Văn hóa - Giáo dục
Phản cảm vì nhiều - nhạt - nhảm
09:43, 10/02/2015 (GMT+7)
Chú trọng tới giá trị giải trí trong điều kiện áp lực cuộc sống con người ngày càng gia tăng có lẽ cũng là một hướng đi đúng của những nhà sản xuất. Tuy nhiên, giải trí đến mức nào để vẫn phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc thì dường như vẫn chưa có câu trả lời...
Năm 2015 sẽ vẫn được coi là năm bùng nổ của các gameshow, takshow truyền hình khi mà khán giả có thể dễ dàng bắt gặp các chương trình này ở bất kỳ kênh nào không riêng những ngày cuối tuần. Chú trọng tới giá trị giải trí trong điều kiện áp lực cuộc sống con người ngày càng gia tăng có lẽ cũng là một hướng đi đúng của những nhà sản xuất. Tuy nhiên, giải trí đến mức nào để vẫn phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc thì dường như vẫn chưa có câu trả lời. Để kết quả là sau một vài trống canh mua vui, những chương trình sau xuất hiện ngày càng nhạt, càng chán, càng bộc lộ sự thiếu nội dung...
Bùng nổ hài nhảm
Khi mà sức hút của các chương trình ca nhạc trên truyền hình đang có dấu hiệu hạ nhiệt thì cũng là thời điểm bùng nổ các gameshow hài hước, gây cười. Ngay từ thời điểm cuối năm 2014, đầu 2015, trên các kênh truyền hình Việt đã ngập tràn các chương trình giải trí hài hước. Hàng loạt các chương trình hài đã và đang phát sóng với những hứa hẹn gây sốt cho khán giả như "Ơn giời, cậu đây rồi!", "Chết cười" (Đài Truyền hình Việt Nam), "Cười là thua", "A ha", "Tài - Tiếu - Tuyệt" (Đài Truyền hình TP HCM). Thậm chí, Đài PT - TH Vĩnh Long cũng đã ra mắt gameshow "Vui ơi là vui".
Lạm phát các gameshow hài trong khi số lượng nghệ sĩ thực sự có khả năng diễn hài lại có hạn dẫn tới tình trạng các nghệ sĩ chạy sô hết chương trình này tới chương trình khác. Quanh đi quẩn lại ở phía Nam có các nghệ sĩ Chí Tài, Việt Hương, Thúy Nga, Trường Giang, Hiếu Hiền… Ở miền Bắc cũng không nhiều hơn mấy tên tuổi quen thuộc Tự Long, Công Lý, Xuân Bắc, Quang Thắng, Vân Dung…
Một trong những đặc điểm nổi bật của hầu hết các chương trình hài hiện nay là chú trọng tới yếu tố bất ngờ, ngẫu hứng và hoàn toàn không có kịch bản. Tập trung vào sự ứng biến tự nhiên của các nghệ sĩ trên sân khấu với sức ép phải gây cười cho khán giả bằng mọi giá đã khiến cho khán giả phát ngượng khi chứng kiến những câu nói tự do, thiếu kiềm chế, nhan nhản ngôn từ "vỉa hè" ở các chương trình này. Như những hành động uốn éo, mơn trớn, ôm ngực, lăn lê bò trườn với váy ngắn của diễn viên Phi Thanh Vân trong "Ơn giời! cậu đây rồi" khiến khán giả lắc đầu ngao ngán.
Với sự tham gia của khá nhiều danh dài nhưng “Chết cười” lại gây thất vọng từ tập đầu tiên |
Trong một tiểu phẩm, nghệ sĩ Thanh Thủy và Đại Nghĩa liên tục đánh đấm, lột trang phục, túm tóc nghệ sĩ Ngọc Tưởng khiến khán giả liên tưởng tới màn bạo lực hơn là gây cười. Những format chương trình thế này thực sự là con dao hai lưỡi. Không có kịch bản giúp người chơi thỏa sức tung hứng, sáng tạo riêng theo cách của mình nhưng nếu không phản ứng nhanh, không có một nền tảng tốt về văn hóa ứng xử và dí dỏm thì sẽ tạo ra những tình huống phản cảm.
Gần đây nhất, gameshow "Chết cười" với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng đã khiến khán giả thất vọng hoàn toàn ngay từ lần ra mắt đầu tiên. Khán giả thấy mệt mỏi, nhức mắt khi chứng kiến các nghệ sĩ phải nằm xoay ngang, xoay dọc, chồng lên nhau vì phần xếp chữ oái oăm. Nhiều ngôn ngữ tự nhiên chủ nghĩa cũng được cả người dẫn chương trình và người chơi thỏa sức thể hiện như: "Cong quá gãy sao?", "Xõa đi, xóc mà không ra là có chuyện"…
Những câu hỏi trong phần thử thách "Đố ai nhảy được" như "Cái gì càng chơi càng ra nước", "Cái gì càng to càng nhỏ"… khiến không ít khán giả đỏ mặt. Việc "ép" tiếng cười bằng những phát ngôn nhạy cảm, lạm dụng hình thể của một số nghệ sĩ khiến cho các chương trình hài giảm chất lượng, sáo mòn và kệch cỡm. Nếu còn tái diễn tình trạng hài nhảm với những tình huống nhạt nhẽo, lời thoại thô tục, cách diễn kém duyên thì các chương trình khó có thể hy vọng kéo khán giả đi đường dài. Đó là chưa nói đến việc một số nghệ sĩ có tên tuổi tham gia chương trình này tự nhiên danh tiếng và hình ảnh của mình xuống giá một cách thảm hại.
