Văn hóa - Giáo dục
Chàng trai nặng tình với câu ví quê nhà
09:27, 25/02/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Ngày nay, khi mà giới trẻ đang dần quay lưng với những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống thì vẫn có những người trẻ tuổi theo đuổi loại hình ví giặm bởi niềm đam mê, bởi cái tình gắn bó với quê nhà. Dân ca ví, giặm đã và đang từng ngày cháy trong huyết quản của chàng trai 9X xứ Nghệ. Đặc biệt, loại hình nghệ thuật vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại lại đang “sống” trên đất Thủ đô. Người “gieo mầm” cho sự sống ấy là Lê Thanh Phong, một người con xứ Nghệ, hiện là Chủ nhiệm CLB UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ.
Từ niềm say mê dân ca
Giữa những ngày tất bật cuối năm, khi cánh cửa xuân đang dần hé mở, tôi được trò chuyện cùng Lê Thanh Phong trong không gian ấm áp, chan hòa. Phong chia sẻ: “Những ngày này, tôi và các bạn trong CLB đang khẩn trương tập luyện cho buổi ghi hình trực tiếp chương trình bảo tồn làn điệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ, do Trung tâm di sản văn hóa UNESCO tổ chức”.
Lê Thanh Phong sinh ra và lớn lên tại phường Trung Đô, TP Vinh. Năm nay, Phong vừa tròn 23 tuổi. Mảnh đất và con người xứ Nghệ sâu nặng nghĩa tình đã nuôi dưỡng anh từ những ngày còn thơ bé. Thừa hưởng từ gia đình có truyền thống theo nghệ thuật, ngay từ nhỏ, Phong đã bộc lộ niềm đam mê ca hát. Bố, mẹ là văn công đem lời ca tiếng hát phục vụ nơi chiến trường ác liệt. Chiến tranh lùi xa, bố Phong trở thành văn công tại Quân khu II, mẹ là nghệ sĩ ngâm thơ, diễn viên múa trong quân đội, chú ruột là nhạc sĩ Lê Thanh Đức, cũng là người thầy đầu tiên trực tiếp chỉ dạy cho Phong về lý thuyết âm nhạc từ khi còn nhỏ.
Nói đến tình yêu cháy bỏng với dân ca, Phong cho biết, đã là người con xứ Nghệ thì ít nhiều, ai cũng hát được vài điệu hát dân ca ví, giặm. Nói rồi, say sưa cất lời “Ơ... chơ trưa hè bên chiếc võng đưa, mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng nồng” của làn điệu xẩm thương “Thập ân phụ mẫu”. Lê Thanh Phong “say” dân ca từ khi còn nằm trên nôi. Phong kể: “Nghe mẹ nhắc lại thì ngày bé xíu, tôi thường hay khóc nhè, không ai dỗ dành được. Nhưng chỉ cần lời ru, câu hò ví, giặm vỗ về của mẹ là tôi nín khóc và say sưa ngủ...”. Chính những làn điệu ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của cậu bé Phong. Để rồi sau này, nó chính là hành trang để Phong theo đuổi niềm đam mê với dân ca ví, giặm...
Có tố chất, Phong được gia đình gửi vào Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt - Đức để theo đuổi niềm đam mê của mình. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng mỗi lần cất lên làn điệu dân ca xứ Nghệ, người nghe như nuốt trọn từng lời bởi giọng ca truyền cảm, ngọt ngào, da diết và khuôn mặt bầu bĩnh, đáng yêu của Phong. Cái duyên đối với dân ca không dừng lại ở đó mà lớn dần theo năm tháng. Điều đó được chứng minh khi Phong lựa chọn dân ca Nghệ Tĩnh cho phần thi năng khiếu vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Lê Thanh Phong biểu diễn cùng các thành viên trong CLB |
Kết quả, Phong đỗ vào khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật của Trường. Không chỉ đam mê dân ca, Phong còn có ước mơ trở thành nhà quản lý văn hóa trong lĩnh vực truyền thông. Vì vậy, khi đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học Văn hóa, Phong đã nộp hồ sơ thi vào Học viện Âm nhạc Huế. Trời chẳng phụ công, với tài năng và sự chăm chỉ, Phong được xưng danh khi đỗ Á khoa toàn khóa của Trường.
Là một chàng trai thế hệ 9X, với phong cách hiện đại nhưng ít ai biết được rằng, Phong có thể hát xẩm dân ca với chất giọng luyến láy độc đáo. Phong nhớ lại, trong chương trình “Hà thành 36 phố phường” tại sân khấu xẩm Đồng Xuân (TP Hà Nội), được sự dìu dắt của nghệ sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam, Phong đã thể hiện thành công điệu hát xẩm dân ca Nghệ Tĩnh và khiến bao trái tim xúc động.
