiểm”. Trước ngày lên đường vào hang, Chi bộ Đảng HTX Kỳ Minh tổ chức một bữa cơm như là bữa ăn ngon cuối cùng nếu họ không thể trở về.
Nghe đến đây, tôi cảm nhận được sự dũng cảm, quyết tâm hy sinh cả sinh mệnh của họ, tất cả cũng chỉ vì cuộc sống, tương lai của nhân dân. Ông Minh trầm ngâm kể tiếp: “Tối họp bàn xong thì đoàn chúng tôi chuẩn bị mọi thứ gồm: Cơm nắm, dao, đuốc và gậy gộc thô sơ, vài ngày sau lên đường làm nhiệm vụ. Không thể kể hết những khó khăn, thách thức và cả nỗi sợ hãi mà chúng tôi phải trải qua khi lần đầu tiên bước vào hang nước. 5 người thắp đuốc lên, dàn thành hàng ngang, mò mẫm bước qua những vách đá nhọn hoắt, trơn trượt.
Đi vào giữa hang, chúng tôi phát hiện có một cửa hang nhỏ, lúc này, đoàn quyết định chia nhau ra, 3 người có nhiệm vụ đi sâu vào hang đá, 2 người còn lại đứng canh trước cửa hang. Lúc này, tôi cùng ông Hiếu và ông Mỹ là những người khỏe mạnh nhất xung phong đi tiếp vào hang. Đi sâu vào, chúng tôi phát hiện một lối nước chảy xuống lỗ hổng. Lúc này, chúng tôi bèn tận dụng đất, đá, cát sỏi để bịt tạm lỗ hổng ấy, bất ngờ nước đổi dòng, chảy tràn ra cửa hang. Mọi người vui mừng khôn xiết, lập tức chạy ra báo với ông Hậu và ông Phát. Sau đó, đoàn nhanh chóng trở về thông báo tin vui cho dân làng, mổ trâu, mổ bò ăn mừng. Từ đó đến nay, người dân nơi đây không còn phải chịu cảnh hạn hán vì nước trong hang chảy quanh năm”.
Điều đặc biệt là nước ở đây ấm vào mùa đông và mát rượi vào mùa hè. Cho nên, dù thời tiết nóng bức hay lạnh giá, thanh niên trong làng ngày nào cũng đến tắm gội sau những giờ lao động vất vả. Vào ngày mồng 1 Tết, mọi người đến đây lấy nước về tắm rửa như là một sự gột rửa “bụi trần” của năm cũ, cầu mong năm mới tràn đầy sức khỏe, may mắn và hạnh phúc. Vì là người tiên phong, có quyết định táo bạo trong việc khám phá ra Mó nước Tiên Kỳ, giúp dân có nước để sinh hoạt và sản xuất nên đến năm 1967, trong đợt bình bầu Anh hùng Lao động của 6 huyện miền núi Nghệ An, ông Lương Văn Hậu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Ông Thiều tâm sự: Bây giờ, người dân cũng như chính quyền Tiên Kỳ có một nguyện vọng là được cấp trên cải tạo lại đường sá và đầu tư hang nước thành một điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn. Hy vọng rằng, ước mong của dân làng sẽ sớm trở thành hiện thực, để đời sống nhân dân Tiên Kỳ ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Nga Hằng