Văn hóa - Giáo dục

Nhà báo Văn Hiền tri ân các liệt sỹ

08:45, 16/02/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từ khi chưa biết Văn Hiền, tôi rất mê thơ về đề tài nông thôn, nông dân của anh. Đặc biệt, có thể nói, đỉnh cao nhất về thơ anh là bài đã được tạc vào bia đá tôn vinh các liệt sĩ, đồng thời, qua đó ghi nhận tấm lòng cao cả hiếm có của nhà thơ đã có phút xuất thần “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh”. Về thể loại văn học báo chí, tác phẩm “Những mẩu chuyện làm báo của Bác Hồ” có thể coi là đỉnh cao về thể loại này.
 
Ngoài công sưu tầm, biên soạn, tác giả đã thể hiện dấu ấn cá nhân thông qua việc khái quát, đưa ra những nhận định, dẫn chứng. Phần sưu tập gần 100 bút danh sắp xếp lại kèm theo nhan đề hàng nghìn bài báo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được xem như một từ điển các tác phẩm, người đọc theo đó mà tra cứu đã thấy sự dụng công của tác giả.
 
Đến tác phẩm “Khoảnh khắc mãi mãi”, Văn Hiền chứng tỏ là một nhà báo luôn khắc khoải về nỗi đau hậu chiến, đặc biệt là cuộc đời và sự hy sinh của đồng nghiệp, với sự đa dạng về hoàn cảnh, xuất thân, thứ bậc, độ tuổi nhưng giống nhau ở tấm lòng và đức hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp báo chí trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Sự hy sinh lớn lao đó sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lòng dân và đồng nghiệp.
 
Đọc câu chuyện trọn vẹn về 19 chân dung của các nhà báo liệt sĩ trên những chặng đường cách mạng, kháng chiến giải phóng dân tộc trên khắp các chiến trường A, B, C thời chống Mỹ được Văn Hiền khắc hoạ, tôi thấy xuyên suốt trong các tác phẩm là ngòi bút kĩ càng, cẩn trọng, chu đáo, tràn đầy cảm xúc trong quá trình đi, nghe, đọc, chọn lọc và viết. Qua các tác phẩm, chúng ta thêm ngưỡng mộ những chiến sĩ cách mạng và cũng là nhà báo như Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Tiềm. Khâm phục trước tấm gương của 3 con là liệt sĩ, trong đó 2 con là nhà báo, mẹ được truy tặng hai danh hiệu anh hùng và mẹ Việt Nam anh hùng. Khoảnh khắc của nhà báo liệt sĩ Lê Viết Vượng người huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh sẵn sàng hy sinh để cứu một phụ nữ bồng con gái mới 5 tháng tuổi. Lê Viết Vượng, Phạm Thị Ngọc Huệ, Lê Văn Luyện, Phạm Hồ là những chân dung nhà báo liệt sĩ được thể hiện kĩ lưỡng, rõ nét, cảm động nhất dưới ngòi bút Văn Hiền.
 
Những ai sống, học tập, công tác ở miền Bắc trong các thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, đêm đêm háo hức đón nghe, đọc bài “Từ Miền Nam gửi ra” thì nay mới biết phần lớn là tác phẩm của những nhà báo liệt sĩ này. Ký ức của một thời đạn bom với những khái niệm như “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Bình định cấp tốc”, “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”… nay được Văn Hiền tái hiện, hâm nóng. Nhà báo Phạm Hồ quê ở huyện Hương Sơn thực sự là một tấm gương toàn diện về vượt khó, cần kiệm, tình nguyện nhận gian nan, nguy hiểm về mình, đồng thời là tấm gương về sự hy sinh để những người làm báo trong thế hệ trẻ học tập.
 
Nhà báo Văn Hiền thắp hương cho liệt sĩ, nhà báo Trần Văn Thông, nhân vật mà ông từng cất công đi tìm chứng cứ chứng minh sự hy sinh của nhà báo này xứng đáng được tôn vinh liệt sĩ
Nhà báo Văn Hiền thắp hương cho liệt sĩ, nhà báo Trần Văn Thông, nhân vật mà ông từng cất công đi tìm chứng cứ chứng minh sự hy sinh của nhà báo này xứng đáng được tôn vinh liệt sĩ
 
Một bài báo chân dung, Văn Hiền viết rồi dừng, rồi đi tiếp, thu thập đến cả chục năm mới vừa ý cho xuất bản. Đây cũng là một tấm gương báo chí chỉ viết sự thật và công bố sự thật.
 

Hoàng Văn Hân

Các tin khác