Văn hóa - Giáo dục

Gặp tác giả của nhiều ca khúc viết về lực lượng Công an

09:14, 10/03/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Đã bước sang tuổi 80 nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Qua những câu chuyện hóm hỉnh, dung dị mà sâu sắc, chúng tôi cảm nhận được một tâm hồn trong sáng và tươi vui trong con người nghệ sĩ ấy. Ông là nhạc sĩ Lê Hàm, tác giả của nhiều ca khúc viết về Công an nhân dân.
 
Những cái hẹn với mùa xuân… 
 
Như là “hữu duyên thiên lý…”, cứ vào độ những ngày giáp Tết, chúng tôi lại có dịp được “tương ngộ” và trò chuyện với nhạc sĩ Lê Hàm. Ông tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ ở phường Trường Thi (TP Vinh), là nơi ông đã sáng tác ca khúc “Vinh, thành phố bình minh”, được xem là “quốc ca” của thành phố. Vẫn nụ cười, giọng nói và sự lạc quan đầy tin yêu, chúng tôi cảm nhận người nghệ sĩ ấy dường như “không có tuổi”. Phải chăng, với nghệ sĩ, họ yêu nghệ thuật quá đỗi nên năm tháng cứ nhân lên những nét nhân văn trên gương mặt. Họ cứ trẻ mãi với âm nhạc, với ca từ và mỗi giai điệu…
 
Nhạc sĩ Lê Hàm tuy không sinh ra và lớn lên trên vùng quê núi Hồng, sông La nhưng mảnh đất ấy đã từng nuôi dưỡng ông những ngày niên thiếu. Với câu hò, điệu ví và những đêm trăng với khúc nhạc trữ tình trên dòng sông thơ mộng đã bồi đắp cho tâm hồn ông nguồn phù sa màu mỡ của âm nhạc dân gian. Theo năm tháng, tình yêu với dân ca ví, giặm ngày càng dào dạt và đến hôm nay, vẫn còn chảy mãi trong trái tim của người nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Lê Hàm trò chuyện với tác giả
Nhạc sĩ Lê Hàm trò chuyện với tác giả
Tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Lê Hàm vào giới tuyến Vĩnh Linh phục vụ cuộc chiến đấu của các chiến sĩ bên bờ bắc sông Bến Hải. Năm 1963, ông trở lại Hà Tĩnh và ngay từ những ngày đầu trở về mảnh đất thân thương ghi dấu bao ký ức ngọt ngào, ông đã viết nên bài hát “Gái sông La”. Đặc biệt, trận đầu thắng Mỹ trên đất Hà Tĩnh đã phả vào tâm hồn ông âm hưởng hào hùng, cảm xúc tin tưởng và tự hào về sức mạnh của quân dân Hà Tĩnh. 
 
Liên tiếp 3 bài hát “Hà Tĩnh, quê hương ta”, “Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang”, “Em yêu Hà Tĩnh” đã ra đời trong thời điểm này. Như nhiều người nghiên cứu âm nhạc dân gian nhận xét: Ngôn ngữ âm nhạc Lê Hàm ngọt ngào, giàu chất dân ca, gần gũi với quê hương xứ Nghệ, kết hợp hài hòa chất liệu dân gian và kỹ thuật sáng tác. Vượt lên những rào cản về thời gian, giai điệu của các ca khúc ấy đến nay còn ngân vang mãi trong lòng nhiều thế hệ.
 
Trở lại với những câu chuyện đời, chuyện nghề, thì Hà Tĩnh vẫn là nơi gắn bó nhiều ký ức của người nhạc sĩ ấy. Trong cái hẹn của mùa xuân, chúng tôi vẫn đợi ông và những ca khúc mới ở bên ni Ngàn Hống… 
 
Tha thiết về giai điệu người chiến sĩ Công an…
 
Là “cha đẻ” và cũng là người thành công với đề tài viết về quê hương đất nước, nhất là viết về xứ Nghệ nhưng nhạc sĩ Lê Hàm vẫn giành nhiều tình cảm để viết về CBCS Công an nhân dân. Dường như thấu hiểu được những hy sinh, vất cả của lực lượng CAND nên những ca từ, giai điệu viết về những người giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống cứ tự nhiên ngân vang trong ông. Trong số đó, phải kể đến các nhạc phẩm: “Người đi trong đêm vắng”, “Bình yên trên những tuyến đường” và rất nhiều ca khúc khác.
 