Có thể nói, Phong chính là người đầu tiên đưa hát xẩm dân ca xứ Nghệ ra đất Bắc. Năm 2012, Phong vinh dự được Ban tổ chức đêm nhạc từ thiện “Vòng tay mẹ” do Báo Tiền phong và Báo Văn hóa đồng tổ chức mời tham gia cùng những nghệ sĩ có tên tuổi như NSƯT Tấn Minh, nhạc sĩ Dương Cầm... Giữa những ca khúc nhạc trẻ, nhạc nhẹ thì tiết mục xẩm thương “Thập ân phụ mẫu” do Phong biểu diễn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Đến việc cho ra đời một câu lạc bộ
Là người con xứ Nghệ yêu và say dân ca từ thuở bé, tiếng hát Lê Thanh Phong, đặc biệt là hát xẩm dân ca đã khiến cho biết bao trái tim xúc động. Bên cạnh hát chèo, chầu văn thì dân ca ví, giặm thu hút được nhiều người nghe. Tuy nhiên, để tạo sức lan tỏa lớn, theo Phong, “một mình em thì không thể...”. Chính vì vậy, Phong đã kêu gọi các bạn trẻ ở khắp các tỉnh thành hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội thành lập CLB dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Sau một thời gian vừa hoạt động vừa bổ sung, ổn định tổ chức, nhờ sự tư vấn, chỉ đạo nghệ thuật của Trung tâm Phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, CLB của Phong và các bạn có tên gọi mới là CLB UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ, trực thuộc Liên hiệp UNESCO Việt Nam.
Những ngày đầu mới thành lập, CLB UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ mới chỉ 6 thành viên nhưng đến nay, đã có trên 60 thành viên tham gia. Đa số là các bạn sinh viên và một số nghệ sĩ biểu diễn chính thức như Tố Nga, Thụy Miên, Cẩm Tú, Hạ Vân, Quế Thương và các hội viên liên kết từ các hội, nhóm khác... Cứ vào chiều thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, tại đình Xuân La và Hồ Tây, CLB lại tổ chức buổi sinh hoạt, tái diễn lại không gian diễn xướng với 3 chặng hát: Hát chào, hát đố - hát xe kết và hát tiễn.
Các thành viên không chỉ hát lại những câu ca quen thuộc từ ngàn đời nay mà còn ứng tác, sáng tạo nên lời mới phù hợp với những sự kiện đang diễn ra... Ngoài ra, để thể hiện đúng tinh thần của không gian xưa, nữ thì mặc váy xòe, váy đụp, nam thì vận áo quần thâm, vừa ngồi dệt vải vừa hát hay người trên bến, dưới thuyền đối đáp giao duyên. Không chỉ duy trì việc ca hát, CLB cũng thường xuyên sưu tầm các làn điệu cổ với sự hỗ trợ của NSND Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ.
Lê Thanh Phong đang hát điệu xẩm thương "Thập ân phụ mẫu" |
Lê Thanh Phong cho biết, khi nghe tin dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bản thân anh cũng như các thành viên đều rất vui mừng, xúc động lẫn tự hào. Phong chia sẻ: “Tự hào vì là người con sinh ra trên mảnh đất xứ Nghệ, những hoạt động của các thành viên trong CLB thời gian vừa qua cũng đã đóng góp một phần nào đó trong việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm...”.
Sau khi UNESCO công nhận dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể, Phong đứng ra tổ chức thành công triển lãm ví, giặm tại Hội chợ triển lãm nghệ thuật Hà Nội. Chương trình kéo dài gần 1 tháng, từ ngày 5 - 28/12/2014. Mục tiêu lâu dài của Phong cũng như CLB là đội nghệ thuật CLB sẽ thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ du lịch Hồ Tây, đón các đoàn quốc tế đến xem, biểu diễn tại đình Xuân La, Tây Hồ và đưa ví, giặm vào biểu diễn phục vụ du khách tại Khu di tích Phủ Chủ tịch trong lăng Bác Hồ...
Khi mùa xuân đang gõ cửa đến muôn nhà cũng là lúc các thành viên trong CLB của Phong đang tất bật tập luyện những tiết mục để tham gia biểu diễn vào đúng dịp Tết. Ngoài tham gia sinh hoạt ở CLB, ngay sau khi mới tốt nghiệp ra trường, Phong đã làm biên tập viên, dẫn chương trình của kênh truyền hình trực tuyến LifeTV. Mặc dù công việc cuối năm ôm đồm không xuể nhưng với Phong, đó là niềm đam mê, bởi theo anh, tuổi trẻ cần phải cống hiến. Lê Thanh Phong chính là ngọn lửa thắp sáng những nét đẹp văn hóa truyền thống, người “gieo mầm” để dân ca ví, giặm sống lại trong lòng thế hệ trẻ hiện nay và mai sau.
Tất Vượng