Văn hóa - Giáo dục
Năm Ất Mùi tản mạn về Dê
10:42, 14/02/2015 (GMT+7)
Tết âm lịch đang đến rất gần! Khắp châu Á trong đó có Việt Nam mọi người đang nô nức mua sắm chuẩn bị cho cái tết truyền thống. Năm nay (2015), theo âm lịch là năm Ất Mùi với con giáp cầm tinh là con Dê.
Thật ra, hình tượng con Dê không mấy xa lạ với các nền văn hóa từ Tây sang Đông. Đọc thần thoại Hy Lạp, có hai tích nói về con Dê. Đầu tiên, con Dê là biểu tượng của Thần Rượu nho Dionysos. Ông là “kết quả” của mối tình vụng trộm giữa một phụ nữ người trần tên Sémélé với thần Dớt (Zeus)- chúa tể các vị thần.
Theo thần thoại Hy Lạp, Dionysos hái nho trong vườn rồi bỏ chúng vào một chiếc chậu. Trong lúc bất cẩn, thần đã giẫm chân trúng chậu đựng nho. Thế là những quả nho dập nát bị Dionysos để ở một góc không để ý đến. Mấy ngày sau quay lại nơi cũ, thần ngửi được mùi thơm nức mũi từ đống nước rỉ ra trong chậu nho bị dập. Uống một ngụm thứ nước đó thì thấy lâng lâng, hứng khởi. Từ đó rượu nho ra đời.
Thần Dionysos |
Vùng trồng nho lớn nhất ở Việt Nam là tỉnh Ninh Thuận. Với khí hậu hanh, khô thích hợp trồng loại cây này. Đây cũng là tỉnh có số dê nuôi phát triển nhất cả nước. Chợt nghĩ vui rằng Ninh Thuận quả có sự tao ngộ thú vị giữa đàn dê chăn thả quanh quẩn gần khu trồng nho giống như Dionysos (biểu tượng là con Dê) được gặp lại tuyệt phẩm (rượu nho) của mình vậy.
Một tích nữa nói về Dê chính là thần Pan- một vị thần trong đoàn tùy tùng của Dionysos. Ông là con của thần Hermès và tiên nữ Dryope. Thần thoại Hy Lạp mô tả nhân dạng ông “đầu có sừng như dê, chân cong và dài, có lông, có móng, râu tia xuồm xoàm”. Là người hiền lành, tính tình vui vẻ, cởi mở. Theo truyện, trong cuộc đời mình Pan theo đuổi hai cô gái xinh đẹp tuyệt trần là Syrinx và Écho. Nhưng cả hai cô đều khước từ lời tỏ tình của thần mà chạy trốn. Thế nhưng ngày nay hình tượng con Dê lại biến tướng theo chiều hướng xấu: nhắc đến Dê là nhắc đến người đàn ông có máu trăng hoa, hay trêu ghẹo, bỡn cợt, có hành vi lạm dụng phụ nữ. Hình tượng này quả là tiếng oan cho thần Pan hiền lành.
Thần Pan |
Dê có tên khoa học là Caprahircus, phân họ Caprinae. Nhiều bộ phận của Dê có thể làm thuốc và thực phẩm bổ dưỡng có thể kể đến như thịt dê (dương nhục) dùng cho người hay lao lực, đau mỏi gối hay phụ nữ sau sinh, hết sữa cho con bú. Đặc biệt các đấng mày râu rất ưa món tinh hoàn dê (ngọc dương). Theo Đông Y, ngọc dương trị thận yếu, liệt dương nên các anh từ trẻ đến già đều muốn thử để “ông ăn bà khen”. Những năm gần đây tại Sài Gòn, mọc lên hàng loạt quán lẩu dê, có lẽ cũng vì công năng “vi diệu” này.