Nhạc sĩ Lê Hàm chia sẻ rằng: Ấp ủ, day dứt về những hình ảnh đẹp trong cuộc sống rất nhiều, “chất xúc tác” để gọi thành tên, viết thành lời là không phải dễ. Nhưng mỗi lần viết về CAND thì hình ảnh đó lại tự nhiên quá đỗi…
 
“Đàn ai trầm tư thanh vắng bên tiếng ru à ơi, ru hời, phòng khuya đèn ai bâng khuâng khi phố phường mây trắng sương giăng, còn ai trầm tư sâu lắng theo thời gian mắt thâm quầng, dõi nhìn qua đêm thâu vì bao mái nhà, vì bao em thơ. Người chiến sĩ Công an nhân dân lặng thầm chiến đấu trong bao gian nan…”. Lời ca về người chiến sĩ Công an trong “Người đi trong đêm vắng” của Lê Hàm thật nhẹ nhàng, tha thiết.
 
Khi màn đêm đến, sương giăng thì những bước chân tuần tra âm thầm lặng lẽ lại vang lên. Đến “Bình yên trên những tuyến đường”, âm hưởng đã trở nên gấp gáp hơn, khi người chiến sĩ Công an làm việc giữa môi trường có người ngược, người xuôi… “Chiều dài những con đường in bước tuần tra của chúng tôi, vòng quay lăn bánh con tàu là bao đêm dài không ngủ, lênh đênh trên biển cả hay lướt sóng trên dòng sông. Có chúng tôi những người Cảnh sát giao thông…”.
 
Với nhạc sĩ Lê Hàm thì ca từ và giai điệu trong ca khúc ông viết sẽ nói hộ ông sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc với những hy sinh, cống hiến thầm lặng của người chiến sĩ CAND. Khi đặt bút viết những dòng nhạc cho ca khúc ngợi ca lực lượng CAND, Lê Hàm đã trìu mến gọi đó là những người giữ gìn sự bình yên. Đất nước không thể bình yên khi không có các anh. Mỗi câu từ của các ca khúc như tan ra, hòa quyện, đồng cảm, thấu hiểu với công việc và nhiệm vụ của lực lượng CAND. 
 
Với ca khúc “Bình yên trên những tuyến đường”, ông chia sẻ: Chứng kiến CSGT tận tụy, vất vả, nhiều lần bị các đối tượng vi phạm Luật giao thông đâm xe, bị hất lên nắp capô đi cả chục cây số; trong những cơn lũ chồng, lũ kép, CSGT không quản ngại khó khăn, sẵn sàng xả thân để cứu nhân dân trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”… Chính tình cảm chân thành đã thôi thúc ông viết nên bài hát, vừa để chia sẻ với khó khăn của lực lượng CSGT, vừa giúp đông đảo công chúng hiểu được công việc của họ. 
 
Lời của bài hát rất gọn nhưng khái quát được đặc thù công việc của lực lượng CSGT, câu từ giàu ý nghĩa mà mộc mạc, dễ nghe, dễ thuộc. “Bình yên trên những tuyến đường” của Lê Hàm là bài hát đạt giải Nhì, không có giải Nhất trong cuộc thi sáng tác ca khúc về an toàn giao thông năm 2012, do Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia tổ chức. Đó cũng là thêm một lần ghi công cho người nhạc sĩ không chỉ yêu mến lực lượng CSGT mà còn có trách nhiệm với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Với nhạc sĩ, khát vọng bình yên trên những tuyến đường chính là sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Chính sự cảm thông, yêu mến anh em CSGT của nhạc sĩ đã làm nên một tác phẩm có giá trị. 
 
Cùng với các tác phẩm khác viết về đề tài vì bình yên cuộc sống, các ca khúc của Lê Hàm như những bông hoa nghệ thuật trong vườn xuân âm nhạc của nước nhà. Thêm những âm sắc, giai điệu đẹp trong bản hoà tấu về lực lượng Công an nhân dân mà trong đó, lời ca, điệu hát đã cất lên và hoà nhịp với âm hưởng của ví, giặm trên mảnh đất núi Hồng, sông La. 
 
Và, phải thật sự gần gũi nhạc sĩ Lê Hàm thì mọi người mới hiểu, ở vào cái tuổi bát thập mà ông vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, phơi phới tươi vui là bởi chính những lời ca, điệu hát đã trở thành “liều thuốc” bồi bổ tâm hồn người nghệ sĩ.

Xuân Lý - Văn Hùng

Các tin khác