Người chơi: Vơ bèo vạt tép
Một trong những phương thức mà các gameshow truyền hình sử dụng để thu hút khán giả là mời người chơi là những nghệ sĩ nổi tiếng. Điều đó cũng không khó lý giải bởi tâm lý khán giả thường tò mò về những tài lẻ của các nghệ sĩ mà mình hâm mộ. Thế nhưng, vì chạy theo tiêu chí nổi tiếng mà nhiều nhà sản xuất đã mời cả những nghệ sĩ vào những sân chơi không phù hợp với năng khiếu, sở trường của mình.
Trong chương trình "Ơn giời! Cậu đây rồi", khán giả không khỏi cảm thấy ái ngại khi chứng kiến cảnh ca sĩ Miu Lê, MC Phan Anh, diễn viên Hoàng Anh... ngượng nghịu chỉ cười trừ không biết đối đáp thế nào trước những tình huống mà "trưởng phòng" là những danh hài đưa ra. Không ít lần, tại các gameshow ca nhạc, một số người đẹp với chất giọng thuộc hàng "hát karaoke" thật sự chật vật với từng đêm thi của mình. Tuy nhiên, điều đó có thể thông cảm hơn là có những người chơi mà khán giả băn khoăn liệu họ có xứng đáng với danh xưng "nghệ sĩ" hay không?
Sự xuất hiện của Angela Phương Trinh trong chương trình "Bước nhảy hoàn vũ" mùa này là một ví dụ. Ngoài những bộ phim đóng ở lứa tuổi thiếu niên, gần đây, cô gái này không có đóng góp gì cho nghệ thuật ngoài những scandal hở hang, lộ hàng phản cảm. Cô không chỉ đánh mất hình tượng bởi những hình ảnh ăn mặc lố lăng, những án phạt liên tục từ các cơ quan chức năng mà còn bởi những phát ngôn gây sốc đậm mùi vật chất. Thậm chí, ngay cả khi chương trình đang diễn ra, cô gái này cũng vướng phải những lùm xùm tình - tiền với một vị bác sĩ thẩm mĩ.
Cũng như sự có mặt của Quế Vân tại chương trình "Cặp đôi hoàn hảo" cũng khiến khán giả ngơ ngác không biết gọi Quế Vân bằng danh hiệu gì: Người đẹp thi chui tại một cuộc thi nhan sắc "ao làng" hay người đẹp ham cãi cọ, ẩu đả?
Không phải người nổi tiếng nào được mời tham gia các gameshow truyền hình cũng vì tài năng |
Khán giả thật khó chấp nhận những người nổi tiếng nhưng không phải bằng tài năng ấy xuất hiện một cách liên tục trên sóng truyền hình quốc gia. Bởi với nghệ sĩ, ngoài tài năng thì một điều quan trọng nữa là nhân cách. Hình ảnh nghệ sĩ có ảnh hưởng không nhỏ tới các bạn trẻ. Ưu ái những người nổi tiếng vì scandal cũng có nghĩa đã vô tình cổ xúy cho lối sống gấp, hào nhoáng thay vì tôn vinh những tài năng chăm chỉ cống hiến cho nghệ thuật.
Vẫn "khát" gameshow "nội địa"
Một điều khiến không ít khán giả băn khoăn khi xem các gameshow hiện nay là hầu hết các chương trình này đều được mua bản quyền từ nước ngoài. Sở dĩ các nhà sản xuất mê các chương trình có format từ nước ngoài vì đơn giản, nhàn thân. Chỉ cần bỏ tiền ra mua bản quyền là chỉ việc làm theo chương trình.
Thời gian qua, đã từng có một số chương trình gameshow nội địa lên sóng nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn như "Hát với ngôi sao", "Đánh thức giai điệu"… Nhiều người cho rằng, sở dĩ các gameshow nội chết yểu vì tính chuyên nghiệp chưa cao, đặc biệt không có sức hấp dẫn để có thể chạy đường dài. Trong khi các chương trình mua bản quyền đã quá chuẩn mực thì hiện nay, chúng ta lại chưa có nền công nghiệp sản xuất gameshow để có thể tạo ra được những chương trình hoàn chỉnh. Vì thế, sự thua cuộc của các gameshow nội địa cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, việc sử dụng các gameshow có bản quyền nước ngoài không phải lúc nào cũng thành công bởi không phải chương trình nào cũng hoàn toàn phù hợp với tính cách, văn hóa của người Việt Nam. Nguyên nhân của việc có quá nhiều "sạn" tại các chương trình truyền hình giải trí cũng một phần vì khập khiễng giữa format gốc và sự áp dụng thực tế ở Việt Nam. Ở nhiều gameshow, những hành động, lời nói hay phản ứng của các nghệ sĩ có thể phù hợp với phong cách giao tiếp của người nước ngoài nhưng chưa chắc đã phù hợp với truyền thống văn hóa Á Đông.
Đơn cử như chương trình "Chết cười" (phiên bản của "Anything Goes") của Pháp. Tại quê hương và ở nhiều quốc gia khác, chương trình luôn có số người xem cao nhất trong các chương trình cùng thời điểm. Tuy nhiên, chỉ ngay với lần đầu phát sóng tại Việt Nam, chương trình đã khiến khán giả "vỡ mộng". Những tình huống quen thuộc, nhạt nhẽo, lời thoại nhảm nhí, những thử thách phản cảm đã khiến chương trình không được như những gì nhà sản xuất hứa hẹn và khán giả mong đợi.
Sự tồn tại của các gameshow trên truyền hình là một điều tất yếu trong điều kiện nhu cầu giải trí tăng cao hiện nay. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng các gameshow để đem đến những giây phút giải trí lành mạnh là một việc làm cần thiết trong điều kiện hiện nay của những người có trách nhiệm.
Nguồn: cand.com.vn