Văn hóa - Giáo dục
Để lễ hội giữ được bản sắc văn hóa
09:12, 27/02/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sau những ngày Tết quây quần bên gia đình, người dân xứ Nghệ nói riêng và người dân cả nước nói chung lại hòa mình trong dòng người đi lễ hội. Nhận thấy tầm quan trọng của lễ hội trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong những năm qua, Sở VH-TT&DL tỉnh Nghệ An đã quan tâm chỉ đạo tổ chức lễ hội ngày càng hiệu quả, phát huy được văn hóa truyền thống dân tộc các vùng, miền, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân.
Đầu xuân đi lễ hội
Từ miền xuôi lên miền ngược trên khắp địa bàn tỉnh Nghệ An, người dân lại rộn ràng vào mùa lễ hội. Cứ theo thường lệ, 25 lễ hội được tổ chức trang trọng, trong đó, có 17 lễ hội đầu xuân. Mỗi lễ hội đều mang màu sắc riêng, đặc trưng cho từng vùng, miền và giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Phần Lễ được tổ chức đảm bảo sự trang nghiêm, linh thiêng. Phần Hội với nhiều hoạt động tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng. Nhiều lễ hội đã phục hồi lại các trò chơi dân gian và bản sắc văn hóa của lễ hội, như: Lễ hội đền Đức Hoàng (thi đánh trống tế, giao lưu các câu lạc bộ ca trù), lễ hội Pu Nhạ Thầu (giao lưu nghệ thuật quần chúng giữa các dân tộc thiểu số, thi trang phục dân tộc, cồng chiêng), lễ hội đền Chín Gian (thi viết chữ Thái Lai Pao)...
Những năm qua, công tác tuyên truyền giới thiệu về lễ hội được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện cổ động trực quan, như: Pano, áp phích, băng rôn, cờ... Việc treo, mắc cờ hội, cờ Tổ quốc đã góp phần tạo nên không khí lễ hội, thu hút được sự quan tâm đối với người dân. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn được Ban tổ chức lễ hội chú trọng. Các lễ hội đều xây dựng phương án, các biện pháp tích cực và bố trí các lực lượng phối hợp nhằm đảm bảo ANTT, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ tại lễ hội. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh từ nguồn công đức và đóng góp của các nhà hảo tâm, các tổ chức. Một số lễ hội đã huy động được học sinh của các trường học đóng trên địa bàn tổ chức lễ hội tham gia thu gom rác thải, làm sạch khu vực diễn ra lễ hội, như: Lễ hội đền Chín gian, lễ hội đền Vạn Lộc, lễ hội đền Vua Mai...
Nhiều lễ lội vẫn còn giữ được nét truyền thống văn hóa mang tính bản sắc |
Những bất cập...
Tuy nhiên, trong một số lễ hội, một số nghi lễ tổ chức còn lúng túng. Nhiều kịch bản, chương trình lễ hội chưa được xây dựng một cách cụ thể, chi tiết và chặt chẽ. Lễ hội bài trí đồ tế lễ chưa hợp lý, như: Lễ hội đền Vua Mai, lễ hội Pu Nhạ Thầu... Trang phục của đội tế, lễ vật, cách bài trí đồ tế khí, nghi lễ trong một số lễ hội ở miền núi còn thiếu bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi. Phần Hội chưa phục hồi được nhiều trò chơi, loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, như: Dân ca, dân nhạc, dân vũ... Đồng thời, chưa có hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong địa phương, như: Lễ hội đền Vạn Cửa Rào, lễ hội Môn Sơn Lục Dạ...
Một phần quy hoạch không gian của các lễ hội, di tích chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng các hàng quán, dịch vụ hoạt động sát cạnh di tích. Các quầy hàng dịch vụ trong khu vực lễ hội bày bán còn lộn xộn, nặng về dịch vụ ăn uống, thiếu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, chất lượng các dịch vụ phục vụ lễ hội chưa cao. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh vẫn chưa đảm bảo, còn thiếu các thùng đựng rác được bố trí hợp lý trong khu vực lễ hội...
Ý thức của một bộ phận nhân dân và du khách tham quan di tích và lễ hội chưa cao, còn tái diễn các tình trạng, như: Xả rác chưa đúng nơi quy định, thắp hương nhiều, đặt tiền giọt dầu vào tay tượng, đặt vào các linh vật làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa của lễ hội. Tình trạng ăn xin, một số nhóm người lạm dụng hình thức lên đồng để mở nhạc quá to, vung tiền thật lên các đàn lễ rất phản cảm; tình trạng mất cắp, các trò chơi trá hình bày bán văn hóa phẩm băng đĩa không rõ xuất xứ, không có niêm yết giá, chèo kéo khách vẫn còn tái diễn tại một số lễ hội, như: Lễ hội đền Cuông, lễ hội đền Nguyễn Xí...
Ngoài ra, tình trạng bài trí các linh vật ngoại lai sai quy định Luật Di sản vẫn còn tồn tại tại nhiều di tích và lễ hội. Tại một số lễ hội, còn treo các đèn lồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, in nhiều chữ nước ngoài, không phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Nghệ An cho biết: Lễ hội là một tập hợp các hoạt động văn hóa và tâm linh khá phức tạp của hàng nghìn người trong một phạm vi không gian hẹp và trong một thời gian ngắn, do đó, việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Trước Tết, chúng tôi đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra trước lễ hội để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các tồn tại, vi phạm trong việc tổ chức lễ hội, cùng phối hợp với chính quyền địa phương phục hồi các lễ nghi tâm linh và các trò chơi dân gian truyền thống để giữ cho lễ hội bản sắc riêng...
Tất Vượng