Văn hóa - Giáo dục
Một gia đình 'thắp lửa' dân ca
09:04, 07/02/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đến xóm Sen 4, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, hỏi thăm gia đình nghệ nhân dân gian Lê Thị Bích Thủy, bà con nơi đây không ai không biết. Từ nhỏ được học hát cùng bà ngoại, chị Thủy đã sớm nổi danh với chất giọng dân ca nức tiếng một vùng. Cháu Nguyễn Thế Bảo - con trai chị cũng tiếp nối truyền thống gia đình trở thành “Nghệ nhân nhỏ tuổi hát dân ca hay nhất xứ Nghệ”. Trong gia đình giàu truyền thống văn nghệ ấy, tình yêu với dân ca ví, giặm đã trở thành dòng chảy không bao giờ vơi cạn.
Chị Lê Thị Bích Thủy sinh ra và lớn lên ở xóm Liên Sơn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn. Bà ngoại chị là một người rất am hiểu về dân ca Nghệ Tĩnh. Từ nhỏ, chị đã được sống trong những khúc ca mượt mà, sâu lắng của bà và được bà truyền dạy nhiều làn điệu của quê hương như ví đò đưa sông Lam, ví đò đưa sông La. Lớn lên một chút, sau mỗi giờ học, Thủy lại theo các bà, các cụ đến các buổi hát đối đáp trong làng. Suốt những năm tháng trên giảng đường, chị thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ và đều chọn các làn điệu dân ca làm tiết mục biểu diễn và luôn đạt giải cao. Chẳng biết từ bao giờ, tình yêu với dân ca xứ Nghệ đã nảy nở, gắn bó với chị tự nhiên như máu thịt.
Năm 1990, Thủy đỗ vào lớp Sư phạm, Trường Văn hóa - Thông tin Nghệ Tĩnh. Dưới sự dìu dắt, chỉ dạy của các nghệ sĩ Đình Bảo, Văn Thế, tài năng của chị ngày càng thăng hoa, nở rộ. Với chất giọng trong trẻo, đằm thắm, man mác hồn quê, chị liên tiếp gặt hái được nhiều thành công ở nhiều hội thi dân ca chuyên nghiệp như giành được Huy chương Vàng “Liên hoan biển hát 93” tại Đà Nẵng năm 1993; Huy chương Bạc tiết mục “Người về thăm quê” trong cuộc thi “Tiếng hát giáo viên mầm non” do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức vào năm 1995; giải Nhì cuộc thi “Tiếng hát hay trên sóng truyền hình Nghệ An” năm 1998 và danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” do Hội Văn nghệ dân gian trao tặng năm 2003.
Nghệ nhân Bích Thủy cùng con trai Thế Bảo |
Càng đam mê, gắn bó với dân ca, chị càng mong mỏi được dùng tài năng, sức trẻ của mình để đưa những làn điệu của quê hương đến gần hơn với đời sống sinh hoạt và lao động của nhân dân. Bởi vậy, không chỉ tham gia vào các hội diễn chuyên nghiệp, chị còn thử sức với công việc biên soạn, viết lời, dàn dựng những chương trình văn nghệ mang phong cách dân ca như Hội thi “Dân vận khéo”, “Nhà nông đua tài”, “Xây dựng nông thôn mới”… Trong các chương trình này, chị vừa lồng ghép vừa diễn xướng và dạy cho bà con hiểu sâu, hát đúng các làn điệu dân ca. Nhiều người sau những buổi tập đã chia sẻ với chị niềm yêu thích với dân ca. Đó là phần thưởng ý nghĩa nhất cho những công sức, nỗ lực âm thầm của chị.
Năm 1993, chị về dạy nhạc ở Trường Tiểu học Làng Sen, xã Kim Liên. Được sự ủng hộ, khuyến khích của nhà trường, chị đưa một số làn điệu hò, ví đơn giản, dễ thuộc, dễ hát như: Hát Khuyên, Đông Xuân, Tứ Hoa, Đông Sơn… vào các tiết học tự chọn và hoạt động ngoại khóa. Nhiều làn điệu đã được chị phổ lời thành các bài hát như: Bác Hồ với em, Khúc dân ca dâng Bác, Mùa xuân mừng Đảng… được học sinh tiếp nhận rất hào hứng. Để những tiết học dân ca thêm phần sôi động, chị còn kì công tạo ra các đạo cụ, trang phục, phối cảnh sân khấu và cho các em hóa thân vào những vai diễn trong các vở kịch ngắn. Nhờ những sáng kiến và sự tận tâm, nỗ lực của chị, giờ đây, dân ca ví, giặm đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống học đường của học sinh nơi đây.
Qua nhiều năm triển khai hoạt động đưa dân ca vào trường học, niềm vui lớn nhất của chị là tìm ra và đào tạo được nhiều tài năng nhí. Nổi bật nhất là em Nguyễn Thế Bảo, cũng là con trai thứ hai của chị. Nói về con trai, đôi mắt chị ánh lên một niềm tự hào thầm kín. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn nghệ, từ nhỏ, Thế Bảo đã sớm bộc lộ năng khiếu ca hát và niềm yêu thích với dân ca. Năm 6 tuổi, em đã đạt giải Đặc biệt trong Hội thi “Đưa dân ca vào trường học” do Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức.
Với giọng hát trong trẻo và khả năng ghi nhớ, nắm bắt tiết tấu những bài dân ca khó, Thế
Bảo ngày càng bộc lộ sự chuyên nghiệp hơn trong âm nhạc. Không chỉ tự luyện tập ở nhà, em còn chăm chỉ theo mẹ đến các buổi biểu diễn của Câu lạc bộ dân ca phường vải xã Kim Liên. Ngoài ra, em còn có cơ hội được NSƯT Hồng Lựu chỉ bảo, truyền dạy nhiều kĩ năng về bộ môn này. Năm 2012, em vinh dự nhận được danh hiệu “Nghệ nhân nhỏ tuổi hát dân ca hay nhất” trong Liên hoan dân ca xứ Nghệ do Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An tổ chức. Tin rằng, đây chỉ là dấu mốc khởi đầu cho những thành công rực rỡ hơn nữa của em trên con đường thực hiện ước mơ trở thành nghệ sĩ dân ca trong tương lai.
Chia tay gia đình chị Bích Thủy trong buổi chiều muộn đầu xuân, chúng tôi chợt nhận ra rằng, hàng nghìn năm nay, trên mảnh đất xứ Nghệ, tình yêu dân ca ví, giặm vẫn được trao truyền, kế tục trong mỗi gia đình, thôn xóm một cách thuần hậu như thế. Đó cũng là cách nguyên sơ, đẹp đẽ nhất để mạch nguồn dân ca ví, giặm quê hương chảy mãi đến muôn đời…
Thu Phương