Trong tôn giáo, con Dê là vật hiến tế của nhiều tín ngưỡng, đặc biệt là Do Thái giáo và Ki-tô giáo. Con Dê xuất hiện xuyên suốt trong hai bản Kinh Thánh là Cựu Ước và Tân Ước mỗi khi tín đồ tạ tội với Thượng Đế họ đều giết dê để dâng lời khẩn cầu ân xá.
Ở phương Đông, Dê nổi tiếng trong nhiều điển tích. Tiêu biểu trong đó là truyện vua Tấn Võ Đế của Trung Quốc. Quản lý tam cung lục viên với hàng ngàn cung tần mỹ nữ. Mỗi đêm để ái ân với một nàng, vua Tấn phải chọn cách bốc thăm: Ông ngồi trên xe cho dê kéo đi khắp tam cung lục viện, xe dê dừng ở phòng của ai ông sẽ qua đêm với người đó. Vì thế để được “vua chiều”, các cung nữ chiêu dụ dê dừng ở phòng mình bằng cách treo nhúm lá dâu non trước cửa để dê ghé vào ăn, hy vọng xa giá vua ghé thăm.
Trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) của Việt Nam từng nói đến tích này:
“Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào”
Vua Tấn Võ Đế ngồi trên xe dê |
Tại Việt Nam, dê đi vào thành ngữ nổi tiếng với câu “treo đầu dê, bán thịt chó” ám chỉ người buôn bán gian lận, rao sản phẩm một đằng lại bán sản phẩm kém chất lượng hay sản phẩm khác cái đã rao.
Hình tượng Dê cũng đi vào những trò chơi dân gian, trong đó nổi tiếng là trò “bịt mắt bắt dê”. Nhóm chơi một tốp chừng năm, bảy người chạy trốn một người bịt mắt đang đuổi theo. Nếu bị người bịt mắt chạm trúng họ sẽ thua và chịu phạt bằng cách bị bịt mắt để đuổi bắt những người còn lại. Làng tranh Đông Hồ nổi tiếng đã vẽ trò bịt mắt bắt dê nổi tiếng này.
Bịt mắt bắt dê- tranh Đông Hồ |
Dê cũng trở thành cái tên của nhiều vị thuốc. Nổi bật có thể kể như cây răng dê hay dâm dương hoắc. Nhưng gần gũi nhất đối với chúng ta có lẽ là cà dái dê (hay còn gọi là cà tím). Theo Đông Y, cà tím giúp ăn ngon, trợ tim, viêm phế quản. Không khó nhận ra hình dáng trái cà tím giống tinh hoàn của Dê nên có tên như vậy. Không gì thú bằng việc nướng một quả cà tím rồi rưới chút mỡ hành để ăn nóng. Khẩu vị món này có lẽ sẽ làm những người khó tính nhất cũng xiêu lòng.
Cà tím- loại rau mang tên Dê gần gũi với ta |
Theo quan niệm của người phương Đông, những người sinh vào tuổi Mùi (Dê) thường hiền hòa, dịu dàng, hòa đồng. Tính tình thản nhiên, điềm đạm như chính bản tính của con vật này vậy. Tìm trên Internet, không khó để gặp những lời bói tử vi về người tuổi cung này. Đọc cho vui nhưng cũng khiến ta “nở mũi”.
Tác giả bài viết này tuổi Tân Mùi (1991) đã đọc được những dòng sau trên Internet “Tân Mùi bản lĩnh siêng năng [...] Sơ niên tuổi trẻ tuyệt vời. Trung niên sự nghiệp sáng ngời hiển vinh…”. Đọc vui ngày Tết nhưng thiết nghĩ thành bại một con người đều do thái độ và hành động của chúng ta.
Năm Ất Mùi 2015 gần chạm ngõ. Đầu năm tản mạn về chú Dê hiền lành, mong xã hội sang năm sẽ yên lành, hạnh phúc. Chúc bạn đọc một năm mới an khang thịnh vượng!
Nguồn: Báo CATPHCM